Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Góc nhìn Giữ gìn và tái tạo vẻ đẹp sinh thái trong các khu đô thị

Giữ gìn và tái tạo vẻ đẹp sinh thái trong các khu đô thị

Viết email In

Hà Nội phát triển đô thị ngày càng hiện đại, nhưng việc dành đất để xây dựng các không gian cây xanh nhằm tạo vẻ đẹp sinh thái cho môi trường sống, chưa được quan tâm đúng mức. 

Không thể phủ nhận rằng bộ mặt thành phố đổi thay mạnh mẽ trong những năm gần đây với những tòa nhà cao tầng hiện đại, kiến trúc đa dạng thay thế các khu nhà thấp tầng lụp xụp. Tuy nhiên, ai cũng nhận thấy sự thiếu vắng không gian cây xanh, làm mất đi vẻ đẹp sống động, hài hòa của cảnh quan.


Không gian xanh cho người dân tại Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm). 

Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, Trường đại học Khoa học tự nhiên, để đánh giá một đô thị hiện đại, phải căn cứ vào hai chỉ tiêu quan trọng là cây xanh và không gian lưu không trong đô thị. Nhìn vào sự phát triển các đô thị mới trên địa bàn hiện nay có thể thấy các chỉ tiêu ấy còn rất thấp. Ở khu vực nội thành, nơi chúng ta vẫn tự hào về không gian lãng mạn, chỉ tiêu cây xanh chưa đạt 2 m2/người. Ngay cả trong Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên,vườn hoa và hồ thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chỉ tiêu cây xanh cho các khu vực đô thị của thành phố vẫn rất thấp: đô thị trung tâm nam Sông Hồng là 2,2 m2/người, chuỗi đô thị đông vành đai 4 là 3,4 m2/người, khu vực vành đai xanh 5,2 m2/người, chuỗi đô thị bắc Sông Hồng 2,7 m2/người… So với các thành phố hiện đại trên thế giới, chỉ tiêu nói trên thường đạt 20-25 m2/người; một số thành phố lớn như Berlin (CH Liên bang Đức) là 50 m2/người, Mat-xcơ-va (Liên bang Nga) 44 m2/ người, Paris (Pháp) 25 m2/người...

Nhìn lại những khu tập thể cũ như Kim Liên, Trung Tự, Vĩnh Hồ, Thành Công được xây dựng vào những năm 70 của thế kỷ trước, ta thấy mặc dù về mặt kiến trúc chưa đẹp, nhưng những giá trị về cảnh quan không gian lại là điều đáng phải học tập, rút kinh nghiệm cho những khu đô thị mới hiện nay. Đều đặn giữa những dãy nhà năm tầng là những khoảng không gian lưu không rộng rãi. Vào những năm 1980, 1990, không gian ấy luôn là mầu xanh mát rượi của cây cối. Đứng trên những căn hộ ở tầng cao, nhìn phía trước hay phía sau đều cảm nhận rõ sự thoáng đãng, trong lành, mát mẻ. Trẻ em chạy nhảy, nô đùa ríu rít… Song thật đáng tiếc, do buông lỏng quản lý, những không gian ấy dần dần bị lấn chiếm, bị phá hủy, thay thế vào đó là nhà cửa, tường bao. Ngày nay, đi vào những khu vực ấy, chỉ còn thấy sự chật chội, bức bách, khó có thể hình dung nổi khung cảnh êm đềm trước kia. Người dân tự ý lấn chiếm khoảng không gian chung, xây dựng hàng quán làm nơi kinh doanh, “tiêu diệt” hết diện tích đất trống, cây xanh, đường đi. Các quận Đống Đa và Thanh Xuân là những nơi phổ biến nhất tình trạng này. Theo số liệu khảo sát, tỷ lệ vườn hoa, cây xanh ở quận Đống Đa chỉ đạt 0,19%, ở Thanh Xuân là 0%.

Trong những khu đô thị mới hiện nay, tỷ lệ các không gian trống, không gian xanh so với mật độ xây dựng rất thấp. Những vườn cây, công viên nhỏ mang tính chất bắt buộc phải xây dựng hầu hết có diện tích rất nhỏ, từ vài chục đến vài trăm mét vuông, thiết kế không gần gũi với cuộc sống của người dân. Diện tích dưới chân các tòa nhà cao tầng chủ yếu dùng làm bãi đỗ xe; không gian giữa các tòa lại dành cho các hoạt động dịch vụ như nhà hàng, quán giải khát… Cây xanh rất thưa thớt, có những nơi gần như vắng bóng. Thí dụ như ở các khu đô thị Linh Đàm, Trung Hòa - Nhân Chính, không gian giữa những tòa nhà chỉ dành cho đi lại, không thiết kế vườn hoa, sân chơi xen kẽ giữa khu nhà ở trong phạm vi bán kính được quy định. Làng Quốc tế Thăng Long, không gian ở phía trước của tòa nhà chung cư là khu vực đỗ xe. Tầng trệt tòa nhà chung cư khu đô thị Nam Đồng (đường Trần Duy Hưng) được cho thuê làm các nhà hàng, ngân hàng, siêu thị..., đã chiếm hết không gian công cộng trước mặt tiền để làm chỗ để xe và chỗ ngồi cho khách hàng. Nhất là tại các khu nhà tái định cư và nhà ở xã hội, không gian xanh hầu như không được quan tâm…

Điểm qua tất cả các khu dân cư từ cũ đến mới đều có thể thấy rõ bộ mặt đô thị Hà Nội hiện đại nhưng thiếu cân đối, thiếu mầu sắc thiên nhiên. Để bù lại sự thiếu hụt ấy, nhiều người dân đã tự tạo những mảng xanh quanh nhà hay đưa thiên nhiên sống động vào nơi ở của mình. Nhà nào chật hẹp thì làm đẹp bằng những chậu cảnh trên ban công, trước cửa nhà hoặc những vị trí trong phòng mà có đủ ánh sáng tự nhiên. Đối với những nhà rộng hơn, nhiều gia đình trồng những giàn hoa, làm vòm cổng xanh hoặc đánh những cây hoa, quả lâu năm về trồng trong sân, vườn. Có những ngôi nhà rất độc đáo với toàn bộ tường nhà bám kín dây leo xanh thẫm, mát mẻ. Bằng những cách ấy, thiên nhiên ùa vào nơi ở, làm nên một không gian sống trong lành. Đó cũng chính là sự thể hiện khát khao tái tạo không gian sinh thái cho nơi ở của mỗi người dân. Tinh thần ấy rất cần được thúc đẩy, nhân rộng trong những phạm vi rộng hơn, để mỗi người không chỉ chăm chút nơi ở của mình mà cùng nhau gây trồng ở những khu vực công cộng chung quanh khu vực sinh sống…

Chưa muộn nhưng cũng không còn sớm để thực hiện việc tăng chỉ tiêu cây xanh trên địa bàn thành phố. Các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cho rằng cần phải đẩy mạnh di dời một số cơ sở y tế , giáo dục, cơ sở sản xuất công nghiệp ra khu vực ngoại thành. Quỹ đất để lại nên dành phần nhiều cho xây dựng các công viên lớn và trồng nhiều cây xanh. Thành phố nên xem xét lại chủ trương đấu giá đất công và đất xen kẹt cho kinh doanh, thay vào đó nên ưu tiên làm vườn hoa, trồng những dải cây xanh xen kẽ trong khu dân cư để cải thiện không gian sống. Đối với các vườn hoa, sân chơi hiện hữu trong các khu dân cư, cần khẩn trương phục hồi, tôn tạo, nâng cấp, đồng thời tăng cường công tác quản lý, dẹp bỏ những lấn chiếm, sai phạm, sử dụng sai mục đích. Cần sớm ban hành chế tài bảo vệ cây xanh công cộng, đẩy mạnh sự giám sát của cộng đồng đối với bảo vệ và chăm sóc cây xanh. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ cây, tích cực trồng cây, không mang tính phong trào, mà cần thực chất để qua đó nhân lên tinh thần tự giác của mỗi người dân. 

Minh Hạnh (Nhân Dân) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo