Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Góc nhìn Đường đắt nhất Hà Nội phải lát lại vỉa hè: Thiếu tầm nhìn quy hoạch!

Đường đắt nhất Hà Nội phải lát lại vỉa hè: Thiếu tầm nhìn quy hoạch!

Viết email In

Người dân Thủ đô đang bức xúc với trạng vỉa hè hai bên tuyến đường đường Kim Liên- Ô Chợ Dừa-Hoàng Cầu lún sụt nham nhở, gạch nứt vỡ. 

Hà Nội đang trên đường tiến tới một thủ đô hiện đại, văn minh. Việc chỉnh trang đô thị, khắc phục những bất cập trong quy hoạch xây dựng, giao thông đi lại luôn được ưu tiên triển khai. Công việc ấy đòi hỏi phải chu đáo, thận trọng, đạt hiệu quả kinh tế và mỹ quan. Vì thế, khi ông Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị kiểm tra, xem xét trách nhiệm những người liên quan vì để xảy ra những tắc trách trong việc triển khai dự án đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu thì sự việc đã nhanh chóng được dư luận quan tâm.  

Cái tên Kim Liên - Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu không chỉ khiến người ta quan tâm vì đoạn đường này nằm trên đường Vành đai 1, công trình trọng điểm giải quyết tình trạng ách tắc giao thông giữa khu vực phía Đông và Tây thành phố, cải thiện môi trường khu vực và diện mạo đô thị Hà Nội, mà còn vì đoạn đường này nổi tiếng với cái tên “đoạn đường đắt nhất hành tinh”. Bởi chỉ dài hơn 1,5 km nhưng vốn đầu tư của nó đã lên tới gần 2000 tỷ đồng, tương đương 62 triệu USD/km. So với các nước trên thế giới, đây là “con đường đắt nhất hành tinh” quả là không ngoa. 

  • Ảnh bên: Vỉa hè của tuyến Kim Liên- Ô Chợ Dừa-Hoàng Cầu vốn dĩ đã lem nhem, giờ gạch được thay mới nhiều nơi, mới - cũ xen kẽ (Ảnh: VnExpress) 

Dư luận xã hội không bàn đến chuyện đắt, rẻ của đoạn đường nữa, bởi nó đã được giải thích là do nhiều nguyên nhân, dẫn đến tiền giải tỏa đền bù cho dự án đã chiếm đến 90% tổng vốn đầu tư. Điều mà người dân quan tâm là lẽ ra với ý nghĩa quan trọng như thế, giá trị xây dựng đắt đỏ như thế thì con đường phải thực sự khang trang, sạch đẹp, góp phần tạo nên diện mạo đô thị văn minh, hiện đại cho Hà Nội. Nhưng thực tế thì ngược lại. Chỉ vài tháng sau khi thông xe đoạn đường này vào tháng 12/2013, người dân đã bức xúc phản ánh tình trạng vỉa hè hai bên đường lún sụt nham nhở, gạch nứt vỡ, bỏ vỉa nhiều chỗ quá cao so với mặt đường, gây bất tiện cho việc đi lại, sinh hoạt của người dân…

Vỉa hè thường được xem là chuyện vặt trong các dự án hạ tầng đô thị nên mới có chuyện làm dối, làm ẩu. Báo chí cũng tốn không ít giấy mực phản ánh tình trạng vỉa hè đường này, phố kia vừa thi công đã bong tróc, lún nứt, phải đào lên lấp xuống, làm đi làm lại. Điều đáng ngạc nhiên là nhiều nơi đang yên đang lành, vỉa hè gạch lát còn nguyên cũng bị lật lên thay mới. Không biết là lãng phí bao nhiêu cho ngân sách nhưng chắc chắn là không hề nhỏ. Bởi chỉ trong 3 năm trở lại đây, riêng hạng mục vỉa hè tại 4 quận Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng đã tiêu tốn gần 900 tỷ đồng.

Không thể đổ lỗ cho tất cả “do lịch sử để lại”, mà phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, do sự yếu kém, thiếu tầm nhìn trong quản lý đầu tư quy hoạch, xây dựng hạ tầng đô thị, thậm chí có thể còn là những toan tính cá nhân, lợi ích nhóm… Chính Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng thừa nhận là chưa hài lòng khi tận mắt chứng kiến có những nơi, dù vỉa hè được làm hơn 100 năm mà đá vẫn cứ nhẵn thín, không bị lún sút. Còn ta vừa làm xong đã xuống cấp. Cái này đâu phải đòi hỏi trình độ khoa học công nghệ gì ghê gớm, cũng không cần phải thợ tay nghề cao, hay chuyên gia nước ngoài mới làm được. Cái chính ở đây là ý thức.

Vì vậy, Giám đốc 4 Sở: Kế hoạch – Đầu tư, Xây dựng, Giao thông, Quy hoạch & Kiến trúc đã được Bí thư Thành ủy yêu cầu kiểm điểm làm rõ trách nhiệm trong việc phê duyệt, thiết kế, tổ chức thi công, nghiệm thu công trình… Từ đó có hình thức xử lý cụ thể với các đơn vị, cá nhân sai phạm. Đồng thời, rà soát lại các dự án chuẩn bị đầu tư, không để xảy ra các tồn tại tương tự. Không để đường to phố rộng mà người dân muốn dắt xe lên vỉa hè phải đắp bê tông, đặt cầu dẫn bằng sắt, tạo nên cảnh lộn xộn, thiếu mỹ quan đô thị, mất an toàn giao thông…

Dù là một đoạn vỉa hè hay bất kỳ dự án to lớn nào, đã là đầu tư công thì đều là bằng tiền thuế của dân. Đâu cần phải đợi đến khi người lãnh đạo cao nhất của thành phố lên tiếng thì cán bộ cấp dưới mới chịu ra tay chấn chỉnh, nếu ai cũng hiểu rằng, đã ăn lương của dân, thì phải tận tụy phục vụ cho dân. Không làm được điều đơn giản ấy, gây thất thoát, lãng phí, thậm chí là tham nhũng, sẽ gây mất niềm tin của dân vào đội ngũ cán bộ công chức. 

Muốn không còn cảnh 4 Giám đốc phải cùng xắn tay vì cái vỉa hè, thì xin đừng xem cái vỉa hè là chuyện nhỏ!./. 

Vân Thiêng (VOV) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo