Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Đối thoại Dự thảo Luật Đất đai: Cần những bước tiến mới hơn

Dự thảo Luật Đất đai: Cần những bước tiến mới hơn

Viết email In

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được bổ sung, chỉnh sửa sau khi lấy ý kiến nhân dân, và có thể được Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp thứ 5 (từ 20/5 đến 5/6/2013). Tuy nhiên, hiện nay, một số điểm quan trọng trong dự thảo hiện vẫn còn gây tranh cãi, bỏ ngỏ… 

Trao đổi với phóng viên Vietnam+ tại Hội thảo tập huấn Quản lý và sử dụng đất đai cho báo chí, do Oxfam và Liên minh Đất rừng tổ chức ngày 13/5, tại Hòa Bình, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng nên chờ Quốc hội thông qua Hiến pháp rồi mới có thể thông qua Luật Đất đai sửa đổi, bởi đó là một quy trình thuận.  

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng cần có thêm thời gian để nghiên cứu, làm rõ hơn một số điểm còn có nhiều ý kiến trái chiều, những quy định nào cần đưa vào luật để làm khung, còn những điểm nào sẽ đưa vào các nghị định để cụ thể hóa… 

Xin giáo sư cho biết những điểm còn gây tranh cãi, bỏ ngỏ trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện nay là gì? 

Giáo sư Đặng Hùng Võ (ảnh bên): - Hiện nay còn hai điểm quan trọng nhất trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn chưa tiến được những bước đáng kể. Điểm thứ nhất là cơ chế Nhà nước thu hồi đất trong mối quan hệ với cơ chế tự thỏa thuận giữa nhà đầu tư và những người đang sử dụng đất. 

Tôi cho rằng dự thảo luật đã có nhiều bước tiến bộ quan trọng ở chỗ nâng cấp cơ chế tự thỏa thuận, chuyển từ nhà đầu tư thỏa thuận với từng người sử dụng đất sang nhà đầu tư thỏa thuận với cộng đồng những người sử dụng đất và quyết định dựa trên đa số ý kiến của cộng đồng. Đây là điểm tiến bộ rất lớn, sẽ làm cho cơ chế tự thỏa thuận khắc phục được nhược điểm hiện nay khi một số ít người đòi hỏi vô lý về giá đất, có thể sẽ làm cho cơ chế này có “sức sống” mạnh hơn.

Về cơ chế Nhà nước thu hồi đất, Ban soạn thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đã đưa ra quan điểm cần quy hoạch các dự án phát triển kinh tế - xã hội về tiêu chí vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Đây là một đề xuất đúng, cần phải đưa về cùng một hệ quy chiếu quốc tế sẽ dễ xem xét hơn.

Tuy nhiên, theo tôi đó là nguyên tắc. Điều quan trọng, pháp luật cần những quy định thật chi tiết là loại dự án nào được áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất. Chúng ta cần gạt bỏ khỏi cơ chế Nhà nước về thu hồi đất các dự án, vì thuần túy mục tiêu lợi nhuận của nhà đầu tư. Nhà nước can thiệp bằng quyền lực của mình để chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân này cho cá nhân khác là vô lý, thể hiện thiếu cả dân chủ, cả công bằng và cả văn minh.

Thực tế, việc hạn chế áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất và mở rộng cơ chế đồng thuận là cách tiếp cận hợp lý. Cơ chế Nhà nước thu hồi đất dựa trên nguyên tắc lấy đất bắt buộc bằng quyết định hành chính luôn gắn với nguy cơ tham nhũng của cán bộ và khiếu kiện của dân. Trong khi đó, cơ chế đồng thuận giữa nhà đầu tư và cộng đồng những người sử dụng đất không gắn với nguy cơ tham nhũng và khiếu kiện.

Điểm quan trọng thứ hai còn tranh cãi, bỏ ngỏ trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) này là gì, thưa giáo sư?

- Cùng với điểm vướng mắc về cơ chế thu hồi đất trong mối quan hệ với cơ chế tự thỏa thuận, cơ chế quyết định giá đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi.

Tôi cho rằng điều quan trọng nhất và phải tách cho được thẩm quyền quyết định về đất đai và thẩm quyền quyết định về giá đất. Thực tế, một cơ quan nhà nước có cả 2 thẩm quyền sẽ dễ dẫn đến lạm quyền gắn với tư lợi. Về điểm này, ở hầu hết các nước khác đều được tách riêng.

Vì vậy, việc quyết định giá đất có thể giao cho hệ thống cơ quan định giá ở trung ương hoặc do một hội đồng quyết định giá, không thể trao thẩm quyền này cho Ủy ban nhân dân địa phương. Về điểm này, tôi biết rằng Ban soạn thảo thấy hợp lý, song lại ngại ngần về việc "nở" thêm tổ chức hoặc cũng còn nhiều e ngại khác nữa.

Để “gỡ vướng” những bất cập về Đất đai, vừa qua Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) và Tổ chức Oxfam đã hỗ trợ các tổ chức xã hội thực hiện tham vấn cộng đồng về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Với vai trò là chuyên gia cố vấn cho Oxfam, giáo sư có đánh giá gì về cách làm này?

- Tham vấn cộng đồng là cách làm đúng và tạo hiệu quả cao về đồng thuận xã hội trong bối cảnh khiếu kiện về đất đai đang ngày một “nóng". Vì vậy, việc lấy ý kiến của dân, giúp họ "cất" lên được tiếng nói của mình đồng thời góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì cách tốt nhất là phải có các tổ chức xã hội hỗ trợ người dân. 

Tuy nhiên, cách làm này đòi hỏi các tổ chức xã hội phải làm việc khách quan, không hướng người dân đi theo cái do chủ quan mình vạch sẵn, mà phải lắng nghe người dân thực sự, định hình cho người dân hiểu cái đó nằm ở đâu trong hệ thống pháp luật và hiểu được người dân cần gì ở hệ thống pháp luật. Cách làm này là con đường ngắn nhất, tiết kiệm nhất và chân thực nhất để trợ giúp người dân nói lên ý kiến của mình về sửa đổi Luật Đất đai.

Đến nay, các đợt tham vấn cộng đồng đã phản ánh được gì thưa giáo sư ?

- Cho đến nay, kết quả các đợt tham vấn là rất tốt, đã phản ánh đúng những ý kiến của người dân và cũng đúng được những chỗ Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần tập trung để xem xét chỉnh sửa. Tuy nhiên, các đợt tham vấn vừa qua còn triển khai khá hạn hẹp, mới chỉ được 5 trong số 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, những địa bàn lấy ý kiến cũng chưa thể hiện được hết những nét khuất của chuyện thu hồi đất, chưa chạm đến những điểm nóng nhất của người dân về việc bị thu hồi đất...

Tuy vậy, tôi cho rằng kết quả tham vấn đã phản ánh khá trung thực những tư duy của người dân về đất đai, nguyện vọng mà người dân đang muốn nói, nhưng chưa thể hiện hết được tính điển hình của những câu chuyện khốc liệt về đất đai.

Theo chương trình Kỳ họp thứ 5 khai mạc vào ngày 20/5 tới đây, Quốc hội đã lên lịch cho việc biểu quyết thông qua luật này. Tuy vậy, đến nay vẫn còn không ít ý kiến đề nghị lùi thời điểm thông qua vào kỳ họp cuối năm 2013. Ý kiến của giáo sư về vấn đề này như thế nào?

- Vấn đề đất đai hiện đang là vấn đề rất “nóng,” nhưng cũng có quá nhiều tranh cãi chưa được làm rõ. Vì vậy, tôi cho rằng nên lùi thời điểm thông qua Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vào kỳ họp thứ 6 (cuối năm 2013) của Quốc hội, như vậy sẽ hợp lý hơn.

Thứ hai, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng cần có thêm thời gian để nghiên cứu làm rõ hơn một số điểm còn có nhiều ý kiến trái chiều, những quy định nào cần đưa vào luật để làm khung, còn những điểm nào sẽ đưa vào các nghị định để cụ thể hóa, việc cụ thể hóa không thể ra ngoài khung. 

Hùng Võ (Vietnam+) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 3397 khách Trực tuyến

Quảng cáo