"Thủ Thiêm sẽ trở thành một khu đô thị đẹp nhất Đông Nam Á”

Thứ ba, 09 Tháng 4 2013 20:14 SGTT
In

“Nếu được đầu tư bài bản, đúng lộ trình thì chỉ mười năm nữa thôi, khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM) sẽ trở thành một khu đô thị đẹp nhất Đông Nam Á” – ông Nguyễn Lê Dũng, phó ban quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm khẳng định như vậy với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị

Nhằm giới thiệu tiềm năng phát triển và các cơ hội đầu tư vào Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong tháng 4/2013 này, thành phố sẽ tổ chức hội nghị “Xúc tiến đầu tư vào khu đô thị mới Thủ Thiêm”. Trước thềm hội nghị, phóng viên đã có trao đổi ngắn với ông Nguyễn Lê Dũng.  

Theo khảo sát của công ty tư vấn Edaw (đơn vị đang tư vấn cho TP.HCM xây dựng kế hoạch đầu tư và kế hoạch tài chính phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm), điều các nhà đầu tư quan tâm nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng và hạ tầng giao thông vì nó ảnh hưởng lớn đến sự thành công của các dự án. Về mặt này thành phố đã chuẩn bị tới đâu, thưa ông? 

Ông Nguyễn Lê Dũng: - Về căn bản, chúng tôi đã hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, thành phố cũng đã phê duyệt quy hoạch 1/2.000. Trong tháng 6/2013, ban quản lý sẽ đồng loạt khởi công bốn tuyến đường chính, đó là đại lộ vòng cung, đường ven hồ trung tâm, đường ven sông Sài Gòn và đường trên cao. Bốn tuyến đường này là trục chính của hạ tầng kỹ thuật, qua đó sẽ tạo điều kiện kết nối cho các tuyến đường khác. Hiện bốn tuyến đường này thành phố đã giao cho tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 10.000 tỉ đồng. 

Tại Thủ Thiêm hiện có bao nhiêu dự án đã thuận chủ trương hoặc được giao đất và tình hình thực hiện ra sao? 

- Hiện Thủ Thiêm có khoảng gần 20 dự án khác đã và đang triển khai thực hiện. Ví như khu dân cư thấp tầng do công ty Đại Quang Minh đầu tư đang gấp rút hoàn thiện hạ tầng. Cụm dự án 6.200 căn hộ tái định cư đã xây dựng đến tầng thứ 15, cuối năm nay sẽ bàn giao nhà cho thành phố. Ngoài ra, một số dự án trọng điểm tại đây cũng đã chọn được nhà đầu tư như dự án tháp đa chức năng với diện tích 8,7ha, trong đó có tháp quan sát với chiều cao tối đa lên đến 86 tầng. Liên doanh Kiến Phước và Capital Land đang làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án này. 

Tại khu lõi trung tâm – trung tâm chính của Thủ Thiêm sẽ là khu vực tập trung các dự án trọng điểm của thành phố như trung tâm Hội nghị quốc tế, quảng trường trung tâm và đặc biệt là trung tâm Tài chính quốc tế và giao dịch thương mại. Trong đó, đối với dự án trung tâm Tài chính quốc tế và giao dịch thương mại, thành phố đã thuận chủ trương giao cho VietinBank làm nhà đầu tư, hiện đang hoàn thành ý tưởng và giải pháp để trình UBND thành phố.

Thưa ông, để tạo ấn tượng và kích thích đầu tư vào Thủ Thiêm, thành phố có chọn ra một số dự án trọng điểm để kêu gọi hay không?

Để tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, thành phố đã thành lập nhiều tổ, đoàn công tác để giải quyết từng vấn đề cụ thể, giúp giảm bớt thủ tục rườm rà, đồng thời kiến nghị và được Chính phủ chấp nhận cho thành phố được quyền tự quyết trong việc chỉ định nhà đầu tư. 

- Về cơ bản, thành phố đã có sẵn khoảng 12 dự án chính để kêu gọi đầu tư. Trong đó, dự án đáng chú ý nhất là dự án khu công viên phần mềm Thủ Thiêm, thuộc khu chức năng số 6 ở phía Bắc đại lộ Mai Chí Thọ. Trước đây, dự án này được giao cho nhà đầu tư khác nhưng đã bị thu hồi. Đây là dự án được thiết kế là trung tâm công nghệ thông tin, trung tâm cung ứng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin, là đầu mối các hoạt động kinh tế và nghiên cứu, là môi trường làm việc lý tưởng cho nghành công nghệ phần mềm… dự án này có diện tích trên 15ha, với hình thức đầu tư là 100% vốn của nhà đầu tư. 

Hay dự án khu phức hợp Bến du thuyền thuộc khu chức năng số 7, toạ lạc tại góc cùng phía Đông Nam Thủ Thiêm. Khu phức hợp này sẽ tổ chức các hoạt động kinh doanh thủ công mỹ nghệ với đủ mọi hình thức, thể loại, là điểm đến trung tâm của cộng đồng dân cư có du thuyền. Hoặc dự án thành phần khu trung tâm thương mại tài chính ngân hàng quốc tế. Nơi đây được quy hoạch là một khu hoạt động tài chính sôi động, thịnh vượng, sầm uất, tập trung đông đảo các tổ chức tài chính quốc tế, là nơi cung cấp dịch vụ ngân hàng, tài chính chuyên nghiệp…tổng diện tích khu này khoảng 93ha.

Thực tế ở Thủ Thiêm đã có những nhà đầu tư không có năng lực thực sự, dẫn đến dự án không thể triển khai hoặc thu hồi. Vậy tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư lần này có gì khác không, thưa ông?

- Dù đang kêu gọi đầu tư vào Thủ Thiêm nhưng thà nh phố và ban quản lý cũng vẫn phải lựa chọn kỹ càng nhà đầu tư, họ phải đáp ứng được hai điều kiện bắt buộc là chứng minh được năng lực tài chính và năng lực chuyên môn, phải có ít nhất 20% vốn cho một dự án.

Từ nhiều năm trước, các nhà đầu tư đã đề xuất cần “một cửa” để thu hút nhà đầu tư và làm cho cơ chế phê duyệt dễ dàng hơn. Nguyện vọng ấy đã được thành phố quan tâm tới đâu, thưa ông? 

- Để chuẩn bị cho công tác kêu gọi đầu tư, thành phố đã giao cho các sở, ngành liên quan chuẩn bị một số chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư và sẽ sớm ban hành. Để tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, thành phố cũng đã thành lập nhiều tổ, đoàn công tác để giải quyết từng vấn đề cụ thể. Chẳng hạn, tổ công tác chuyên giải quyết thủ tục hành chính sẽ giúp doanh nghiệp giảm tải bớt những thủ tục rườm ra, rút ngắn thời gian. Thành phố cũng đã kiến nghị Chính phủ và được Chính phủ chấp nhận cho thành phố được quyền tự quyết trong việc chỉ định nhà đầu tư với tiêu chí sàng lọc kỹ càng và thận trọng.

Vũ Nguyên (Sài Gòn Tiếp Thị / thực hiện) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: