TPHCM: Nhiều giải pháp giảm ô nhiễm môi trường

Thứ hai, 05 Tháng 3 2012 17:27 SGGP
In

UBND TPHCM vừa tổ chức họp đánh giá kết quả thực hiện chương trình giảm thiểu ô nhiễm trong năm 2011. Theo đó, bên cạnh những mặt đạt được, điều đáng lo ngại nhất và cũng rất khó để xử lý triệt để chính là tình trạng gây ô nhiễm của các cụm công nghiệp. Bởi lẽ hầu hết các cụm công nghiệp này đều không đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Hơn nữa, tình trạng doanh nghiệp tái vi phạm môi trường còn diễn ra khá phổ biến. Vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề này? Chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM. 

Chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường đã được triển khai hơn 1 năm, nhưng nhiều ý kiến cho rằng kết quả chưa khả quan. Ông có nhận xét gì về ý kiến này?

Ông Nguyễn Văn Phước (ảnh bên): - Cải thiện chất lượng môi trường vốn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay không thể thực hiện được chỉ trong ngày một ngày hai. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là sở không làm gì để cải thiện tình trạng trên. Cụ thể, đối với công tác tập trung tuyên truyền, vận động cộng đồng nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, sở phối hợp với các quận huyện xây dựng 26 khu phố không rác và đang nhân rộng trên toàn địa bàn TP. Ngoài ra, sở phối hợp với Hội Phụ nữ TP thành lập và đưa vào hoạt động 322 câu lạc bộ phụ nữ bảo vệ môi trường; phối hợp với Liên đoàn Lao động TP xây dựng phong trào nhà trọ xanh, sạch, đẹp.

Sở đã triển khai xây dựng các công trình xử lý chất thải, nước thải như đưa vào vận hành nhà máy xử lý chất thải nguy hại với công suất 21 tấn/ngày đêm ở công trường xử lý chất thải Đông Thạnh (Hóc Môn); đảm bảo 15 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao vận hành và xử lý 100% nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi thải ra ngoài; cơ bản đảm bảo 100% chất thải rắn đô thị được thu gom và xử lý hợp vệ sinh… Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả đạt được thì vẫn còn tồn tại nhiều bất cập khiến cho hiệu quả cải thiện chất lượng môi trường còn hạn chế.

Ông có thể cụ thể hơn những bất cập đó là gì?

- Đáng lo ngại nhất là hiện TP có 30 cụm công nghiệp, nhưng nhiều cụm trong số này chưa có hệ thống xử lý chất thải, không có đầu mối quản lý cụ thể. Nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vẫn đang nằm lẫn trong khu dân cư, chưa chịu di dời vào khu tập trung.

Tại hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp cũng chưa được lắp đặt trạm quan trắc chất lượng nước tự động nên việc kiểm soát chưa chặt chẽ. Mạng lưới quan trắc chất lượng không khí và nước mặt của TP đã xuống cấp nghiêm trọng từ lâu nhưng chưa được tu sửa. TP chưa có trung tâm quan trắc và phân tích môi trường có quy mô hiện đại, ngang tầm TP. Do đó, việc lấy mẫu, phân tích kiểm tra xác định hành vi vi phạm môi trường các đối tượng vi phạm đều phải thuê mướn các trung tâm dịch vụ. Kết quả là độ chính xác, tin cậy không cao, thường xảy ra tranh chấp giữa đơn vị vi phạm với cơ quan chức năng. Không chỉ vậy, việc xử lý cưỡng chế đối tượng vi phạm môi trường thuộc thẩm quyền của UBND TP nên thường không kịp thời… 

Nhưng các doanh nghiệp cho rằng bất cập lớn nhất là cơ sở hạ tầng xử lý chất thải thiếu, yếu nên họ đang phải trả phí môi trường rất cao. Còn người dân cho rằng công nghệ xử lý chất thải rắn đô thị lạc hậu, gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường sống?

- Không phải bây giờ chúng tôi mới nhận được ý kiến này. Từ năm 2008, sở đã có chủ trương, thậm chí xây dựng và công bố tiêu chí kêu gọi nhà đầu tư tham gia hoạt động xử lý chất thải, nhất là chất thải nguy hại, công nghiệp và bùn thải đô thị. Thế nhưng, phải thừa nhận rằng quỹ đất của TP hạn hẹp nên việc bố trí cho các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này còn chậm. Tuy nhiên, tình trạng trên sẽ được cải thiện trong năm nay.

Riêng về công nghệ xử lý chất thải rắn đô thị, hiện trung bình TP tiếp nhận khoảng 6.500 tấn/ngày. Trong đó, 15% xử lý tái chế làm phân compost. 85% xử lý chôn lấp hợp vệ sinh. Nếu so với mục tiêu Chính phủ đặt ra từ nay đến năm 2015, 10% lượng rác thải đô thị phải được tái chế thì TP đã đạt mục tiêu sớm. Tuy nhiên, nói như vậy không phải chúng tôi tự bằng lòng với kết quả đạt được. Hiện sở xây dựng kế hoạch hiện đại hóa ngành xử lý rác thải. 

Lợi dụng kẻ hở trong xử lý của Luật Bảo vệ môi trường, tỷ lệ doanh nghiệp tái vi phạm môi trường vẫn ở mức cao. Đây là nguyên nhân chính khiến hoạt động cải thiện môi trường kém hiệu quả. Vậy sở có biện pháp gì nhằm khắc phục tình trạng này?

- Như tôi đã trình bày ở trên, nhiệm vụ này nằm trong kế hoạch nâng cao năng lực quản lý nhà nước về môi trường. Năm 2011, sở đã hoàn thành giai đoạn 1 chương trình điều tra, thống kê xây dựng cơ sở dữ liệu 450 chủ nguồn thải có lưu lượng xả nước thải từ 50m3/ngày đêm. Đây là cơ sở quan trọng để cơ quan chức năng tập trung kiểm soát, ngăn ngừa và đặc biệt xây dựng biện pháp xử lý thích đáng các nguồn thải này khi vi phạm. Trên thực tế, sở đã chủ trì phối hợp với các quận huyện tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát và thậm chí cưỡng chế tạm ngưng hoạt động cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng. Và các cơ sở này chỉ được hoạt động lại khi đã khắc phục xong hành vi vi phạm của mình.

Để nâng cao hiệu quả giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sở đã đề nghị UBND TP chấp thuận chủ trương xây dựng hệ thống quan trắc tự động khu chế xuất, khu công nghiệp; xây dựng trung tâm quan trắc, phân tích môi trường; nâng cấp mạng lưới quan trắc chất lượng không khí và nước mặt; triển khai 1 dự án đốt phát điện, 1 dự án tái chế bùn thải và 1 dự án tái chế chất thải rắn xây dựng. Tôi tin với cách triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trên thì môi trường TPHCM sẽ được cải thiện đáng kể trong thời gian tới.

Ái Vân (thực hiện) 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: