Luật sư Trần Hữu Huỳnh: "Cần sớm sửa Luật đất đai"

Thứ ba, 17 Tháng 1 2012 06:48 Tuổi Trẻ
In

Nhiều năm nghiên cứu hệ thống pháp luật về đất đai và những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, luật sư Trần Hữu Huỳnh (trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam) nhận định: “Vụ việc cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) là trường hợp điển hình cho thấy đã đến lúc cần có cách tiếp cận mới về đất đai”.

Ông Huỳnh (ảnh bên) cho rằng: Chúng ta không nên nhìn vụ việc của gia đình ông Đoàn Văn Vươn một cách đơn lẻ, mà cần đặt trong bối cảnh đa số các vụ việc khiếu kiện hiện nay liên quan đến đất đai.

Đôi khi từ khiếu kiện kéo dài đến những hành vi bột phát, thậm chí bạo lực là con đường rất ngắn. Tôi được biết ông Đoàn Văn Vươn đã có quá trình theo kiện quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng trước khi xảy ra vụ cưỡng chế. Vấn đề đặt ra là vì sao khi chạm đến đất đai thì câu chuyện lại trở nên bất ổn như vậy?

Theo tôi, hệ thống pháp luật về đất đai của chúng ta hiện nay có một số đặc điểm như sau: thứ nhất là đồ sộ về khối lượng văn bản, trong đó có hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành luật; thứ hai là hay thay đổi, khiến người dân và chính quyền địa phương nhiều lúc không theo kịp; thứ ba là điều chỉnh rất nhiều đối tượng và chạm vào vấn đề nhạy cảm nhất đối với người dân.

Ông cho rằng cần có cách tiếp cận mới về đất đai, một vấn đề thời sự hiện nay là thời hạn giao đất 20 năm (theo Luật đất đai 1993) sẽ đến hạn vào năm 2013. Đã có ý kiến chính thức của Hội Nông dân VN đề nghị nên sửa luật để nâng thời hạn giao đất lên 50-70 năm. Ông nghĩ sao?

Nhiều cái nhất liên quan đến đất đai

Nếu hệ thống pháp luật không được hoàn thiện, cách hành xử của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương chỗ này, chỗ khác không đúng pháp luật và không đặt vào vị trí người dân để thấu hiểu sinh kế bằng mồ hôi và máu của họ thì rất dễ dẫn đến rủi ro. Mặc dù đã có những thành công nhất định, nhưng hệ thống pháp luật về đất đai của chúng ta đang ngày càng bộc lộ nhiều bất cập.

Trong một hội thảo gần đây của Phòng Thương mại và công nghiệp VN, các chuyên gia chỉ ra tới 21 cái nhất mang tính tiêu cực liên quan đến đất đai, ví dụ như: lãng phí nhất; tham nhũng, tiêu cực nhiều nhất; giao dịch dân sự thiếu tính bền vững nhất...

Luật sư Trần Hữu Huỳnh
- Chúng ta cần nhìn vào xu hướng phát triển, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu dân số ngày càng mạnh mẽ hơn chứ không như trước đây. Rõ ràng những bạn trẻ sinh ra ở nông thôn đang ngày càng ly nông nhiều hơn. Đó là quy luật.

Mặt khác, việc giao đất lâu dài hơn (50-70 năm thay vì 20 năm) cũng chứa đựng những vấn đề về lâu dài. Nghĩa là chúng ta đặt vào tương lai một sự biến động chưa tiên liệu được, một lúc nào đó lại phải loay hoay tính toán thu hồi đất, đo lại đất, cấp lại đất và người nông dân được giao đất không thật sự yên tâm để đầu tư một cách lâu dài.

Tôi nghĩ rằng cách tiếp cận theo hướng giao đất từ 50-70 năm có thể là giải pháp trước mắt, nhưng chưa thật sự căn cơ, vẫn gây ra lãng phí đất đai. Nếu quy định pháp luật và quá trình thực thi không chặt chẽ có thể dẫn đến nơi này, nơi khác có sự trục lợi. Nên tiếp cận vấn đề theo hướng khác.

Một trong những gốc rễ của câu chuyện giao đất có thời hạn là ở chế độ sở hữu đất đai. Nếu bàn luận để giải quyết từ gốc rễ thì sẽ bền vững hơn.

Thưa ông, hiện nay các nhà làm chính sách và giới nghiên cứu tiếp cận vấn đề sở hữu đất đai như thế nào?

- Thật ra trong lịch sử chúng ta từng có chế độ đa sở hữu về đất đai. Theo quy định Hiến pháp và pháp luật hiện nay thì đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Đây là điểm ta khác với nhiều nước trên thế giới.

Lâu nay có nhiều cách tiếp cận, có thể chia thành ba nhóm ý kiến. Thứ nhất, giữ nguyên như quy định hiện hành. Thứ hai, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhưng mở rộng hơn nữa các quyền của Nhà nước trao cho người sử dụng đất sao cho tiệm cận với quyền sở hữu, quy định để các quyền đó được thực thi một cách hiệu quả nhất. Nhóm ý kiến này lập luận theo hướng “bình cũ, rượu mới”. Thứ ba, có những ý kiến mong muốn đi xa hơn, công nhận đa sở hữu về đất đai. Trong đó có sở hữu nhà nước đối với đất công, sở hữu tư nhân đối với một số loại đất và sở hữu tập thể (hay còn gọi là sở hữu chung).

Ông có thể nói rõ hơn thế nào là đa sở hữu về đất đai?

- Đa sở hữu về đất đai nghĩa là cùng lúc tồn tại nhiều hình thức sở hữu, trong đó hai hình thức quan trọng là sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân. Ở đây, nhiều ý kiến đề nghị cho sở hữu tư nhân đối với đất ở và đất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng nên có hình thức sở hữu tập thể, không phải sở hữu theo mô hình hợp tác xã cũ mà là sở hữu chung của một cộng đồng dân cư đối với diện tích đất nào đó phục vụ các sinh hoạt chung của họ. Ví dụ như đất đai xây dựng đình làng, nhà văn hóa ở khu dân cư... Ngoài đất đai thuộc sở hữu tư nhân và sở hữu chung, còn lại là đất công thuộc sở hữu nhà nước, cụ thể như các công sở, đất quốc phòng, an ninh...

Cá nhân ông ủng hộ đề xuất nào?

- Trong những năm đầu đổi mới, cơ chế khoán là một động lực hết sức quan trọng. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần thêm động lực cho quá trình đổi mới tiếp theo. Trong lĩnh vực đất đai, chúng ta đã nhìn thấy có rất nhiều bất cập, không thể tiếp tục duy trì mãi cơ chế cũ đang cản trở năng lực cạnh tranh của đất nước.

Nhiều chuyên gia am hiểu sâu về vấn đề này đã nhận định việc công nhận đa sở hữu đất đai sẽ tạo được động lực cho đầu tư, giảm tham nhũng trong quản lý đất đai, tăng hiệu quả sử dụng đất và tạo điều kiện tốt cho hội nhập kinh tế quốc tế. Tất nhiên để đi đến đa sở hữu đất đai cần có lộ trình phù hợp, bởi vì ở đây còn yếu tố lịch sử không thể giải quyết được ngay một lúc.

Về mặt lý luận, cương lĩnh của Đảng (năm 1991) diễn đạt đặc trưng kinh tế của xã hội XHCN là “có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu”.

Tại Đại hội XI, đa số đại biểu đã biểu quyết đồng ý cách diễn đạt mới “có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại với quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”. Tôi nghĩ rằng cách diễn đạt mới đó có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc mở đường cho những thảo luận cần thiết hiện nay về chế độ sở hữu đất đai.

Nhưng vẫn còn ý kiến cho rằng phải giao đất có thời hạn để còn có thể chia lại đất đai để bảo đảm “người cày có ruộng”?

Ông Vũ Mão (nguyên thành viên Ủy ban sửa đổi Hiến pháp 1992): Nên trưng cầu ý dân

Quốc hội khóa VIII (1987-1992) từng thảo luận rất sôi nổi về một số quy định liên quan đến vấn đề đất đai trong dự thảo Hiến pháp 1992. Lúc bấy giờ đã có những ý kiến trong Quốc hội ủng hộ thừa nhận về đất đai có sở hữu toàn dân và hình thức sở hữu khác, nghĩa là “đa sở hữu đất đai”.

Trong không khí những năm đầu đổi mới, nhiều người rất hào hứng, đề cập việc đổi mới tư duy về đất đai, có sở hữu toàn dân và có hình thức sở hữu khác, tùy trường hợp cụ thể để quản lý theo pháp luật. Tất nhiên, cũng có những ý kiến đề nghị dứt khoát đất đai thuộc sở hữu toàn dân.

Lần này chúng ta đang sửa đổi Hiến pháp, đây là dịp để nghiên cứu và thảo luận kỹ càng về vấn đề đất đai. Bây giờ cần phải thảo luận dân chủ, những vấn đề lớn cần phải trưng cầu ý dân, làm rõ và cung cấp đầy đủ thông tin cho nhân dân về thực tiễn hiện nay, chế độ sở hữu đất đai ở các nước như thế nào. 
- Nông dân có ruộng là điều cần thiết, nhưng là bao nhiêu nông dân. Nhiều nước chỉ có khoảng 10% dân số làm nông nghiệp nhưng sản phẩm cũng như sản lượng nông nghiệp của họ vẫn nằm trong nhóm hàng đầu thế giới.

Có nhiều yếu tố để đảm bảo an ninh lương thực và một trong những yếu tố quan trọng nhất vẫn là áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nếu giao đất có thời hạn, người dân vẫn lấn cấn đây không phải đất của mình, họ sẽ không tập trung hoàn toàn để đầu tư sản xuất, đặc biệt là trong giai đoạn cuối của thời hạn giao đất.

Thêm nữa, khi giao đất có thời hạn nghĩa là quyền của người sử dụng đất phần nào bị hạn chế, các giao dịch dân sự liên quan không vận hành tốt, khó phát huy mặt tích cực của thị trường, nghĩa là khó sản xuất lớn, khó đạt năng suất cao hơn.

Quá trình tích tụ đất đai để sản xuất lớn không chỉ một vài chục năm mà có thể phải qua nhiều thế hệ, do vậy việc giao đất dù với thời hạn 50-70 năm cũng sẽ hạn chế quá trình đó.

Hiện nay, việc bảo vệ quyền lợi cho người nông dân nên nhìn rộng ra trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, mà cạnh tranh về nông sản đang rất quyết liệt.

Chúng ta cần một nền nông nghiệp có sức cạnh tranh cao hơn, chiếm lĩnh thị trường thế giới nhiều hơn, đó là cách duy nhất để đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho những người đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp, đồng thời có nguồn lực dồi dào hơn từ xuất khẩu để giải quyết các vấn đề của đất nước, ví dụ như vấn đề biến đổi khí hậu, vấn đề an sinh xã hội...

Chúng ta biết rằng Hà Lan là một quốc gia nhỏ bé, phần lớn diện tích đất nằm dưới mực nước biển, nhưng họ xuất khẩu nông sản cho toàn thế giới, được mệnh danh là “vườn hoa, vườn rau” của châu Âu, đó là nhờ áp dụng các phương pháp quản lý và sản xuất theo công nghệ hiện đại. Liệu chúng ta có thể đi lên sản xuất lớn, cơ giới hóa, áp dụng công nghệ hiện đại trên hàng triệu mảnh ruộng manh mún hay không? Câu trả lời là rất khó.

Như vậy theo ông, nên bỏ quy định về hạn điền?

- Chính sách dù có mục tiêu rất tốt nhưng dẫn đến mất khả năng cạnh tranh thì có nên duy trì hay không? Tôi nghĩ rằng một nền kinh tế có khả năng cạnh tranh, có tích lũy sao cho dân giàu, nước mạnh là mục tiêu cao nhất. Tuyệt đối không nên chấp nhận sự bình quân trong nghèo đói hoặc chậm phát triển.

V.V.Thành - L.Hoài (thực hiện) 

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: