Bộ trưởng Xây dựng: 2012, bất động sản tiếp tục khó khăn

Thứ hai, 19 Tháng 12 2011 10:00 VEF
In

Thị trường khó khăn, doanh nghiệp (DN) phá sản là chuyện bình thường. Năm 2012 bất động sản sẽ tiếp tục khó khăn, ít nhất trong 6 tháng đầu năm, nhận định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về thực tế và triển vọng thị trường bất động sản (BĐS).

Hội nghị doanh nghiệp Ngành Xây dựng lần đầu tiên được Bộ Xây dựng tổ chức, đã diễn ra chiều 17/12 tại Hà Nội, thu hút rất đông sự tham gia của doanh nghiệp. Trong vòng một tiếng rưỡi đồng hồ, đã có gần 90 câu hỏi của các báo và doanh nghiệp gửi lên, được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trả lời.

Nhà thu nhập thấp: vừa làm vừa rút kinh nghiệm

Có ý kiến cho rằng quản lý xây dựng yếu gây thất thoát lớn, bộc lộ bằng chương trình nhà ở xã hội đang đối mặt với nhiều khó khăn, mới hoàn thành được 1% kế hoạch, doanh nghiệp khát vốn, hàng ra thị trường không bán được trong khi nhu cầu nhà ở vẫn rất cao?

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng (ảnh bên): - Hiện nay nhà ở xã hội giai đoạn vừa rồi chúng ta làm nhưng là làm rút kinh nghiệm, còn lần này chúng ta ra một Chiến lược Phát triển nhà ở và thị trường BĐS - đó là quyết tâm hành động. Nó rõ ràng mạch lạc từ kinh nghiệm, mô hình thực tiễn để chúng ta lựa chọn chiến lược, mục tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp.

Việc đánh giá thế nào là quyền của mỗi người. Còn chúng tôi khẳng định phát triển nhà ở trong giai đoạn vừa qua được nhiều hơn nhưng tồn tại cũng không ít. Phát triển là phải như vậy, được nhiều nghĩa là tạo ra tài sản cố định rất lớn cho xã hội, tạo sự tăng trưởng kinh tế, giải quyết nhiều việc làm, nhiều lao động và bộ mặt đô thị ngày càng phát triển phù hợp với hội nhập quốc tế, khu vực. Song cái tồn tại như đã nói chúng ta phải khắc phục, đó là những mâu thuẫn, là động lực cho sự phát triển. Nếu chúng ta cái gì cũng tròn cả rồi thì không phát triển được.

Bộ trưởng nói sao khi các doanh nghiệp lớn cũng tỏ ra thờ ơ với chính sách nhà ở xã hội?

- Doanh nghiệp có trách nhiệm chính là phải sản xuất kinh doanh hiệu quả, đúng pháp luật. Còn doanh nghiệp tham gia chính sách nhà ở xã hội một mặt là tự nguyện thì rất hoan nghênh nhưng mặt khác Nhà nước cũng phải có chính sách ràng buộc. Chẳng hạn nếu anh làm khu nhà ở thương mại thì bắt buộc phải dành một phần nhỏ làm nhà ở xã hội.

Cái này vừa là trách nhiệm của doanh nghiệp, vừa là của người quản lý. Doanh nghiệp quyết liệt, tâm huyết nhưng thiếu hạ tầng, thiếu cái này cái khác thì đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý chứ không phải của doanh nghiệp.

Cùng một cơ chế ưu đãi như nhau nhưng tại sao giá nhà thu nhập thấp ở miền Trung lại chỉ bằng ½ Hà Nội? Ở đây người dân hiểu là Nhà nước đã hỗ trợ các doanh nghiệp về đất, thuế?

- Ngay tôi cũng thắc mắc nhưng có thể nói nhà ở Đà Nẵng và một số nơi là đã có hạ tầng rồi, thậm chí xung quanh có đường hết tôi đã vào xem, nhưng ở Hà Nội thì doanh nghiệp phải làm nhiều thứ. Chi phí ở Hà Nội cao hơn từ đền bù đến mặt bằng thị trường nhà ở, cho nên doanh nghiệp dễ đưa ra giá cao hơn. Cái này cần có sự can thiệp của Nhà nước để có giá hợp lý.

Doanh nghiệp thì luôn muốn đẩy giá nhà lên cao - đến mức người dân chấp nhận được nhưng Nhà nước và người dân muốn kéo giá xuống, cho nên rất cần trọng tài của Nhà nước trong vấn đề này, thể hiện bằng sự hỗ trợ, can thiệp thêm về giá.

Chính sách Nhà ở thu nhập thấp tổng kết lại sau 2 năm sẽ được điều chỉnh theo hướng nào?

- Chiến lược Phát triển nhà ở và thị trường BĐS mà Chính phủ phê duyệt đã ra một cái khung trong đó Nhà nước xã hội và người dân đều có trách nhiệm chứ không riêng doanh nghiệp. Nhà nước sẵn sàng góp quỹ nhà của Nhà nước và hỗ trợ giúp doanh nghiệp có giá bán, cho thuê hợp lý. Bên cạnh đó Nhà nước có thể hỗ trợ thêm cho người thuê, người nghèo để có thể thuê nhà. Chính sách sẽ cụ thể tới từng đối tượng - 8 nhóm và sẽ được xây dựng trong năm 2012.

Trong Chiến lược Phát triển nhà ở của Chính phủ đã đề ra giải pháp hỗ trợ nhà ở cho đối tượng chính sách gặp khó khăn. Các bước thực hiện sẽ ra sao?

- Trước hết để hỗ trợ cho người khó khăn nhà ở, chúng ta phải hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến nhà ở. Thứ hai là phải làm tốt công tác quy hoạch. Trước đây quy hoạch chúng ta không nói loại nhà ở gì. Nhưng lần này trong Nghị định phát triển đô thị mà Bộ sắp trình Chính phủ, sẽ đề cập, trong quy hoạch, đặc biệt quy hoạch phân khu và chi tiết phải rõ khu vực nhà ở xã hội, mà chỗ đó không thể sử dụng vào các mục đích khác.

Nếu là đất nhà ở xã hội thì đất đó phải được ưu tiên. Nhà nước sẽ hỗ trợ chi trả tiền giải phóng mặt bằng hoặc miễn thu tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp. Trong quá trình xây dựng nhà ở xã hội thì huy động các nguồn lực đầu tư, trong đó Nhà nước có thể đầu tư bằng cách mua lại nhà của các doanh nghiệp làm, bằng bỏ vốn đầu tư ngân sách trực tiếp hoặc hình thức BT - đổi đất lấy công trình. Nhà nước sẽ quản lý quỹ nhà đó, bán giá rẻ cho các đối tượng ưu tiên trong chính sách hoặc cho thuê, vì nhu cầu thuê nhà ở rất lớn.

Thị trường 2012: còn khó khăn

Bộ trưởng đánh giá như thế nào về động thái doanh nghiệp điều chỉnh giảm giá chung cư tại TP.HCM và Hà Nội vừa qua?

- Giảm giá là tốt, làm lợi cho người tiêu dùng. Bây giờ cung tăng, cầu giảm thì phải giảm giá để cân bằng. Làm thế nào để 2 bên - người sản xuất, tiêu dùng cùng có lợi thì đó là điều cơ quan quản lý mong muốn. Tuy nhiên ở đây cũng cần có sự can thiệp của Nhà nước để xác định giá gốc, chống độc quyền. Cái này Nhà nước cần phải tiếp tục xây dựng chính sách.

Năm 2011 nhiều doanh nghiệp xây dựng rơi vào tình trạng chết giả, không hoạt động. Chúng ta cần làm gì để tránh tình trạng này?

- Quy luật phát triển là có anh đi lên, cũng có anh đi xuống. Doanh nghiệp mỗi năm có hàng vạn đơn vị phá sản và xin đăng ký phá sản. Việc phá sản là chuyện bình thường nhưng phá sản nhiều hay ít thì là vấn đề nghiên cứu. Trong thời gian này đúng là rất khó khăn, nếu chúng ta không có những giải pháp hữu hiệu và thực tế thì có thể sẽ có nhiều hơn doanh nghiệp phá sản. Cái này là không mong muốn. Không chỉ Bộ Xây dựng mà Chính phủ cũng rất quan tâm.

Thị trường BĐS còn tồn tại nhiều yếu kém, phát triển không lành mạnh, thiếu ổn định và diễn biến phức tạp bị cho là do khả năng định hướng, định giá yếu kém. Ông giải thích thế nào?

- Thị trường BĐS hiện nay đóng băng thì có 2 mặt của nó. Mặt tích cực nói đúng sự thật như thế. Mặt không tích cực là nó làm cho nền kinh tế khó khăn thêm, dẫn đến phát sinh các vấn đề xã hội. Nhưng nguyên nhân tồn tại yếu kém đã được nói rất rõ trong chỉ thị ngày 6/12 của Thủ tướng về một số giải pháp quản lý thị trường BĐS. Trong đó có những nguyên nhân về thể chế, quản lý Nhà nước, từ chủ đầu tư.

Hiện nay đang thấy như vậy và chúng ta cho rằng phải can thiệp nhưng mà thưa rằng, kinh tế BĐS, trong đó thị trường BĐS thì không thể tách rời kinh tế vĩ mô. Sự khó khăn hiện nay có liên quan, bị ảnh hưởng từ khó khăn của kinh tế thế giới và các vấn đề nội tại của trong nước. Thiệt hại này các doanh nghiệp chịu thiệt nhiều, thời gian này cũng phải cố gắng gồng mình vượt qua khó khăn.

Diễn biến của thị trường BĐS năm 2012 sẽ như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Mặc dù năm 2011, Chính phủ đã đưa ra những mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội song khó khăn còn chưa hết. Vì vậy kinh tế năm 2012, Chính phủ cũng không đặt mục tiêu tăng trưởng cao - kiềm chế lạm phát nhưng tăng trưởng hợp lý và điều này sẽ tác động ngay đến thị trường BĐS năm 2012. Hiện nay chúng ta đang khó khăn thì năm 2012 vẫn tiếp tục khó khăn, ít nhất là trong 6 tháng đầu năm.

Bao giờ chúng ta có quỹ tiết kiệm nhà ở?

- Chúng tôi đang cố gắng để làm, có thể 2012 sẽ có để trình Chính phủ, cố gắng sớm nhất trong nửa đầu năm. Hiện nay đang cùng các bộ, ngân hàng và dựa trên kinh nghiệm của các nước như xây dựng quỹ từ các nguồn đóng góp như mua ô tô, bán nhà, xổ số kiến thiết... Chúng ta phải rất quyết liệt và trách nhiệm thì mới làm được.

Phân khúc nhà giá rẻ rất tiềm năng trên thị trường BĐS. Bộ trưởng có cho rằng phân khúc này sẽ là điểm sáng của năm 2012?

- Đúng vậy, tôi cho rằng đây là mảng thị trường tiềm năng trong năm 2012 nhưng mức giá phải phù hợp với khả năng kinh tế và khả năng thanh toán của người dân hơn nữa.

Vấn đề thiếu vốn sẽ ảnh hưởng như thế nào tới tình hình thị trường tới đây?

- Trong điều kiện hiện nay, chúng ta phải tập trung vào cái nào có nhu cầu và có hiệu quả. Nếu BĐS hiện nay có hiệu quả thì chắc chắn là sẽ có nguồn tiền đi vào, tuy nhiên tình hình đang trầm lắng thế này thì việc giảm vốn là có thật. Song chúng ta không mong muốn giảm đồng đều. Dự án chưa làm thì chưa cần vốn nhưng dự án dở dang, có khả năng thanh khoản cao, nếu có vốn làm thì cần phải quan tâm. Ngoài ra phân khúc có thị trường, có nhu cầu cao cũng cần được rót vốn.

Nguyễn Nga (thực hiện) 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: