KTS Lê Văn Năm: "Đại lộ Đông Tây sẽ là con đường đẹp nhất TP.HCM"

Thứ hai, 21 Tháng 11 2011 21:53 SGTT
In

Trao đổi với phóng viên trong ngày hầm Thủ Thiêm làm lễ thông xe, KTS Lê Văn Năm, nguyên kiến trúc sư trưởng TP.HCM, người đã góp công vẽ nên đại lộ Đông Tây, cho biết:

- Con đường ngắn vậy mà phải đi rất nhiều năm. Lúc khởi động nghiên cứu dự án vào khoảng năm 1990 của thế kỷ trước, có rất nhiều ý kiến khác nhau. Tôi nhớ, ý kiến chỉ đạo lúc bấy giờ là với đô thị lớn như TP.HCM, đường vành đai là không thể thiếu, nhưng đường xuyên tâm cũng rất cần thiết, nhưng phương án bắc cầu qua sông Sài Gòn đoạn ở nhà máy Ba Son chưa thực hiện được.

Phương án hầm dìm Thủ Thiêm được đưa ra làm trước theo quy hoạch tổng mặt bằng thành phố, đã được Chính phủ phê duyệt năm 1993. Anh em quy hoạch đề xuất giải pháp đường xuyên tâm qua thành phố theo hướng đông tây có hầm nối với Thủ Thiêm. Năm 2000, Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chính thức, TP.HCM đã thực hiện đền bù giải toả mặt bằng trong bốn năm, gồm 6.754 hộ dân, 368 cơ quan trên tổng diện tích 201,63ha để đến năm 2005 khởi công.

Mục tiêu của con đường Đông Tây là gì, thưa ông?

KTS Lê Văn Năm (ảnh bên): - Ở thời điểm đó, chúng tôi đã dùng trực thăng quan sát bán đảo Thủ Thiêm, huyện Nhà Bè, Bình Chánh, đô thị Phú Mỹ Hưng và đáp xuống chỗ nhà máy điện Hiệp Phước bây giờ. Đó là thời gian bàn về đại lộ Đông Tây, con đường kết nối trung tâm hiện hữu của thành phố với khu đô thị mới Thủ Thiêm, hình thành bộ khung hạ tầng giao thông tạo tiền đề phát triển khu đô thị phía đông thành phố; góp phần chỉnh trang đô thị, cải tạo môi trường khu vực dọc đại lộ, khôi phục cảnh quan “trên bến dưới thuyền” của Sài Gòn – Bến Nghé xưa…

Người ta quan tâm là những người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án này được hưởng lợi gì, thưa ông?

- Khi con đường hoàn thành, chuyện ai cũng có thể thấy là giải quyết được vấn đề giao thông, thúc đẩy lưu thông hàng hoá, kinh tế phát triển, xoá bỏ khoảng cách từ đông sang tây. Hơn hết, đại lộ Đông Tây – hầm dìm Thủ Thiêm sẽ thúc đẩy thành phố đẩy nhanh quá trình cải tạo môi trường ven kênh rạch, vốn đã ô nhiễm từ nhiều năm trước.

Tôi tin đây sẽ là tuyến đường đẹp nhất thành phố và từ đây người dân sống dọc trục đường này sẽ không phải hứng chịu những mùi hôi thối bốc lên từ kênh rạch. Đây cũng là mục tiêu không kém phần quan trọng khi dự án bắt đầu phôi thai. Đặc biệt, sẽ giảm được rất nhiều ngôi nhà lụp xụp, tồi tàn giữa trung tâm thành phố, góp phần làm cho thành phố văn minh và hiện đại hơn...


Đại lộ Đông - Tây, từ ngã ba Cát Lái (quận 2) tới huyện Bình Chánh, dài gần 22km bao gồm cả hầm dìm Thủ Thiêm (Ảnh: Lê Hồng Thái)

Theo ông, đại lộ Đông Tây góp phần đưa hàng hoá lưu thông từ đông sang tây nhưng thực tế ngành vận tải cấm các loại xe chở hàng như container chạy qua hầm. Vậy mục tiêu ban đầu của con đường đã không đạt được?

- Nói như vậy là không đúng. Ngay từ đầu trong quy hoạch tổng mặt bằng thành phố chúng tôi đã xác định đường xuyên tâm như đại lộ Đông Tây chỉ phục vụ giao thông trong đô thị, còn các tuyến đường vành đai sẽ phục vụ giao thông vận tải. Chuyện này hoàn toàn hợp lý, bởi trên thế giới tất cả các thành phố đều có đường vành đai dành cho xe container lưu thông, còn đường xuyên tâm chỉ phục vụ các loại xe vừa và nhỏ.

Theo tôi, chuyện không được lưu thông qua hầm Thủ Thiêm đối với xe container không có gì bất tiện. Bởi thực tế hiện nay hàng hoá từ miền Tây ra miền Đông và ngược lại, hay đến các cảng của thành phố cũng đã có những tuyến đường vành đai phục vụ. Cụ thể, từ miền Tây đi miền Đông, xe container chỉ cần rẽ vào đường Nguyễn Văn Linh rồi qua cầu Phú Mỹ.

Đào Lê (thực hiện)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: