Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Đối thoại Điều gì giúp Đà Nẵng đoạt giải môi trường ASEAN?

Điều gì giúp Đà Nẵng đoạt giải môi trường ASEAN?

Viết email In

Ngày 23/11/2011, thành phố Đà Nẵng sẽ nhận giải thưởng “Thành phố bền vững môi trường” của ASEAN. Lễ trao giải diễn ra tại thành phố Bali của Indonesia cùng dịp với Hội nghị thượng đỉnh các nước ASEAN lần thứ 17. Phóng viên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Điểu, giám đốc sở Tài nguyên và môi trường TP Đà Nẵng.

Thưa ông, giải thưởng “Thành phố bền vững môi trường” mà Đà Nẵng vừa đạt được dựa trên tiêu chuẩn nào?

Ông Nguyễn Điểu: - Việc đánh giá một thành phố bền vững môi trường theo quy định chung cho các nước châu Á dựa trên 3 tiêu chí bao gồm: Chỉ số không khí sạch, chỉ số đất xanh, sạch và chỉ số nước sạch. Theo bảng điểm chỉ số không khí sạch từ 270 đến 360 điểm xếp loại tốt, trên 360 điểm trở lên xếp loại rất tốt. Ở chỉ tiêu này này Đà Nẵng đạt 300 điểm, xếp loại tốt. Chỉ số đất xanh, sạch từ 240 điểm đến 320 điểm đạt loại tốt, trên 320 điểm đạt loại rất tốt, Đà Nẵng đạt 260 điểm, xếp loại tốt. Chỉ số nước sạch từ 405 điểm đến 540 điểm, xếp loại tốt, trên 540 điểm, xếp loại rất tốt, Đà Nẵng đạt 435 điểm, xếp loại tốt. Cả 3 chỉ số Đà Nẵng đều đạt loại tốt dựa trên khảo sát quan trắc không khí, khảo sát việc chứa tách và thu gom rác thải, bảo vệ khu vực xanh và tỷ lệ người dân tiếp cận nguồn nước sạch, bảo vệ tài nguyên nước, các hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng.

  • Ảnh bên: Ông Nguyễn Điểu phát biểu tại một buổi ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường TP Đà Nẵng

Yếu tố bền vững môi trường mà Đà Nẵng hướng tới như thế nào?  

- Việc đánh giá thành phố môi trường bền vững dựa theo những khảo sát khoa học, điều tra xã hội dựa trên ý kiến người dân, khách du lịch và cả doanh nghiệp đầu tư vào thành phố. Cả 3 tiêu chí Đà Nẵng đều đạt loại tốt chứ chưa phải rất tốt. Chính quyền Đà Nẵng đang hướng tới việc xây dựng Đà Nẵng trở thành một thành phố du lịch, một nơi đáng sống bằng cách xây dựng và bảo vệ môi trường bền vững. Mục tiêu xây dựng Đà Nẵng là “Thành phố môi trường” bắt đầu từ năm 2008 đến 2020. Chúng tôi xác định kinh phí đầu tư và kêu gọi đầu tư cho mục tiêu này lên đến trên 6.000 tỉ đồng. Trong hơn 3 năm qua, Đà Nẵng nhờ nguồn vốn vay của ngân hàng Thế giới đã cải tạo hệ thống thoát nước, hệ thống xử lý nước sạch và được đánh giá đạt hiệu quả tốt. Dự kiến, năm 2015 chúng tôi sẽ đạt khoảng 80% mục tiêu đề ra. Những điểm nóng về môi trường luôn được xử lý ráo riết, như dự án xử lý nước trạm Phú Lộc, kè sông Phú Lộc được đánh giá khá hiệu quả… 


Chính quyền TP Đà Nẵng xác định đến năm 2020 Đà Nẵng sẽ trở thành "nơi đáng sống". (Ảnh Minh Sơn)

Nhưng trên thực tế, vấn đề môi trường của Đà Nẵng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập?

- Cũng có nhiều, nhưng như chúng tôi sẽ xử lý rất nhanh. Ví dụ trong những năm qua, tốc độ đô thị hóa của Đà Nẵng rất nhanh, cộng với ảnh hưởng của bão, mật độ cây xanh của Đà Nẵng xuống thấp, chỉ còn 5m2/ người. Đánh giá vừa qua cho thấy Đà Nẵng có 10% diện tích xanh trên tổng diện tích thành phố là tính luôn cả núi Sơn Trà vào trong khu vực nội thị. Mục tiêu chúng tôi phải đạt là 45% diện tích xanh khi độ thị Đà Nẵng ổn định về quy hoạch. Ngoài ra, chất thải rắn bao gồm chất thải y tế ở Đà Nẵng cũng chưa được quản lý tốt vì chưa có lò đốt quy mô lớn. Các khu công nghiệp như Hòa Khánh, Liên Chiểu… quản lý nguồn nước thải chưa tốt sẽ được giải quyết dứt điểm vào năm 2015. Hiện tại, chúng tôi đang tập trung ở một điểm nóng khác là khu công nghiệp thủy sản Thọ Quang. Việc xử lý chất thải ở khu công nghiệp này chưa tốt, gây ô nhiễm ảnh hưởng đến cộng đồng. Chúng tôi đang khẩn cấp nạo vét 400 – 500 mét khối bùn khu âu thuyền Thọ Quang, cải tạo lạ hệ thống xử lý thải…

Với mục tiêu và hành động như vậy, bao giờ Đà Nẵng sẽ trở thành một nơi đáng sống như ông nói? 

- Chính quyền thành phố Đà Nẵng đã xác định đó là năm 2020. Cũng phải nói rằng đạt được những kết quả như thế này (thành phố bền vững môi trường) là nhờ ý chí của chính quyền thành phố. Ngoài ra, Đà Nẵng còn có lợi thế là một thành phố đang phát triển, việc quy hoạch liên quan đến môi trường luôn được cân nhắc. Đà Nẵng đang dồn sức tập trung cho môi trường và chúng tôi hy vọng sẽ đạt được kết quả tốt.

Tình nguyện bảo vệ biển Đà Nẵng

Mới đây, ông Hồ Việt – nguyên chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã có sáng kiến lập ra “Hội những người yêu biển Đà Nẵng” để bảo vệ môi trường bãi biển. Ông Việt cho biết, ban quản lý Sơn Trà đang xúc tiến thủ tục thành lập hội. Mục đích của hội yêu biển là vận động tuyên truyền các thành phần xã hội tham gia bảo vệ biển Đà Nẵng. GSTS Hà Học Lễ và nhiều nhà bảo vệ môi trường khác đã đồng ý tham gia tư vấn cho hội này. Những năm qua, sau khi về hưu ông Hồ Việt đã tích cực vận động người dân ở ven biển Mỹ Khê thường xuyên dọn vệ sinh bãi biển và tuyên truyền cho khách du lịch bảo vệ môi trường. 

Nguyễn Minh Sơn (thực hiện)

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2467 khách Trực tuyến

Quảng cáo