Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Tương tác Đối thoại "Không vụ lợi để quy hoạch được thực thi tốt nhất"

"Không vụ lợi để quy hoạch được thực thi tốt nhất"

Viết email In

Phát triển đô thị bền vững nhằm giải quyết các vấn nạn: kẹt xe, ùn tắc giao thông, chống ngập nước và ô nhiễm môi trường, để người dân có cuộc sống tốt hơn, kinh tế xã hội có điều kiện tăng trưởng hơn. Đã có nhiều giải pháp được Thành ủy, UBND TPHCM cùng các sở, ngành đưa ra nhằm thực hiện mục tiêu này. Tuy nhiên, với tư cách là một chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa (*), Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, đã có một góc nhìn riêng khá đặc biệt…

Ưu tiên các dự án đòn bẩy

Thưa Phó Giáo sư - Tiến sĩ, theo ông đâu là vấn đề quan trọng nhất, mấu chốt nhất để phát triển đô thị bền vững?

PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa (ảnh bên): - Có rất nhiều vấn đề quan trọng, mấu chốt cần phải thực hiện để đô thị TPHCM phát triển bền vững. Đầu tiên là hành lang pháp lý - cơ sở quan trọng để thực hiện các giải pháp phát triển bền vững phải được xây dựng đầy đủ và bài bản. Điều đáng mừng, nội dung này đã được Chính phủ, Bộ Xây dựng, các bộ ngành liên quan khác cùng với UBND TPHCM thực hiện khá đầy đủ. Chúng ta đã có Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và hàng loạt các nghị định, thông tư, các quyết định của UBND TPHCM quy định khá chi tiết, cụ thể nhiều vấn đề trong quản lý, xây dựng đô thị. Bên cạnh đó, Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 cùng nhiều quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết các quận, huyện đã được lập và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Cùng với các luật, nghị định, thông tư, quyết định…, những đồ án quy hoạch này sẽ là cơ sở quan trọng có tính chất quyết định trong việc phát triển đô thị bền vững. Tất nhiên, bên cạnh đó sẽ phải có một nguồn lực bao gồm nhân lực và vật lực đầy đủ để thực thi các đồ án quy hoạch này.

Như vậy, ông lý giải như thế nào khi mà hệ thống luật pháp về xây dựng đã khá đầy đủ, nhiều đồ án quy hoạch xây dựng đô thị đã được lập và ban hành, nhiều khu dân cư mới, nhiều khu nhà mới đã được xây dựng - chứng tỏ nguồn lực để thực thi quy hoạch bước đầu cũng đã có nhưng TPHCM vẫn chưa phát triển bền vững?

- Một vài dự án địa ốc nhỏ lẻ, một vài khu dân cư mới… không đủ để cho TPHCM phát triển bền vững. Đó là chưa nói đến một thực tế, đã có không ít tòa nhà cao tầng được xây dựng chưa góp gì nhiều cho sự phát triển bền vững của đô thị mà còn làm cho đô thị… kẹt xe, ùn tắc giao thông, ngập nước nặng nề hơn. Những dự án này thường được xây dựng trong bối cảnh các vấn đề về giao thông, môi trường... liên quan chưa được tính toán thấu đáo.

Muốn phát triển bền vững, TPHCM phải thực hiện đồng bộ rất nhiều giải pháp và một trong những giải pháp quan trọng nhất, cần thực hiện ngay đó là xây dựng nhà cho người thu nhập thấp để vừa góp phần chăm lo đời sống cho dân nghèo vừa hạn chế tình trạng xây dựng nhà trái phép - một trong những nguyên nhân cơ bản làm trầm trọng hơn tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường. Tất nhiên, bên cạnh đó cũng cần có sự quan tâm đúng mức đến việc phát triển các khu dân cư có tính thương mại cao vì ngoài hiệu quả về kinh tế của loại hình nhà ở này thì việc thống nhất quản lý xây dựng trong đô thị cũng là một yếu tố then chốt giúp TPHCM phát triển bền vững.

Ngoài ra, các giải pháp khác như phát triển đô thị vệ tinh để giãn dân từ trong nội thành ra, phát triển vận tải hành khách công cộng, phát triển mảng xanh, nạo vét sông, kênh rạch để bảo vệ môi trường và chống ngập… cũng cần được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn lực có hạn thì việc thực hiện các giải pháp này như thế nào phải được tính toán hết sức khoa học, việc nào quan trọng, có tính chất đòn bẩy thì thực hiện trước. Ví dụ, chỉnh trang đô thị trong khu dân cư hiện hữu, TPHCM nên ưu tiên chỉnh trang cải tạo các khu nhà lụp xụp ven sông, kênh, rạch. Việc đó vừa giải quyết bài toán chỉnh trang đô thị vừa góp phần chống ngập nước và ô nhiễm môi trường… Một việc có tính chất đòn bẩy khác: TPHCM nên tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Chính phủ, các bộ ngành và các địa phương bởi sẽ có rất nhiều vấn đề mà TPHCM phải giải quyết trong quá trình phát triển bền vững liên quan đến các cơ quan nêu trên.


Sau những cơn mưa lớn, chuyện nhiều tuyến đường tại thành phố biến thành sông không phải là chuyện hiếm.
(Ảnh: Lê Quang Nhật)

Tránh tình trạng “lệch pha đầu tư”

Trên thực tế TPHCM đã triển khai khá nhiều giải pháp để chống kẹt xe, ô nhiễm môi trường, ngập nước nhưng tình trạng này vẫn chưa cải thiện là bao. Theo ông, nút thắt này ở đâu và trong giai đoạn 2011 - 2015 TPHCM phải làm gì để không lặp lại điều này?

- Việc này cũng có rất nhiều lý do. Hầu hết các dự án cải thiện môi trường, chống ngập nước cho TPHCM như dự án Cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé, dự án Nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm… đều đang trong quá trình xây dựng nên chưa phát huy hiệu quả rõ rệt trong thực tế. Việc phát triển hệ thống giao thông cũng tương tự, hầu hết hệ thống đường vành đai còn đang trong nghiên cứu và duy chỉ có đường Vành đai 2 đang trong quá trình xây dựng. Nhiều đường nội đô đã quá tải nhưng hệ thống đường trên cao để chia tải vẫn đang trong quá trình tìm nhà đầu tư… Các công trình có tính chất “gỡ nút thắt” này chưa hoàn thành thì chưa thể nói đến hiệu quả cao ngay trong thực tế.

Tuy nhiên, cũng có một lý do khác… là ở nhiều nơi, nhiều chỗ đã xuất hiện tình trạng “lệch pha đầu tư”, điển hình như tình trạng xây cao ốc, không tính toán đầy đủ đến các yếu tố giao thông và môi trường mà tôi nói ở trên, đã làm trầm trọng hóa thêm tình trạng kẹt xe và ngập nước. Trong khi toàn thành phố nỗ lực để xây dựng và kiến thiết lại đô thị theo hướng phát triển bền vững mà còn có một bộ phận không nhỏ chưa ý thức được điều này thì thành phố còn gặp khó khăn trong việc giải quyết 3 vấn nạn: ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường.

Vậy một trong những vấn đề quan trọng cần phải thực hiện để đưa Nghị quyết của Thành ủy về phát triển đô thị bền vững vào cuộc sống là tránh tình trạng “lệch pha đầu tư”?

- Điều này rất quan trọng khi mà thời gian qua, việc này đã làm giảm đáng kể hiệu quả của những nỗ lực nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân của lãnh đạo thành phố. Để thành phố phát triển bền vững, mọi động thái đầu tư ở TPHCM phải “chuẩn” theo đúng các quy định của pháp luật về xây dựng và các đồ án phát triển đô thị đã được phê duyệt. Thế nhưng, cũng có một điều mà tôi rất muốn lưu ý khi áp dụng luật, là hiện nay nhiều quy định về xây dựng được ban hành theo hướng mở nhằm tạo điều kiện cho các địa phương linh hoạt vận dụng thực hiện tùy vào đặc điểm cụ thể của địa phương. Thế nhưng, điều này chỉ tốt khi người thực thi luật linh hoạt theo hướng không vụ lợi, tất cả vì sự phát triển bền vững của thành phố. Tôi lấy ví dụ, luật quy định: các công trình xây dựng phải xây cách các cây cầu tối thiểu 7m. Như vậy, 7m là giá trị nhỏ nhất và chỉ nên áp dụng trong khu vực nội thành, nơi đất chật, người đông. Còn ra đến các quận, huyện ven, nơi quỹ đất còn nhiều thì khoảng cách cần được tăng thêm nhằm tạo sự thông thoáng và an toàn cho người dân.

Điều này có thể xung đột với lợi ích của nhà đầu tư nhưng nếu tất cả mọi người liên quan đều vì sự phát triển bền vững của thành phố thì xung đột có thể sẽ… không xảy ra. Hay như quy định mới đây nhất của Bộ Xây dựng về diện tích khu ở bình quân theo đầu người cũng có khoảng cách khá rộng: dao động 11m - 50m. Tất nhiên, không phải ngẫu nhiên mà Bộ Xây dựng có quy định này bởi… trong khu vực nội thành thì con số 11m là hợp lý nhưng ngoại thành thì phải hơn. Vấn đề là các nhà đầu tư phải có tâm, không vụ lợi và có tầm nhìn để chọn ra số diện tích khu ở hợp lý nhất cho các dự án của mình. Một sự phân bố xây dựng hợp lý cũng góp phần cho TPHCM phát triển bền vững.

Nguyễn Khoa (thực hiện)

(*) PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa giữ vai trò Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị VN, Phó tổng biên tập Tạp chí Quy hoạch Đô thị 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2774 khách Trực tuyến

Quảng cáo