Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Tương tác Đối thoại Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nói về Quy hoạch Thủ đô

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nói về Quy hoạch Thủ đô

Viết email In
Sự kiện Thủ tướng Chính phủ vừa chính thức phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được nhân dân Thủ đô và cả nước đặc biệt quan tâm, theo dõi. Ông Nguyễn Thế Thảo, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã có cuộc trả lời phỏng vấn xung quanh vấn đề quy hoạch Thủ đô.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Có thể coi đây là một sự kiện quan trọng không chỉ với riêng Thủ đô mà còn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Xin ông nói rõ hơn ý nghĩa của Quyết định này?

Ông Nguyễn Thế Thảo (ảnh bên): - Ngày 6/7/2011 vừa qua thì Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Có thể nói đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với Thủ đô. Vì trước hết, đây là quy hoạch tổng thể phát triển đầu tiên của Thủ đô Hà Nội trên một bình diện mới, tức là sau khi được điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII.

Thứ hai là Quy hoạch đã được phê duyệt với những nội dung hết sức quan trọng bao gồm quan điểm, mục tiêu tổng quát, mục tiêu chủ yếu, rồi định hướng phát triển các ngành, các lĩnh vực, rồi các phương hướng tổ chức không gian, các trọng tâm danh mục các chương trình dự án được ưu tiên. Đặc biệt là một số các giải pháp thực hiện chủ yếu như giải pháp huy động các nguồn vốn đầu tư, các cơ chế chính sách để đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải pháp về khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, mở rộng hợp tác, phối hợp với các Bộ, ngành trung ương và các địa phương; giải pháp cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước và một số giải pháp về tổ chức thực hiện quy hoạch.

Theo Quy hoạch, Hà Nội đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2011-2015 đạt 12-13%/năm, thời kỳ 2016-2020 đạt khoảng 11-12%/năm và khoảng 9,5-10%/năm thời kỳ 2021-2030.

Đến năm 2015, GDP bình quân đầu người của Hà Nội đạt 4.100 - 4.300 USD, đến năm 2020 đạt khoảng 7.100 - 7.500 USD và phấn đấu tăng lên 16.000-17.000 USD vào năm 2030 (tính theo giá thực tế). 
Có thể nói đây là những tiền đề rất quan trọng, những cơ sở cả về khoa học lý luận và thực tiễn giúp Hà Nội tới đây phát huy hiệu quả hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn và phấn đấu với mục tiêu là sẽ hoàn thành về đích trước 1 đến 2 năm so với cả nước về mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Trong Quy hoạch này cũng đã xác định mục tiêu và quan điểm là Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế của đất nước,  gắn với quy hoạch phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đảm bảo sự thống nhất trong chiến lược phát triển chung để xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội với  vai trò động lực phát triển của cả nước. Đồng thời xây dựng và phát triển Hà Nội giàu đẹp văn minh, tiêu biểu cho cả nước để đảm đương được chức năng là trung tâm chính trị, văn hóa, giáo dục, đào tạo, giao thương và trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Chính bởi vậy, rõ ràng quy hoạch này không chỉ có ý nghĩa riêng đối với Hà Nội mà còn có ý nghĩa với cả nước, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước trong thời gian tới.

Xây dựng quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch vùng và các cơ chế chính sách
Tổ chức không gian đô thị Hà Nội sẽ theo mô hình chùm đô thị, bao gồm đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh, các thị trấn và vùng nông thôn, được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia.

Trong đô thị trung tâm có khu nội đô lịch sử (giới hạn từ phía Nam sông Hồng đến đường vành đai 2), khu nội đô mở rộng (giới hạn từ đường vành đai 2 đến sông Nhuệ), khu vực mở rộng phía Nam sông Hồng (từ sông Nhuệ đến đường vành đai 4), khu vực mở rộng phía Bắc sông Hồng (đến Nam sông Cà Lồ).

Đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía Tây, Nam đến đường vành đai 4 và về phía Bắc đến khu vực Mê Linh, Đông Anh; phía Đông đến khu vực Gia Lâm và Long Biên. 

Thành phố Hà Nội sẽ tiến hành những công việc nào tiếp theo để triển khai Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt? 

- Ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch này thì công việc đầu tiên của Thành phố là sẽ tiến hành công bố và quán triệt quy hoạch tới tất cả các cấp, các ngành, các địa phương trong Thành phố, đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để thông tin này được phổ biến, phổ cập tới các tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành tạo được sự đồng thuận về nhận thức, trên cơ sở đó triển khai những việc tiếp theo nhằm thực hiện tốt quy hoạch này.

Sau đó, trên cơ sở Quy hoạch tổng thể được phê duyệt này, Thành phố đã và đang tiếp tục chỉ đạo, rà soát lại hoặc là xây dựng mới những quy hoạch chuyên ngành và các lĩnh vực, rồi quy hoạch tổng thể phát triển của các quận, huyện và đảm bảo tính thống nhất các quy hoạch tổng thể với các quy hoạch chuyên ngành cũng như Quy hoạch vùng.

Riêng về quy hoạch chung đối với xây dựng đô thị Thủ đô Hà Nội thì tới đây sẽ được Thủ tướng phê duyệt, Thành phố sẽ tiếp tục triển khai đẩy mạnh quy hoạch các phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch chung các huyện thị rồi thiết kế về không gian đô thị, làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng để phát triển đô thị và nông thôn trong trong thời gian tới, phấn đấu làm sao xây dựng Thủ đô Hà Nội thành đô thị xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại và giàu bản sắc dân tộc.

Cũng trên cơ sở Quy hoạch tổng thể đó thì thành phố sẽ triển khai lập các kế hoạch dài hạn, ngắn hạn, trung hạn. Trước mắt là xây dựng Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của Thành phố Hà Nội giai đoạn năm 2011 – 2015 để trình Hội đồng nhân dân thành phố, làm cơ sở triển khai trong thời gian tới.

Thành phố căn cứ vào nội dung Quy hoạch để nghiên cứu, trình Hội đồng nhân dân thành phố ban hành một số cơ chế, chính sách để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhằm triển khai thực hiện kế hoạch.

Đồng thời với những việc đó, Thành phố phải tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt và năng động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện quy hoạch, mà trước mắt là phấn đấu hoàn thành kế hoạch kinh tế - xã hội của năm 2011 và chuẩn bị kế hoạch cho năm 2012.

Nhiệm vụ trọng tâm ngay bây giờ là Thành phố sẽ cùng cả nước thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11/ NQ-CP của Chính phủ để kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô.

Trung ương và cả nước cùng vào cuộc với Hà Nội

Để quy hoạch được triển khai, thực hiện có hiệu quả, không chỉ có nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô mà còn cần sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước; sự chung sức chung lòng của cả hệ thống chính trị, xin ông cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?

- Hà Nội là Thủ đô, là bộ mặt quốc gia, trái tim của cả nước. Có thể nói trong suốt quá trình xây dựng và phát triển vừa qua, Thủ đô luôn luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ; sự quan tâm hỗ trợ của các Bộ, ngành trung ương và các địa phương trong cả nước và sự ủng hộ hợp tác của bạn bè quốc tế.

Cho nên để quy hoạch này triển khai có hiệu quả, trong thời gian tới, Hà Nội rất mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Trung ương cũng như sự phối hợp, hỗ trợ của các Bộ ngành, địa phương trong cả nước.

Riêng đối với các Bộ, ngành, chúng tôi mong muốn tới đây các Bộ, ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình hướng dẫn, giúp cho Thủ đô làm sao lập được các quy hoạch chuyên ngành phù hợp với Thủ đô, cũng phù hợp với tổng thể chung của quốc gia, của đất nước; nghiên cứu, xây dựng những cơ chế, chính sách đặc thù, đáp ứng được yêu cầu phát triển hiện nay của Thủ đô. Chú trọng đầu tư xây dựng các công trình, dự án và thực hiện các chương trình của Bộ quản lý ngành trên địa bàn của Thủ đô; hỗ trợ tạo điều kiện cho Hà Nội thu hút được các nguồn lực, các giải pháp nhằm khai thác và phát huy hiệu quả các tiềm năng thế mạnh của mình cho việc thực hiện Quy hoạch này.

Đối với các tỉnh thành bạn trong cả nước, nhất là đối với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, Hà Nội rất mong muốn tới đây tiếp tục phối hợp với Hà Nội thực hiện quy hoạch vùng làm sao cho hiệu quả, nhất là trong vấn đề rà soát, sắp xếp, lựa chọn, phối hợp, hợp tác đầu tư cùng phát triển để thực hiện quy hoạch vùng cho tốt...

Còn về phần mình, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô sẽ chủ động phối hợp và tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, sự hợp tác của các địa phương dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, của Quốc hội và Chính phủ sẽ tập trung vào việc triển khai có hiệu quả Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sẽ công khai, minh bạch quy hoạch mới để toàn dân được biết

Vừa mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng phối hợp với UBND thành phố Hà Nội hoàn thiện toàn bộ Hồ sơ bản vẽ Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, trình Thủ tướng trước ngày 1/8/2011. Xin ông cho biết các công việc triển khai hiện nay để đảm bảo tiến độ này ra sao?

- Trước hết phải khẳng định Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội mặc dù là một quy hoạch chuyên ngành nhưng có ý nghĩa rất quan trọng, vì nó đưa ra được định hướng về tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội gắn với kết cấu mạng lưới hạ tầng kỹ thuật, kinh tế- xã hội. Đây là cơ sở để chúng ta triển khai đầu tư phát triển Thủ đô trong thời gian tới.

Vừa qua, với chức năng, nhiệm vụ là đơn vị phối hợp với Bộ Xây dựng, Thành phố Hà Nội cũng đã huy động nguồn lực tập trung, trí tuệ để cùng với Bộ xây dựng, các nhà tư vấn, các chuyên gia triển khai chỉ đạo, tổ chức thiết lập Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô theo đúng quy định, theo đúng nhiệm vụ thiết kế yêu cầu đề ra.

Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân, của các nhà khoa học và đặc biệt trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, ý kiến của Quốc hội, Hà Nội và Bộ Xây dựng đã và đang tiếp thu, hoàn chỉnh toàn bộ Đồ án này.

Theo tinh thần chỉ đạo thì Bộ Xây dựng và Thành phố sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/8 tới đây. Trên cơ sở đó Thủ tướng sẽ sẽ xem xét và có quyết định phê duyệt trong thời gian sớm nhất.

Sau khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch này thì theo quy định của Luật, theo chủ trương của Chính phủ sẽ cho công bố công khai, kể cả triển lãm các mô hình, các sa bàn định hướng phát triển đô thị của Thủ đô trong thời gian tới như thế nào để thực hiện công khai, minh bạch, để cho các tầng lớp nhân dân và mọi người trong xã hội được tiếp cận với quy hoạch mới, rồi từ đó nâng cao ý thức, nhận thức, chung sức chung lòng thực hiện quy hoạch này cho đảm bảo đúng mục tiêu của chúng ta là xây dựng Thủ đô Hà Nội thành đô thị xanh, văn hiến, văn minh hiện đại, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Xin cảm ơn Chủ tịch.

(Theo Chinhphu.VN)

[ Chuyên đề : Quy hoạch Hà Nội mở rộng


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2760 khách Trực tuyến

Quảng cáo