Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Tương tác Đối thoại Đã thấy lấp ló bản sắc kiến trúc Việt?

Đã thấy lấp ló bản sắc kiến trúc Việt?

Viết email In

LTS: Những ngày cuối năm 2010, công trình Nhà cộng đồng thôn Suối Rè (xã Cư Yên, huyện Lương Sơn) do KTS Hoàng Thúc Hào thiết kế, vừa là chủ đầu tư đã khánh thành. Đây là lần đầu tiên 1 KTS tự đầu tư cho 1 công trình kiến trúc hoàn toàn mang ý nghĩa xã hội, phi lợi nhuận, lại là kiến trúc dành cho nông thôn, nên đã gây chú ý trong cộng đồng giới KTS. Không chỉ là công trình cụ thể dành cho 1 địa bàn cụ thể, từ cách làm này, KTS Hoàng Thúc Hào mong muốn sẽ mở ra hướng đi mới, góp phần tạo nên bản sắc kiến trúc nông thôn Việt Nam hiện đại, trong đó người KTS có vai trò chủ động sáng tạo.

Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với KTS Hoàng Thúc Hào (ảnh - người ngồi ngoài cùng bên trái ), hy vọng mở đầu cho loạt ý kiến của giới KTS tiếp tục chủ đề  "đi tìm bản sắc kiến trúc Việt Nam hiện đại".

Loay hoay với ngôn ngữ kiến trúc Việt

- Mấy năm vừa rồi gặp anh đều nghe chuyện công trình Nhà cộng đồng thôn Suối Rè do anh vừa thiết kế, vừa là chủ đầu tư, từ khi chỉ là ý tưởng đến suốt quá trình thực hiện. Ấp ủ công trình lâu như thế, đâu là khó khăn lớn nhất để công trình có thể hoàn thành?

- Khó khăn đầu tiên là việc lựa chọn cho đúng mình sẽ làm công trình gì ở nông thôn. Đến giờ tôi nghĩ lựa chọn của chúng tôi hoàn toàn xác đáng. Khi làm nhà cộng đồng, mọi người dân trong làng đương nhiên có quyền sử dụng nhưng họ không nhất thiết phải ở đó. Nếu mình làm nhà ở bằng đất, bằng tre thì khả năng thuyết phục khó khăn hơn, vì dân làng vẫn bị tâm lý thích nhà cao cửa rộng, muốn chắc chắn, bằng bê tông cốt thép hệt đô thị.

Quyết định dựng nhà cộng đồng rồi, trăn trở tiếp theo là tìm lời giải cho tính "đa năng" của nó - người dân có thể sử dụng vào nhiều mục đích. Như ở ngôi nhà này vừa là nhà trẻ - lớp mẫu giáo, vừa là chỗ đọc sách, không gian tụ họp, sinh hoạt văn hóa thể thao, cập nhật thông tin... kể cả tổ chức hội hè, cưới xin, ma chay...

Đa năng như vậy mà làm cho hay, cho đẹp thì vẫn là thứ xa xỉ ở nông thôn Việt. Song băn khoăn nhất, hồi hộp nhất là việc không hiểu người dân sẽ đón nhận công trình thế nào? Có bị xơ cứng, hình thức như phần lớn nhà văn hóa thôn bản khác - suốt ngày đóng cửa không? Làm sao tạo sức sống cho nó? Trước khi công trình hoàn thành, chúng tôi lo có thể người dân thờ ơ, vì cuộc mưu sinh bươn chải khiến họ mất hết thời gian, sức lực, không hơi đâu màng đến sinh hoạt tinh thần...

Bởi vậy, chúng tôi tập trung sâu vào những hoạt động thường nhật nhất, thiết thực nhất như không gian dành cho nhà trẻ, mẫu giáo thôn, một sân chơi bóng chuyền, bóng đá... hay đơn giản là tủ sách nhỏ cho các cháu.

Chứng kiến những trẻ chăn trâu thả trâu ở triền đồi, vào tầng trệt đọc sách, nghe tiếng vui đùa trong lớp mẫu giáo, hay chiều đến thanh niên thôn tụ tập đánh bóng chuyền trước nhà, thì bước đầu chúng tôi cảm thấy ấm lòng.


Công trình có phong thủy đắc địa, thế tựa sơn, tránh gió bão, lũ quét, mặt hướng thẳng ra thung lũng. Ảnh: Ashui.com

- Một công trình tự mình làm sẽ gửi đi thông điệp gì đó. Thông điệp chính mà anh muốn nhắn gửi lần này?

- Thứ nhất, về mặt chuyên môn, có thể hy vọng từng bước kiến tạo một ngôn ngữ kiến trúc nông thôn mới, vừa kế thừa truyền thống, lại có hơi thở ngày hôm nay: Hiện đại, thân thiện, tiết kiệm năng lượng. Mong muốn của tôi là qua công trình có thể kiểm chứng khả năng xây dựng một ngữ pháp kiến trúc Việt hiện đại? Bạn thấy đấy, kiến trúc nông thôn xưa rất đẹp thì kiến trúc nông thôn nay cũng phải xứng tầm. Làm cho nông thôn không chỉ là những chương trình "tình nghĩa", từ thiện nặng về hình thức, tạm bợ, lấy số lượng mà bỏ quên tính hữu dụng và thẩm mỹ.

Thông điệp thứ hai, về mặt xã hội, có hay không khả năng huy động các nguồn lực xã hội để giải quyết vấn đề kiến trúc nông thôn? Cốt lõi phải có những tổ chức trung gian, có thể dạng quỹ kiến trúc xã hội, nhằm kết nối các nguồn lực xã hội với người dân và chính quyền địa phương, vì để tự nông dân sẽ rất khó tiếp cận các nguồn lực đô thị.

Thông điệp thứ ba: Hy vọng phổ biến và nhân rộng quy trình thiết kế "3 xanh" cùng công nghệ xây dựng và phương thức vận hành nhà cộng đồng. Quy trình thiết kế "3 xanh" là xanh về mặt văn hóa xã hội, xanh về môi trường - kiến trúc và xanh về kinh tế - kỹ thuật. Công nghệ xây dựng chủ yếu tận dụng vật liệu, nhân công địa phương, kết hợp công nghệ truyền thống và cải tiến, tiết kiệm năng lượng, thân thiện.

Phương thức vận hành nhà cộng đồng: Có hoạt động thường xuyên và định kỳ. Chủ yếu diễn ra những sinh hoạt thường ngày, thiết yếu của dân làng, Kết hợp sinh hoạt định kỳ có tính hiện đại, cập nhật thông tin, kỹ thuật mới, giao lưu với văn minh đô thị.

Vì danh ư? Tôi nghĩ rất bình thường!

- Công trình rất được giới KTS chú ý và bàn luận. Anh có nhận phản hồi trái chiều nào không? 

70% dân mình vẫn ở nông thôn, và trong quá khứ kiến trúc đặc sắc nhất của người Việt là từ làng. Chúng ta mải chạy theo kiến trúc đô thị bỏ quên nông thôn quá lâu, nên trở về là tất yếu.

Hầu hết kiến trúc nông thôn xây dựng gần đây xấu là do người thiếu năng lực chuyên môn, hay họ cho rằng kiến trúc nông thôn đơn giản, không cần đầu tư công sức, chỉ cần "rẻ"? 

- Thật ra phản ứng trái chiều không nhiều. Thí dụ có người bảo nhà mở nhiều cửa thế thì mùa đông lạnh, hay tầng trệt như vậy sẽ bị ướt, ẩm thấp? Rồi giá thành xây dựng có cao không? Làm cho nông thôn nghèo mà sàn tre hơi xịn, hơi bị bóng. Cũng có ý kiến nói rằng ở bên Mỹ có mô hình tương tự làm cho nông thôn như ở văn phòng Rural studio của KTS Samuel Mockbee? Thậm chí tôi nghe phong phanh rằng công trình này có mục đích chính trị, hoặc vì cái danh...

- Bỏ qua những phản hồi về chuyên môn, anh lý giải thế nào về giá thành công trình và chuyện mục đích chính trị hay vì cái danh? 

- Về giá thành, do đây là công trình đầu tiên mang tính thử nghiệm, không tránh khỏi những chi phí phát sinh, nhiều cái vừa làm vừa thử nên làm đi làm lại nhiều lần, thậm chí vài chục lần nên chi phí đội lên, nhất là phí nhân công. Song song quá trình thử nghiệm, chọn hệ vì kèo, cấu kiện, module điển hình, là câu chuyện giao thoa văn hoá, bản sắc Kinh - Mường biểu hiện ra sao trong không gian hình khối? Vấn đề văn hoá cũng ảnh hưởng kinh tế...

Thứ hai, đây là công trình tự đầu tư, mọi chi phí mình tự trả, vật liệu, nhân công... Nếu công trình được nhân rộng, có thể huy động lao động công ích vào thứ bảy, chủ nhật, trong lúc nông nhàn hay sự góp sức của lực lượng thanh niên, tình nguyện... Cộng với vật liệu tại chỗ, lên kế hoạch trước, ngâm tre, gom đá, xử lý đất, thì giá thành sẽ rất rẻ.

Về mục đích chính trị: Mỗi vấn đề của kiến trúc, quy hoạch thường gắn với việc chia sẻ quyền lực. To như quy hoạch thành phố, nhỏ như xây một ngôi nhà đều liên quan tới những khía cạnh quản lý, luật pháp, tức là gián tiếp gắn với chính trị. Lâu nay công trình làm cho nông thôn chưa nhiều, chưa hiệu quả nên nếu có công trình đi vào cuộc sống thì hiển nhiên có ý nghĩa chính trị, xã hội nhất định.

Còn làm vì danh? Tôi nghĩ rất bình thường. Một người tâm huyết, khao khát làm gì chính đáng thì mong có danh với cuộc đời cũng là lẽ thường. Người làm nghề nào mà chẳng mong muốn tác phẩm của mình tốt, được xã hội công nhận? Vấn đề là công việc trong sáng, chính danh, tận lực hay không? Chuyện đến đâu để xã hội và thời gian trả lời.


Giải pháp kết cấu đơn giản, tiết kiệm, vật liệu địa phương sẵn có, theo nguyên tắc: Thống nhất trong tương phản đa dạng.
Ảnh: Ashui.com

Lòng tốt phải đến đúng địa chỉ

- Công trình này là nỗ lực chủ yếu của cá nhân KTS, nhưng để nhân rộng mô hình không thể chỉ là nỗ lực cá nhân. Anh đã nhắc đến vai trò của tổ chức trung gian, và các anh cũng đã công bố ý tưởng thành lập Quỹ kiến trúc xã hội. Vậy anh có lạc quan về khả năng tham gia của xã hội? Sẽ cần những "bên liên quan" nào?

- Vấn đề phổ biến nhân rộng cực khó nếu là nỗ lực của chỉ một nhóm nhỏ, dù có tâm huyết đến đâu cũng không thể phát huy. Sự nghiệp này đòi hỏi hợp lực của nhiều tổ chức, cá nhân tâm huyết thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tôi tin rằng trong xã hội luôn có những tấm lòng. Câu chuyện về môi trường, kiến trúc, cảnh quan, vệ sinh nông thôn cũng là câu chuyện lớn, cần chia sẻ và đóng góp của cộng đồng. Hy vọng sẽ có những Bill Gates, Waren Buffet của Việt Nam.

Song những tấm lòng đó phải gửi đến đúng địa chỉ. Kiến trúc nông thôn mà ứng xử không thận trọng sẽ đơn điệu, phi nhân văn như những căn hộ, những lồng sắt tập thể không bản sắc. Hiện đã và đang diễn ra quá trình đóng khung đời sống tinh thần nông thôn trong những mẫu nhà hộp - hình ống đô thị.

Quỹ chúng tôi cần và phải khẳng định được sự tin cậy cho những tấm lòng muốn chia sẻ.

- Tới đây anh sẽ dành bao nhiêu thời gian cho kiến trúc nông thôn? Bao nhiêu thời gian cho những công trình hiện đại?

- Có thể nói thế này, tất cả hoạt động chuyên môn của tôi, giảng dạy đại học, quy hoạch - thiết kế công trình là một tổng thể hữu cơ, khó phân định rạch ròi. Nhưng vài năm lại đây, câu chuyện kiến trúc xã hội choán phần lớn tâm trí tôi, tôi cảm nhận rằng con đường tìm kiếm một ngôn ngữ kiến trúc Việt hiện đại có thể hé lộ, phát lộ ra từ kiến trúc xã hội chăng?


Ngôi nhà này vừa là nhà trẻ - lớp mẫu giáo, vừa là chỗ đọc sách, không gian tụ họp, sinh hoạt văn hóa thể thao, cập nhật thông tin... kể cả tổ chức hội hè, cưới xin, ma chay... Ảnh: Ashui.com

- Anh có nghĩ xây dựng các công trình cho nông thôn bằng vật liệu địa phương, nhân công địa phương, thân thiện môi trường... là một xu hướng mà kiến trúc Việt Nam nên đi?

- Chỉ biết 70% dân mình vẫn ở nông thôn, và trong quá khứ kiến trúc đặc sắc nhất của người Việt là từ làng. Chúng ta mải chạy theo kiến trúc đô thị bỏ quên nông thôn quá lâu, nên trở về là tất yếu.

Hầu hết kiến trúc nông thôn xây dựng gần đây xấu là do người thiếu năng lực chuyên môn, hay họ cho rằng kiến trúc nông thôn đơn giản, không cần đầu tư công sức, chỉ cần "rẻ"?

Vấn đề cốt lõi để tìm ra cái đẹp và hữu dụng, chắc chắn cần những cá nhân, tổ chức dấn thân, cần cả tâm huyết song hành cùng khả năng nghề nghiệp, để khi xuất hiện nguồn lực xã hội sẽ cho kết quả xứng đáng.

Khánh Linh (thực hiện) 

>> Nhà cộng đồng cho thôn Suối Rè 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2848 khách Trực tuyến

Quảng cáo