Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Tương tác Đối thoại Còn thiếu những công trình nghiên cứu về mặt tiền biển

Còn thiếu những công trình nghiên cứu về mặt tiền biển

Viết email In

Việc tạp chí National Geographic Traveler xếp hạng bãi biển của Việt Nam là Nha Trang và Mũi Né vào danh sách 15 bãi biển được đánh giá thấp nhất thế giới đã thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận trong nước thời gian gần đây. TBKTSG có cuộc trao đổi với kiến trúc sư Phan Tấn Lộc - giám đốc thiết kế Công ty cổ phần tư vấn Vita - xung quanh việc này.

Kiến trúc sư Phan Tấn Lộc đã có hơn 24 năm sinh sống, học tập và làm việc tại Pháp; ông từng cộng tác với nhiều kiến trúc sư danh tiếng trên thế giới trong việc thiết kế và giám sát các công trình quan trọng tại Pháp, Nhật, Mỹ và quy hoạch khu đô thị, khu công nghệ cao tại Việt Nam. 

- Ông nghĩ gì về việc xếp hạng Nha Trang, Mũi Né của tạp chí National Geographic Traveler? 

- Không phải việc tạp chí này bầu chọn mới là lời cảnh báo cho các bãi biển ở Việt Nam - ở đây là Nha Trang và Mũi Né - mà ngay từ đầu những năm 1990, tôi đã nghiên cứu về quy hoạch đô thị cho Nha Trang, trong đó tôi có góp ý về bãi biển Nha Trang nên tránh xây dựng "bức tường bê tông" như Rio de Janeiro (Brazil), nghĩa là cho phép xây dựng khách sạn cao tầng san sát nhau.

Trong quy hoạch xây dựng mặt tiền biển (water front) rất cần những khoảng trống và những khoảng lùi để tạo cảnh quan đô thị và dọc đường ven biển nên xen vào và giữ lại các công trình văn hóa công cộng, vì không gian dọc biển bản chất là không gian công cộng. Tóm lại, việc phát triển thành phố Nha Trang còn thiếu những công trình nghiên cứu về mặt tiền biển và chưa rút kinh nghiệm từ những quốc gia phát triển khác trên thế giới.

Từ thập niên 80 ở châu Âu, việc “bê tông hóa” những bãi biển bị phản đối kịch liệt sau nhiều thập niên phát triển du lịch. Vì vậy những nước như Tây Ban Nha hay Pháp đều đưa ra các quy định, những điều khoản rõ ràng về những gì cần làm dọc phần đất giáp ranh với biển, như chỗ nào cần giữ lại hoàn toàn là thiên nhiên, chỗ nào cho phép xây dựng các khu du lịch...

Vấn đề Nha Trang nói riêng và các bãi biển ở Việt Nam nói chung có nguyên nhân ở chỗ, là kinh tế chi phối rất lớn nên nó đã quyết định không gian đô thị…

Tuy việc đánh giá của tạp chí National Geographic là sự cảnh báo lớn cho chúng ta nhưng rồi liệu những người đương nhiệm hôm nay có nghĩ đến hôm sau hay không thì đó lại là một vấn đề khác. Mà khi đã cho phép đầu tư xây dựng rồi thì không thể đập phá để sửa sai được nữa.

- Theo ông thì đánh giá của tạp chí này đưa ra có sức thuyết phục hay không? Và liệu mất bao lâu để bãi biển Nha Trang và Mũi Né không còn nằm trong danh sách “những bãi biển xếp chót bảng”? 

- Theo tôi, đó là những đánh giá chính xác. Năm 1996, trong buổi báo cáo chuyên đề quy hoạch đô thị ở Nha Trang, tôi thấy nhiều ý kiến cho rằng thành phố Nha Trang đang phát triển theo trục Bắc - Nam, nghĩa là “ôm” lấy biển vì “Trung ương xác định Nha Trang là thành phố du lịch”.

Còn đề nghị của tôi lúc đó là phát triển thành phố này theo trục Đông -Tây mang tính lịch sử, là nối liền thị trấn Thành của huyện Diên Khánh (vốn là phủ Thái Khang hình thành từ thời chúa Nguyễn Phúc Tần) và Nha Trang (hình thành từ thời Pháp) bởi “Trục lịch sử” như cột xương sống của thành phố Nha Trang tương lai.

Riêng trục Bắc – Nam dọc biển phải có những công trình có công năng văn hóa công cộng, như hiện nay đã có đài truyền hình, trung tâm văn hóa. Nhưng đáng tiếc Thư viện Tỉnh bị dời đi nơi khác để nhường đất cho một khách sạn. Chiều hướng này vẫn đang tiếp tục tại đây.

Từ đầu những năm 90, Việt Nam đã mở cửa thu hút đầu tư và các công trình dọc bãi biển Nha Trang chưa có những quy định chung về quy hoạch tổ chức không gian dọc biển. Đây cũng là tình trạng chung của cả nước nên chúng ta sẽ mất khá nhiều thời gian nữa, cộng với những chấn chỉnh kịp thời của chính quyền địa phương trong việc cấp phép xây dựng, những bãi biển ở Việt Nam mới có thể cải thiện được.

  • Ảnh bên : Khu vực bãi biển Mũi Né bị bao vây bởi sự xuất hiện của các resort. (Ảnh: Tường Vi)

Trong quy hoạch đô thị của các quốc gia phát triển trên thế giới, sau một thời gian phá bỏ các công trình cũ để xây dựng những công trình mới, đã nhận thức được những sai lầm phải trả giá vì xóa tính thời gian của đô thị và ký ức cộng đồng, nhưng Việt Nam lại đang đi theo lối mòn của họ trước kia. Cũng như khi lấy một lĩnh vực nào đó áp đặt cho sự phát triển của một thành phố là một sai lầm bởi đâu phải tất cả người dân một thành phố nói chung, và Nha Trang nói riêng, chỉ sống bằng du lịch, họ còn sống bằng nông - ngư nghiệp, giáo dục, đào tạo, y tế…

- Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 200 resort (khu du lịch nghỉ dưỡng), tập trung nhiều nhất ở khu vực Phan Thiết và Mũi Né, tỉnh Bình Thuận. Ông có nhận xét gì về chất lượng các resort ở Việt Nam?

- Cần phải phân biệt resort và khách sạn. Một resort đúng chuẩn thì phải ở vị trí tiếp cận với bãi biển, xa khu đô thị và phần lớn diện tích là dành cho cây xanh (25% diện tích đất dành cho xây dựng và 75% dành cho yếu tố thiên nhiên), trong khi các khách sạn nằm trong lòng một đô thị (như dọc đường Trần Phú – Nha Trang) có thể tận dụng đến 75% diện tích cho xây dựng. Vấn đề nổi bật của Mũi Né là việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng san sát nhau bít hết tầm nhìn để tận dụng vẻ đẹp của biển. Việc quy hoạch này đã tước đi không gian của người dân và biển chỉ còn là của khách du lịch mà thôi.

Chúng ta đang trả giá cho sự phát triển du lịch một cách lệch lạc nghĩa là chúng ta vội vã chưa ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật giải quyết các vấn đề về môi trường, thu gom rác, xử lý chất thải… trước khi cấp phép cho đầu tư xây dựng. Tuy nhiên hiện chúng ta đã có những quy chuẩn về môi trường, nhưng công tác kiểm tra của các cơ quan chức năng và ý thức tôn trọng luật pháp của chủ đầu tư là vấn đề cần có giải đáp.

- Xin cảm ơn ông!

Tường Vi (thực hiện) 

Tạp chí National Geographic Traveler của Mỹ số tháng 11 và tháng 12 năm 2010 đưa ra kết quả bình chọn cho 99 bãi biển trên thế giới. Các kết quả này dựa trên những đánh giá của 340 chuyên gia hoạt động trong các lĩnh vực như bảo tồn lịch sử, du lịch bền vững, sinh thái, địa lý, quản lý du lịch, văn hóa bản xứ, khảo cổ học, những người quản lý trang web, nhiếp ảnh gia và nhà báo chuyên viết về du lịch. Việc bình chọn các bãi biển du lịch trên thế giới đã được tạp chí này thực hiện hàng năm, đến nay là lần thứ 7.

Có 6 tiêu chí đánh giá gồm: chất lượng môi trường và sinh thái, tính nguyên vẹn của xã hội và văn hóa, chất lượng và điều kiện bảo tồn của những công trình xây dựng lịch sử và khu khảo cổ học, sự lôi cuốn về mỹ học, chất lượng quản lý du lịch và tầm nhìn cho tương lai. Trong đó, các yếu tố được đánh giá cao nhất là tính nguyên vẹn của xã hội và văn hóa, sự lôi cuốn về mỹ học thẩm mỹ của các địa điểm này.

Các chuyên gia được yêu cầu đánh giá những địa điểm mà họ đã quen thuộc dựa trên những tiêu chí trên và cho điểm theo các bậc: "được đánh giá hàng đầu", "đang làm tốt", "trong sự cân bằng", "đang đối mặt với khó khăn" và "tồi" kèm theo những nhận xét. 

Về bãi biển Nha Trang và Mũi Né, tạp chí National Geographic Traveler đã viết: "Sự phát triển quá mức nhưng thiếu thận trọng cùng với sự xuất hiện của những khu resort đã "nuốt chửng" bờ biển thanh bình trước đây và đẩy “vẻ đẹp tự nhiên” thuở nào rơi vào tình trạng nguy hiểm". 

[ Chuyên đề : Quy hoạch Đô thị biển ]
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2679 khách Trực tuyến

Quảng cáo