Các tập đoàn xây dựng đang dẫn dắt quy hoạch

Thứ hai, 11 Tháng 10 2010 11:19 Tuổi Trẻ
In

Truyền thống quy hoạch đô thị ở VN, cũng như nhiều nước châu Á khác, là chú trọng kiến trúc và phần cứng mà chưa có khoa học xã hội trong đó” - đó là nhận định của TS Mike Douglass, ĐH Hawaii (Mỹ), một người gắn bó với quy hoạch đô thị ở châu Á.

Ông mong mỏi Hà Nội nói riêng và các thành phố còn lại của VN nói chung tránh được vết xe đổ như từng thấy ở nhiều thành phố lớn khác. Ông chia sẻ:

- Khi chúng ta nói về xóa đói giảm nghèo, câu chuyện không đơn thuần là bạn có một cái nhà đẹp hơn, đúng không? Đó còn là câu chuyện về văn hóa, xã hội, chính trị... Tương tự, trong quy hoạch đô thị, VN cần phải chuyển hướng để đưa những thiếu vắng về mặt xã hội vào.

* Theo ông, làm thế nào để lấp vào khoảng trống đó?

- Đầu tiên là phải thay đổi tầm nhìn. Một số người gọi TP là động lực của tăng trưởng. Tôi lại muốn TP của mình là nơi có thể ở được. Để làm được điều đó, cả chính phủ, khu vực tư nhân và người dân phải cùng nỗ lực.

* Ai là người nên dẫn dắt trong tiến trình đó?

- Nói thật là mô hình mới hiện nay khiến tôi phát sợ. Các tập đoàn đang dẫn dắt điều này. Họ đang xây dựng cả thành phố và biến nó thành của tư. Trong khi đó, một thành phố công cộng phải có cả ba yếu tố: chính phủ, khu vực tư nhân và người dân.

VN không phải là trường hợp duy nhất mà xu hướng này khá phổ biến trên toàn châu Á. Điều quan trọng giờ đây là tăng cường năng lực cho người dân và các tổ chức của nhân dân tham gia mạnh mẽ hơn vào quá trình này.

* Đâu là những thành phố yêu thích của ông?

- Hà Nội là một trong số đó. Ngoài ra là Bangkok (Thái Lan). Tôi cho rằng Bangkok là thành phố mang tính quốc tế nhất Đông Nam Á. Ở Hà Nội thì tôi thích con người, phố xá, những khoảng không công cộng.

* Yếu tố quy hoạch đô thị đóng vai trò thế nào trong sự yêu mến ông dành cho Hà Nội?

- Đó là một câu hỏi lớn và tôi không chắc quy hoạch sẽ rũ sạch những thứ tôi thích hay sẽ phát huy. Điều tôi quan ngại là không gian công cộng chiếm bao nhiêu phần trong quy hoạch đô thị, mà phải là không gian thật sự chứ không phải giả tạo.

* Thế nào là không gian giả tạo?

- Đó là những không gian mở nhưng không phải ai cũng vào được, mang tính độc quyền. Nếu có vào được cũng không có gì nhiều cho mọi người. Những gì trong đó không mang bản sắc của cộng đồng. Chẳng hạn Hà Nội đang có phong trào gắn màn hình tinh thể lỏng chạy quảng cáo trong các công viên. Tôi thấy khó chịu và thực tế về mặt thị giác, những màn hình này hút hết cái đẹp của công viên.

Làm sao ta có thể cảm thấy thoải mái khi những sản phẩm thương mại được tua đi tua lại trên màn hình lòe loẹt, nhấp nháy liên tục? Tôi thấy đang có khuynh hướng tạo ra không gian công cộng giả tạo, đặc biệt là quanh các khu mua sắm.

Không chỉ Hà Nội, Singapore cũng chi hàng tỉ đôla làm sạch sông Singapore và xây con đường đi dạo tuyệt đẹp bên bờ sông, nhưng tuyệt nhiên không có lấy một chiếc ghế nào để nghỉ chân! Ngoài ra tôi cũng thích Kyoto của Nhật Bản.

Đó là thành phố duy nhất ở châu Á mà tôi biết hiện hữu cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Tôi cũng yêu New York. Cuộc sống hằng ngày nơi đó sinh động và có nhiều liên hệ đến từng cá nhân đến mức các tòa nhà chọc trời ở đó không lấy đi được sự cuốn hút đó.

* Vậy còn các khu đô thị mới của Hà Nội?

- Tôi nghĩ có hai lý do khiến nhiều người muốn sống ở đó: đầu tiên là hiệu ứng “câu lạc bộ”, vì nó khiến họ cảm thấy họ thuộc về một nhóm khác biệt nào đó so với những người còn lại trong xã hội; thứ hai là cảm giác an toàn.

Nhưng những hàng rào bao quanh và người gác cổng cũng ngăn cản họ tiếp xúc với những điều từng làm họ vui thích: đó là các hoạt động sống động hằng ngày diễn ra trước mắt. Đó là vì các khu đô thị này thiếu vắng cách tiếp cận về xã hội học như tôi đã nói.

Chiều 8/10, hội trường NXB Trí Thức (Hà Nội) chật cứng nhà nghiên cứu, sinh viên, phóng viên và người nước ngoài. Họ đến để nghe TS Mike Douglass nói chuyện về chủ đề quy hoạch trên thế giới và ở VN.

Câu chuyện mà ông mang đến lần này là về những rập khuôn máy móc trong quá trình phát triển đô thị ở phần lớn các nước châu Á, những nơi chạy theo cùng một công thức để xây dựng thành phố toàn cầu: phải có các tòa nhà cao tầng, các trung tâm kinh doanh mang tính toàn cầu, công trình được thiết kế bởi những nhà kiến trúc nổi tiếng thế giới, các khu đô thị được xây dựng bởi các tập đoàn tư nhân.

Điều đáng lo ngại là các thành phố châu Á, trong đó có Hà Nội, đang dần đánh mất những khu không gian công cộng và không gian cộng đồng - một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để TP là nơi “có thể sống được”. 

HƯƠNG GIANG (thực hiện)

>> Hà Nội trong mắt chuyên gia nước ngoài

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: