Bờ biển không phải của một nhóm người

Thứ ba, 28 Tháng 9 2010 20:55 Tuổi Trẻ
In

Những bờ biển đẹp nhất phải là nơi dành cho sinh hoạt công cộng, hưởng thụ của mọi người dân lao động” - chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN Đặng Ngọc Tùng phát biểu về chuyện nhiều bãi biển đẹp được cấp phép làm dự án khách sạn, resort... và trở thành nơi hưởng thụ của một nhóm người có nhiều tiền.

Trao đổi với phóng viên, chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN, đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Tùng (ảnh bên) nói:

- Tôi nghĩ chuyện này đang diễn ra ở nhiều địa phương khác và tình trạng này ngày càng phổ biến. Hãy cứ đến những nơi có bờ biển đẹp như Bãi Cháy (Hạ Long), Đà Nẵng... thì không khó để tìm thấy những ví dụ tương tự. Địa phương cứ nói rằng chúng tôi chỉ cấp phép sử dụng đất trên bờ chứ đâu có cấp phép diện tích mặt biển, nhưng các chủ dự án họ xây tường bao ra đến mép nước thành các khu khép kín, riêng biệt, thậm chí người dân vào khu vực biển trước mặt resort để tắm còn bị bảo vệ của họ xua đuổi... Vậy thì khi bờ biển thành của riêng, mặt biển đâu còn là của chung nữa. 

* Ông nghĩ thế nào về vấn đề này? 

- Tôi vẫn kiên trì ý kiến của mình là việc phát triển kinh tế đất nước thì cần thiết là phải thu hút đầu tư, phải xây dựng những khu nghỉ dưỡng cao cấp, chuyên nghiệp cho những doanh nhân, những người có nhiều tiền được hưởng thụ. Nhưng những người lãnh đạo, người quản lý cần phải nghĩ đến việc quy hoạch cụ thể và phải đặt quyền lợi của người lao động, của tuyệt đại đa số người dân lên trên hết chứ không nên đặt quyền lợi của một nhóm người hay một số người. Đây là mong muốn của tổ chức công đoàn cũng như đề nghị thiết tha của cá nhân tôi.

Tôi sinh ra trên đất nước có “rừng vàng biển bạc”, nó là tài sản chung mà thiên nhiên dành tặng cho tất cả mọi người sống trên dải đất này. Các nhà lãnh đạo nghĩ sao nếu tôi không có tiền thì không được tắm ở bờ biển đẹp, không được ngồi ngắm cảnh ở những danh thắng thiên nhiên? Một đêm ở resort bằng một tháng lương của người công nhân. Những người nghèo, người lao động bình thường không được thụ hưởng những gì tươi đẹp nhất của thiên nhiên đất nước mình hay sao?

* Có nghĩa là thực trạng này ở nước ta đã đến mức báo động? 

"Đất nước này là của mọi người dân VN, thiên nhiên tươi đẹp, danh thắng là của nhân dân, mọi người đều có quyền hưởng thụ chứ không phải là của một nhóm người"

Ông Đặng Ngọc Tùng (Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN) 

- Tôi chưa có điều kiện đi hết các tỉnh có biển để nắm rõ tình hình. Nhưng tôi thấy tình trạng này đang xảy ra ngày càng phổ biến. Nếu chính quyền các địa phương không có kế hoạch quản lý thì về lâu về dài sẽ thiệt hại cho sự phát triển chung của đất nước và cũng gây thiệt hại cho chính ngành du lịch chứ không phải có lợi đâu. 

Quan điểm của tôi là nhất quyết không được chia bờ biển thành các khu khép kín, tạo thành các resort nối tiếp nhau, các dự án bất động sản du lịch chỉ dành cho những người có nhiều tiền. 

* Nếu một vị lãnh đạo địa phương nói rằng việc cấp các dự án như vậy sẽ đem lại nguồn thu cho ngân sách, thu hút đầu tư, giải quyết công ăn việc làm, giúp tăng trưởng GDP thì ông sẽ nói với họ thế nào? 

- Tôi không dám phê phán nhà lãnh đạo ấy. Nhưng tôi nghĩ những nhà lãnh đạo khôn khéo thì họ phải biết đặt quyền lợi của nhân dân, của những người lao động lên trên hết chứ không phải là đặt quyền lợi của một nhóm người lên trên hết. Muốn thu hút đầu tư không phải là cứ “xẻ” bờ biển ra làm dự án thì mới thu hút được. Không phải là cứ cấp phép tràn lan và để nhà đầu tư muốn chọn chỗ nào thì chọn. Thu hút đầu tư phải dựa trên quy hoạch hài hòa, đảm bảo lợi ích chung.

Tại sao các nước người ta làm được, những nơi đẹp nhất của thiên nhiên người ta cấm xây dựng, cấm tư nhân hóa mà ta không làm được? Vấn đề là tầm nhìn, là quan điểm, là cung cách quản lý. Nhân dân sẽ phán xét cách tư duy, quản lý của những nhà quản lý, lãnh đạo nếu họ nghĩ như vậy.

* Theo ông, nếu cứ cấp phép tràn lan như hiện nay thì hậu quả để lại cho tương lai sẽ như thế nào?

- Hậu quả thì ai cũng nhìn thấy rõ: nhân dân, những người lao động nghèo phải gánh chịu thôi, còn hưởng thụ chỉ một nhóm người. Để bờ biển bị chia chác thành của riêng cho các dự án có thời hạn 50 năm, tức là hai thế hệ, thì về lâu dài tình trạng này sẽ rất khó tháo gỡ.

* Cho đến nay chúng ta cũng chưa có được quy hoạch chi tiết nào cho việc sử dụng bờ biển, nhất là những quy hoạch cho các dự án bất động sản du lịch có tính liên kết giữa các địa phương. Ông có thấy ngạc nhiên không khi điều này xảy ra với một đất nước có nhiều danh thắng như VN?

- Không chỉ riêng cá nhân tôi, nhiều người dân VN và nhiều người nước ngoài đến đây du lịch đều thấy rằng VN có nhiều cảnh đẹp nhưng cách tổ chức, quản lý, quy hoạch không tốt khiến nó cứ manh mún, rời rạc, không chuyên nghiệp, thiếu sự gắn kết giữa địa phương này với địa phương kia. Điều đó là rất đáng buồn và rất đáng chê trách.

* Theo ông, để chấm dứt tình trạng “xẻ thịt”, “hóa giá” bờ biển đẹp thì cần có những biện pháp gì để giữ lại cho đời sau?

- Tôi mong muốn Chính phủ có ý kiến chỉ đạo và đặc biệt là ngành du lịch phải có quy hoạch chi tiết, làm sao để các địa phương không thể xẻ hết chỗ đẹp để cấp cho resort, cho các dự án bất động sản du lịch. Lãnh đạo các địa phương cần suy nghĩ rằng danh thắng là quà tặng vô giá của thiên nhiên cho tất cả mọi người dân ở đó được tận hưởng chứ không phải là vì tận thu cho ngân sách, vì quan hệ lợi ích nào đó mà chỉ để dành cho một nhóm người, làm vậy sẽ có tội với đời sau. Những người lãnh đạo chỉ nghĩ đến tận thu, đến GDP trước mặt thì nhà lãnh đạo đó chỉ có tầm nhìn ngắn hạn, không có tầm nhìn lâu dài.

Theo tôi, ở các tỉnh có bờ biển thì những nơi đẹp nhất Nhà nước phải đầu tư thành quảng trường, bãi tắm dành cho sinh hoạt công cộng, để mọi người dân lao động đều được tiếp cận và thụ hưởng. Tại sao chúng ta không cấp phép cho các khu resort chỉ được xây dựng bên trong, cách mép nước 200-300m, còn bãi tắm, bãi biển thì để sinh hoạt công cộng. Như vậy nó sẽ làm đẹp cho cả thành phố, làm đẹp cho cả bờ biển chứ không chỉ là làm đẹp cho một cái resort mà nó che mất mặt tiền của biển.

LÊ KIÊN (thực hiện)

>> Bờ biển đẹp có nguy cơ thành của riêng 

Đề nghị rà soát các dự án bất động sản du lịch

Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT), đến nay chưa địa phương nào gửi báo cáo tình hình rà soát các dự án bất động sản du lịch. Bộ KH-ĐT đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tự rà soát, đánh giá, báo cáo tình hình quản lý nhà nước và thực hiện đối với các dự án bất động sản du lịch và nghỉ dưỡng tại địa phương.

Thời hạn cuối cùng gửi báo cáo là ngày 30/11. Các dự án phải rà soát, báo cáo gồm dự án đầu tư khu du lịch sinh thái, khu vui chơi giải trí (kể cả casino), dự án đầu tư khu nghỉ dưỡng (gồm biệt thự, căn hộ cao cấp, khách sạn), dự án kết hợp du lịch và nghỉ dưỡng, dự án sân golf và dự án du lịch, nghỉ dưỡng có sân golf.

Dựa vào các báo cáo này, Bộ KH-ĐT đánh giá và lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại địa phương.

L.N.MINH 

 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: