Ashui.com

Wednesday
Apr 24th
Home Tương tác Đối thoại Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam: Kiến nghị thông qua đồ án quy hoạch Hà Nội

Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam: Kiến nghị thông qua đồ án quy hoạch Hà Nội

Viết email In

KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN, Uỷ viên thường trực Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội trả lời phỏng vấn Báo Lao Động về Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là QHC).

Xin ông cho biết đánh giá chung của Hội đồng thẩm định cấp nhà nước về đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội - đồ án đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận thời gian qua?

KTS Trần Ngọc Chính (ảnh bên): - Đánh giá chung của 13 thành viên hội đồng thẩm định đều khá thống nhất, cho rằng đây là đồ án quy hoạch được lập bài bản nhất từ trước đến nay. Với 1.082 trang thuyết minh tổng thể, khoảng 300 trang thuyết minh tóm tắt, hàng chục bản vẽ thiết kế chi tiết, có thể nói liên danh tư vấn quốc tế và trong nước đã làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm. Cách triển khai, phương pháp tiếp cận và cách tổ chức nghiên cứu lập đồ án QHC tuân thủ đúng pháp luật và Luật Quy hoạch đô thị, nhiệm vụ thiết kế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quá trình triển khai lập quy hoạch, thường trực Chính phủ đã trực tiếp nghe liên danh tư vấn báo cáo 3 lần, đồng thời cho ý kiến hoàn thiện bản đồ án. Quy hoạch chung cũng được các hội chuyên ngành và các chuyên gia uy tín cho ý kiến, đặc biệt là tổ chức triển lãm trong 2 tuần lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân.

Như vậy, có thể thấy chưa có một đồ án quy hoạch nào được triển khai tuần tự, công phu, lấy ý kiến đông đảo các tầng lớp đóng góp cho đồ án đến như vậy. Trước hết, chúng tôi khẳng định tư vấn đã có tiếp thu ý kiến và thể hiện trong đồ án hoàn thiện dần so với các lần báo cáo. Tuy nhiên, sự tiếp thu của các nhà chuyên môn là biết chọn lọc, có tiếp thu và có bảo lưu ý kiến. Bộ Xây dựng cũng đã tiến hành dựng mô hình để khi Chính phủ phê duyệt có những hình dung về không gian đô thị, kiến trúc cảnh quan là việc nên làm chứ không phải như một số ý kiến cho rằng làm như vậy là “cầm đèn chạy trước ôtô”.

  • Ảnh bên : Phối cảnh trục Ba Vì - Hồ Tây trong đồ án quy hoạch Hà Nội

Vấn đề còn gây nhiều tranh cãi thời gian qua về việc có cần thiết phải xây dựng trục đường Hồ Tây - Ba Vì (tên gọi cũ là trục Thăng Long), ý kiến của Hội đồng thẩm định ra sao, thưa ông?

- Về trục Thăng Long, sau này đổi tên thành trục Ba Vì - Hồ Tây đã nhận được sự đồng thuận cao về việc cần thiết phải có trục đường này. Cả Chủ tịch Hội đồng- (Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân - PV) và Phó Chủ tịch hội đồng (Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo - PV) đều đồng ý nên xây dựng trục Thăng Long như đồ án đưa ra. Về sự cần thiết phải có tuyến đường này, các ý kiến đều nhất trí trước hết phải xác định đây là một trục giao thông quan trọng nhằm kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh phía tây, trong tương lai sẽ lên tới 1 triệu dân. Vì vậy, các tuyến đường hiện hữu theo tính toán sẽ không thể đủ đáp ứng nhu cầu đi lại trong tương lai, tránh những bất cập của đô thị hiện nay về nạn tắc đường. Hơn nữa phải nói thêm là hiện trên báo chí đưa ra quan điểm, không còn quy hoạch Trung tâm hành chính quốc gia (TTHCQG) tại Ba Vì thì cũng không nhất thiết phải có trục đường Hồ Tây- Ba Vì, nhưng nói như thế là chưa chuẩn.

Tôi khẳng định, TTHCQG không hề gắn kết với trục Thăng Long. Trước đây, khi còn ở Bộ Xây dựng, chỉ đạo lập quy hoạch HN (quy hoạch 108) thì đã có trục đường này, mục đích là để kết nối khu vực trung tâm với chuỗi các đô thị Sơn Tây, Hoà Lạc, Xuân Mai, Miếu Môn. Quy hoạch 108 cũ đã đề xuất tuyến đường này như một trục đột phá không gian đô thị từ đông sang tây, khó có trục nào thay thế. Chúng tôi đề xuất, trước tính quan trọng, cấp thiết của trục Thăng Long, trong QHC này, chưa nên đề xuất chi tiết về mặt cắt toàn tuyến mà để đến giai đoạn sau, sẽ tổ chức một cuộc thi ý tưởng thiết kế để các tư vấn trong nước, quốc tế đưa ra ý tưởng cho quy hoạch trục đại lộ đặc biệt quan trọng này.

  • Ảnh bên : Việc quy hoạch thủ đô đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân (Ảnh: T.L)

Đồ án cũng chưa làm rõ được trung tâm hành chính của thủ đô Hà Nội sẽ đặt ở đâu, thưa ông?

- Đây cũng là vấn đề còn có ý kiến góp ý. Hiện nay, HN mong muốn trung tâm hành chính của thủ đô đặt ở khu vực Hồ Gươm, gần tượng đài Lý Thái Tổ hiện nay, nhưng vị trí này là quá chật hẹp và không còn quỹ đất để xây dựng một trung tâm hành chính xứng tầm với một thủ đô đã mở rộng và phát triển với quy mô lớn hơn rất nhiều. Vì vậy, vị trí để xây dựng một trung tâm hành chính mới của HN có thể là khu vực tây Hồ Tây là phù hợp. Trung tâm hành chính của thành phố hiện nay nên chuyển là trung tâm hành chính của quận Hoàn Kiếm, hoặc là khu chức năng thương mại của thành phố.

Sau cuộc họp hội đồng thẩm định ngày 7/9, hội đồng sẽ đưa ra ý kiến cuối cùng như thế nào để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thông qua đồ án quy hoạch HN?

- Từng thành viên hội đồng thẩm định sẽ phải có ý kiến bằng văn bản để hội đồng tập hợp thành một văn bản chung gửi Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến, văn bản cuối cùng sẽ được thông qua để trình Thủ tướng vào cuối tháng 9 này.

Xin cảm ơn ông.

Quỳnh Trang (thực hiện)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 3193 khách Trực tuyến

Quảng cáo