Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Đối thoại Hà Nội - Thành phố hướng tới... âm thanh

Hà Nội - Thành phố hướng tới... âm thanh

Viết email In

Scott Ezell là một nghệ sĩ đa tài: anh là nhà văn, nhà thơ, họa sĩ và nhạc sĩ. Là người Mỹ thế nhưng Hà Nội lại là nơi Scott Ezell lựa chọn để sống, trải qua những thử nghiệm mới và khơi gợi cảm hứng sáng tác. Với mỗi nước từng đến, Scott Ezell lựa chọn loại hình sáng tác sao cho phù hợp, và ở Hà Nội - nơi anh đặt cho cái tên riêng “thành phố âm thanh” - là nơi anh chơi và sáng tác nhạc.

Ezell bắt đầu câu chuyện khi tranh thủ thời gian rảnh giữa lúc đang tập đàn (để tham gia CAMA (*) và kết thúc câu chuyện sau khi CAMA kết thúc (8/5):

* Ezell này, trong chương trình CAMA, anh chơi loại nhạc gì đấy?

- Tại Festival CAMA, tôi biểu diễn cùng Vũ Nhật Tân tại lều dành cho DJ. Theo tôi, Tân là một trong những nhà sáng tác nhạc giỏi nhất châu Á ở độ tuổi còn trẻ, mới đây đã được mời viết một bản nhạc cho Đại học California, tại đó nhạc của anh đã được biểu diễn và ghi âm ở Los Angeles. Tại CAMA, Tân đã chuẩn bị một loạt nhạc điện tử, và tôi chuẩn bị hợp tác với anh trong việc ứng tác với nhạc của anh, bằng cây đàn guitar acoustic của tôi. Với tôi, kiểu hợp tác này bao gồm cả cách thức “công nghiệp” và “hữu cơ”, và đặc biệt phong phú bởi vì Tân và tôi thuộc hai nền văn hóa khác nhau, có nền tảng hoàn toàn khác nhau. Tôi thấy rất vinh dự vì được mời chơi nhạc ở một sự kiện như Festival CAMA, và Festival Bridge of Sound (Cầu âm thanh), cùng một số nhạc sĩ thể nghiệm giỏi nhất Việt Nam. Chúng tôi đã từng thực hiện nhiều buổi diễn tương tự, và một trong những bản thu âm của chúng tôi được một nhà phân phối âm nhạc Mỹ phát hành. Vì ngày nay rất nhiều âm nhạc được sản xuất theo lối điện tử hoặc máy móc, tôi gần như chỉ chơi các nhạc cụ acoustic, nhằm diễn đạt thứ âm nhạc chỉ có thể được tạo ra với cơ thể tôi, tâm trí tôi, và với các chất liệu hữu cơ như gỗ, tre, và thép, mà không có chút can thiệp hay biến đổi nào của máy vi tính.

* Trong hành trình nghệ thuật của mình, tại sao anh chọn Hà Nội để sống và sáng tác?

- Tôi quan tâm tới cách biểu hiện sáng tạo đa văn hóa. Do quan hệ văn hóa và lịch sử giữa Mỹ và Việt Nam, tôi luôn muốn khám phá phong cảnh và văn hóa nơi đây. Tại Hà Nội, tôi có thể khám phá văn hóa Việt Nam và cùng lúc khám phá văn hóa của chính tôi. Với tôi, Hà Nội vừa có tính chất gợi tình vừa có tính chất công nghiệp. Tác phẩm của tôi thường xuyên khám phá hai khía cạnh ấy của trải nghiệm con người, và ở Hà Nội chúng gần nhau hơn bất kỳ nơi đâu nay khác mà tôi từng sống. Ở Hà Nội, chúng ta trải nghiệm một thực tế công nghiệp, giữa hàng nghìn thứ động cơ, và cùng lúc ấy chúng ta lại rất gần gũi với những cơ thể khác, làn da của những người khác. Không thể tách biệt phương diện công nghiệp và hữu cơ. Mà “công nghiệp” và “hữu cơ” không thể được tách biệt ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới nữa, vì cuộc sống hữu cơ của chúng ta dựa trên các chất hóa học, dầu hỏa, và máy móc, nhưng tại Hà Nội chúng ta trải nghiệm hai cái đó đồng thời, cùng một lúc.

* Anh đã chạm đến một chuyện thú vị, đó là thực tế “công nghiệp”, và liên quan đến việc sống giữa các luồng âm thanh của Hà Nội. Trong cuộc chuyện trò trước đây, anh tỏ ra thích thú khi nhắc đến âm thanh ở Hà Nội và cho rằng nó khác lạ. Vậy anh nhận ra sự khác lạ của âm thanh Hà Nội từ khi nào? Và nó có khác biệt gì với âm thanh của Mỹ hoặc của các nước/ vùng miền trên thế giới mà anh từng đến?

- Mỗi địa điểm là một trường âm thanh độc nhất, cũng như mỗi địa điểm là một phong cảnh duy nhất. Các âm thanh của Hà Nội khác với những nơi khác, giống hệt như là các tòa nhà và đường phố Hà Nội khác với những nơi khác. Để nghe hay cảm sự khác biệt này, bạn chỉ cần mở rộng đôi tai và mở rộng tâm trí. Tại Hà Nội cuộc sống và không gian rất chật hẹp, thành thử các âm thanh dày đặc. Những giọng nói, tiếng động cơ, côn trùng, chim, đài radio, mọi thứ va đập vào nhau vào mọi lúc ở ngoài phố. Trường âm thanh của Hà Nội là loại trường âm thanh có tính chất bão hòa nhất mà tôi từng biết, hơn nhiều so với ở Mỹ hay châu Âu, thậm chí còn hơn các thành phố châu Á khác. Âm thanh giống như là một cấu trúc của Hà Nội, trong không khí có cả những “thành phố âm thanh”.

* Vậy anh đã bao giờ nhắm mắt để cảm nhận các trường âm thanh của Hà Nội chưa? Và nếu đã từng, anh nghe thấy những gì vậy?

- “Nhắm mắt” thì cũng giống mất điện, khi buổi tối điện bị cắt và mọi thứ đen kịt lại. Những khi đó Hà Nội thật im lìm, chỉ còn lại các âm thanh con người và thiên nhiên, như tiếng những giọng nói im lặng, hay gió và nước, những thứ luôn luôn tồn tại ở dưới đáy của trường âm thanh nhưng thường thì chúng ta không nghe thấy.

Ở Hà Nội, tôi nghe tiếng động cơ và tiếng đập trái tim của chính tôi. Tôi cũng nghe thấy các giọng nói những người bạn tôi, và các giai điệu của âm nhạc truyền thống. Tôi nghe thấy tiếng rì rì của tủ lạnh và máy điều hòa nhiệt độ. Tôi nghe thấy tiếng Việt. Tôi không nghe nhạc pop, không nghe âm thanh tivi, karaoke, hay nhạc phương Tây. Tôi nghe thấy điện thoại của tôi khi nó đổ chuông.

* Âm thanh nào làm anh thấy rung động nhất?

- Tôi nhạy cảm nhất với các loại âm thanh khởi đầu trong tâm trí hay cơ thể chính tôi. Với tôi viết nhạc không có nghĩa là xuất phát từ các nguồn bên ngoài. Môi trường này bị biến đổi bởi làn da, máu chảy trong người tôi, chúng biến thành các loại âm thanh mà tôi nghe như là nhạc. Các âm thanh ấy là những hạt giống mà tôi gieo trồng cho mọc lên thành những bài hát. Nhạc không phải sự truyền đi của âm thanh, mà là một sự chuyển hóa của âm thanh.

* Vậy còn cảm hứng sáng tác thì sao? Âm thanh nào mang chúng đến cho anh? Anh có tác phẩm nhạc nào liên quan đến âm thanh của Hà Nội không?

- Mối quan hệ âm nhạc của tôi với Hà Nội mang tính chất “gợi tình” và “công nghiệp”. Tôi đã viết hai loại nhạc ở Hà Nội. Thứ nhất là “gợi tình”, được tôi diễn tả qua những bài hát tình yêu hết sức đơn giản, thuần khiết. Những bài hát ấy là về tình yêu, sự lãng mạn, ham muốn, và sự âu yếm. Loại thứ hai, “công nghiệp”, dùng hình thức nhạc thể nghiệm rất ồn mà tôi biểu diễn và thu âm cùng các nhạc sĩ Việt Nam như Vũ Nhật Tân. Loại nhạc thứ hai này là 100% ứng tác - đó là một biểu hiện của bản năng và đi thẳng từ cơ thể tôi ra, không hề có ngăn cách gì bởi suy nghĩ, hay việc lên kế hoạch.

* Cho tôi tò mò chút nhé? Chưa hiểu tiếng Việt, làm sao anh cảm nhận được âm thanh ở Hà Nội một cách tốt nhất?

- “Âm thanh” và “ngôn ngữ” tách biệt với nhau. Mọi cảm giác đều bắt đầu bằng một ham muốn. Tôi có ham muốn cảm thấy và trải nghiệm Việt Nam, và Hà Nội. “Cảm thấy” cũng đòi hỏi không gian. Tâm trí của tôi càng trống rỗng thì trải nghiệm của tôi về bất kỳ nơi chốn nào càng phong phú hơn. Tôi cố làm sao để càng có nhiều thời gian rảnh rỗi càng tốt, đồng ý với mọi lời mời về trải nghiệm, và lắng nghe những gì các bạn tôi nói.

* Cảm ơn anh và chúc anh sáng tác được nhiều tác phẩm hay khi sống ở Hà Nội. 

Việt Quỳnh (thực hiện)

(*) CAMA: Festival Âm nhạc Từ thiện, được thực hiện với sự hợp tác với Dance4life, một tổ chức quốc tế năng động luôn gắn kết và giao lưu với các bạn trẻ nhằm phổ biến một thông điệp mạnh mẽ chống lại sự lây lan của virus HIV cũng như các ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch AIDS. Dance4life sử dụng chính ngôn ngữ của vũ đạo, âm nhạc, và chính những người trẻ có sức ảnh hưởng để thu hút và khuyến khích các bạn trẻ bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình hãy tìm hiểu nhiều hơn nữa về HIV/AIDS, các quyền về sức khỏe sinh sản và tình dục an toàn. CAMA bắt đầu hoạt động ở Hà Nội từ 2005,d dã đưa 20 ban nhạc và DJ đến đây (HanoiGrapevine và SOI). 
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1829 khách Trực tuyến

Quảng cáo