Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Tương tác Đối thoại Trùng tu là lưu giữ quá khứ

Trùng tu là lưu giữ quá khứ

Viết email In

Một phần câu chuyện về quá trình bảo tồn và trùng tu các họa tiết trong cung An Định sáu năm qua đã được tái hiện trong cuốn sách bằng ba thứ tiếng Việt - Anh - Đức mang tên An Định - báu vật tiềm ẩn của Huế.

Cuốn sách do Bộ Ngoại giao CHLB Đức, Đại sứ quán CHLB Đức tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế - VN, Tổ chức Bảo tồn di sản văn hóa - CHLB Đức, Dự án bảo tồn - trùng tu và đào tạo Đức cùng các học viên VN tại Huế tài trợ và tham gia. Cuốn sách vừa được Viện Goethe giới thiệu tại Hà Nội ngày 6-5 và sẽ tiếp tục được giới thiệu tại Festival Huế 2010.

Từ câu chuyện về cung An Định, bà Andrea Teufel (ảnh bên) - giám đốc Dự án bảo tồn - trùng tu và đào tạo Đức tại VN (do chương trình Bảo tồn văn hóa của Bộ Ngoại giao CHLB Đức tài trợ) - đã dành cho Tuổi Trẻ cuộc trò chuyện về nỗi lo lắng của bà trước những quan niệm không đúng về trùng tu tôn tạo.

* Thưa bà, bà nhận định thế nào về việc rất nhiều di tích tại VN đang được tân trang bằng những màu vôi mới?

- Quan niệm về trùng tu tại VN rất khác, đang tồn tại một “trào lưu” trùng tu gọi là “đập đi làm mới”! Nhưng làm mới là hoàn toàn sai kỹ thuật bảo tồn: không chỉnh sửa phần nguyên gốc để có sự so sánh. Khi bắt tay vào phục chế cung An Định, có ý kiến góp ý với chúng tôi: “Sao trùng tu mà không thấy thay đổi nhiều, không đẹp lên cũng không mới hơn?”. Tôi hi vọng có sự chuyển biến quan điểm từ các bạn!

Xin nhớ rằng các di tích truyền tải những thông điệp của quá khứ, mục đích của trùng tu là lưu giữ quá khứ ấy. Chỉ với sự tôn trọng tình trạng nguyên gốc, chúng ta mới truyền lại cho thế hệ mai sau giá trị chân thực, tiêu biểu nhất mà các di sản chung mang lại cho nhân loại. Đương nhiên mọi quy trình phải được chứng minh chính xác bằng tài liệu nhằm đảm bảo các yêu cầu khoa học, nếu không có nguồn tài liệu lịch sử đáng tin cậy, công tác phục chế sẽ bị hạn chế.

* Tại VN, nhóm chuyên gia của bà đã có được kinh nghiệm đắt giá nào trong việc phục chế?

- Với các công trình tu tạo tại Huế chúng tôi dùng không nhiều tiền mà có kết quả lý tưởng, đây chính là bài học mang tính điển hình cho nhóm chuyên gia! Trong thời gian thực hiện dự án phục hồi sáu bức tranh tường lớn tả cảnh lăng mộ các vị hoàng đế triều Nguyễn, chúng tôi phát hiện có thể màu dùng để vẽ các bức tranh này được làm từ nhựa cây sơn ở VN trộn thêm ít sáp ong. Hay chiếc cổng ở lăng Tự Đức được làm bằng vôi vữa truyền thống, gồm mật mía, vôi và cát.


Nhiều bàn tay phục dựng tranh tường và trần cung An Định: những mảnh vữa bị bong tróc được xử lý và chỉnh sửa hoàn toàn - Ảnh: gcrep.org

Áp dụng những phương pháp bảo tồn của châu Âu trên những vật liệu truyền thống có độ bền, giá thành rẻ của VN là một kinh nghiệm trùng tu quý giá! Đến nay cung An Định không xảy ra một sự hư hỏng nào, miễn nhiễm với tất cả cuộc tấn công của vi sinh vật, màu không bị bong, kết quả khả quan.

Thời gian tới, chúng tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm những di tích có nét đặc trưng nhất để bảo tồn. Có hai vấn đề hiện nay nhóm tôi đang quan tâm là: rễ cây lớn đang xâm hại các di tích và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến các di tích.

* Theo bà, VN cần làm ngay điều gì để hỗ trợ công tác trùng tu di tích của đất nước?

- Các bạn có quá nhiều công trình cần tu tạo! Ngay khi tới VN chúng tôi đã thúc giục phía VN song song công tác bảo tồn này phải có một chương trình đào tạo, diễn ra trên nhiều quy mô. Hiện nay chúng tôi chỉ đào tạo quy mô nhỏ là 15 người. Đã đến lúc VN cần có bộ môn hay chuyên ngành về bảo tồn và phục dựng các danh thắng của đất nước, coi đây là một ngành kỹ thuật từ bậc đại học trở lên. Trùng tu - công việc lem luốc vất vả đấy nhưng đòi hỏi rất nhiều kiến thức chuyên sâu về khoa học tự nhiên, vật liệu xây dựng, lịch sử nghệ thuật...

Trong quá trình làm việc, nhóm chúng tôi đã tự viết một cuốn cẩm nang truyền tay gửi lại cho tất cả học viên VN, hi vọng đây là tiền đề rất tốt cho tương lai. Nhưng điều tôi lo lắng nhất là khi chúng tôi đi rồi, liệu mọi thứ ở đây có quay trở về cách làm việc cũ? Những kiến thức học viên học được có thể giúp họ nhìn thấy ngay vấn đề và kịp thời can thiệp. Nhưng quan trọng là phải làm sao để tiếng nói của họ có trọng lượng hơn với các cơ quan có trách nhiệm.

Cứu cung điện đẹp nhất một thời

Như toàn bộ kinh thành Huế, cung An Định - một trong vài công trình của vua Khải Định hiện còn được bảo lưu tại VN - phải chịu áp lực xuống cấp qua nhiều thập kỷ. Năm 2003, nhóm chuyên gia phục chế Dự án bảo tồn, trùng tu và đào tạo Đức (GCREP) đến thăm cung An Định, phát hiện vẻ đẹp tráng lệ tiềm ẩn của nó. “Phải làm gì để cứu cung điện trước sự lan rộng của các hư hại?”, cuộc trùng tu bắt đầu sau trăn trở đó.

Trong sáu năm (2003-2008), nhóm chuyên gia GCREP đã tiến hành công tác phục chế theo tiêu chuẩn của UNESCO và Hiến chương Venice 1964 (Hiến chương quốc tế về bảo tồn, trùng tu di tích và di chỉ). Việc đầu tiên phải làm là bóc tách, làm sạch các bức tường, trần đã bị quét vôi một màu. Sau khi việc làm sạch thích ứng với khí hậu nhiệt đới VN, các chuyên gia mới gia cố những mẩu vữa bị mất, thay thế các dầm sắt đã bị ăn mòn, tiến hành phục hồi các họa tiết...

Công tác bảo tồn và phục hồi tranh tường, trần cung An Định của nhóm chuyên gia được sự hỗ trợ đắc lực của 15 học viên Huế và các vùng lân cận. Đây cũng là mục đích của dự án này, kết hợp công việc thực hành và truyền đạt lý thuyết cơ bản cho người bản địa. 

NGA LINH (thực hiện)
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2109 khách Trực tuyến

Quảng cáo