“Khu vực hồ Gươm phải trở thành trung tâm thương mại”

Thứ năm, 11 Tháng 3 2010 09:29 VnEconomy
In

Cuối tháng 2 vừa qua, việc UBND thành phố Hà Nội chấp thuận cho một doanh nghiệp lập dự án xây dựng trung tâm thương mại gần hồ Gươm đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Nổi lên trong đó là những quan ngại về việc nếu được triển khai, các dự án khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại... sẽ phá vỡ cảnh quan của khu vực xung quanh hồ Gươm, nơi vốn được mệnh danh là “trái tim của Thủ đô”.

Tuy nhiên, trái với những quan ngại trên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo (ảnh bên) đã khẳng định: mục tiêu chung của quy hoạch khu vực xung quanh hồ Gươm vẫn là xây dựng thành trung tâm thương mại, dịch vụ sau đó mới đến văn hóa, cây xanh...

Ông Thảo nói:

- Sau khi nhận được đề nghị của Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam về địa điểm thực hiện dự án xây dựng trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng cho thuê tại số 10 Trần Nguyên Hãn và tại 27 -29 phố Lý Thái Tổ, UBND thành phố đã giao cho các bộ phận liên quan xem xét, cân nhắc.

Đến thời điểm này, tôi có thể khẳng định là chúng tôi mới chỉ chấp thuận cho Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN) nghiên cứu lập dự án “trung tâm thương mại, khách sạn văn phòng cho thuê” tại địa điểm trên.

Tôi cũng lưu ý rằng, hiện quy hoạch khu vực xung quanh hồ Gươm chưa được phê duyệt. Do vậy, chỉ sau khi quy hoạch được thông qua, chúng tôi sẽ chọn tư vấn để phê duyệt quy hoạch chi tiết. Khi đó, thành phố mới quyết định các dự án được phép triển khai hay không triển khai.


Phương án của Liên danh "1+1>2" Group và Accademia Italia (Việt Nam / Ý) - Nguồn: Ashui.com

- Vậy tại sao Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam lại được phép nghiên cứu lập dự án, trong khi cách đây hơn 2 năm, thành phố đã không cho phép EVN xây trung tâm tài chính tại khu vực này?

Dự án trước đây của EVN bản thân tôi cũng đã có chỉ đạo là phải dừng ngay, chứ không phải là vì những ý kiến phản đối về mặt kiến trúc xung quanh Hồ Gươm của các chuyên gia cũng như của dư luận. Khi đó, UBND thành phố chỉ cho phép nâng cấp cải tạo trên cơ sở quy hoạch đã được duyệt.

Thực tế lúc đó, tất cả những dự án như: khách sạn Hà Nội vàng, trung tâm tài chính điện lực... thành phố đều không chấp thuận triển khai, vì chúng ta phải dựa trên cơ sở pháp lý mà chúng ta hiện có.

Tuy nhiên, sau khi xem xét một dự án nào đấy mà thấy nó phù hợp với định hướng chung của quy hoạch thì chúng tôi sẽ tính đến chuyện cho phép triển khai.

Vừa qua, do nhu cầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam nâng cấp, cải tạo khu đất phía sau (mặt đường Lý Thái Tổ) nên thành phố cũng đã xem xét. Về lý thuyết thì đó cũng là một nhu cầu chính đáng.  Chính vì thế, trên cơ sở nhu cầu của EVN, thành phố mới chỉ dừng ở mức độ cho phép nghiên cứu, chưa có một quyết định cụ thể nào cả.

- Nhưng có thông tin cho rằng, việc thành phố chấp thuận cho Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam nghiên cứu dự án là do phía tư vấn nước ngoài đưa ra?

Hoàn toàn không có chuyện đó. Hiện đang có 3 đơn vị tư vấn tham gia tuyển chọn quy hoạch chi tiết khu vực quanh hồ Gươm. Tuy nhiên, tôi khẳng định rằng, chắc chắn chúng tôi sẽ chọn tư vấn trong nước cho công việc này. Chúng ta có thể lấy ý tướng của nước ngoài. Nhưng việc của chúng ta thì phải do người của chúng ta làm.

- Vậy, hiện nay có công trình nào được xếp vào diện ‘ngoại lệ” trong khu vực Hồ Gươm hay không?

Theo quy định, khi chưa có quy hoạch chi tiết thì tất cả các dự án phải dựa trên định hướng của quy hoạch và phải được các cơ quan có thẩm quyền hoặc hội đồng thẩm định cho phép nghiên cứu.

Đối với tất cả các dự án, chúng tôi mới cho phép nghiên cứu chứ chưa quyết định cho triển khai hay không.

- Nhưng vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, thành phố không nên cho phép nghiên cứu triển khai trung tâm thương mại gần Hồ Gươm vì khu vực đó không phải quy hoạch cho mục đích thương mại và hạ tầng giao thông cũng đã quá tải?

Tôi xin khẳng định, trong định hướng quy hoạch thì chức năng chung của hồ Gươm vẫn là trung tâm dịch vụ, thương mại, trong đó có gắn với văn hóa, cây xanh.

Khi định hướng xây dựng công trình của Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam cũng phải theo định hướng là trung tâm thương mại. Ngay cả các ý tưởng đoạt giải về quy hoạch hồ Gươm trong thời gian qua cũng theo định hướng là trung tâm thương mại, chứ không phải là trung tâm... cây xanh.

Do đó, việc nghiên cứu lập dự án là trung tâm thương mại xung quanh hồ Gươm cũng không có gì là trái với mục tiêu chung. Xây bao nhiêu tầng, diện tích bao nhiêu là việc của doanh nghiệp, miễn là vẫn nằm trong giới hạn cho phép của quy hoạch chi tiết sau này.

Từ Nguyên (thực hiện) 

>> Quy hoạch hồ Gươm - việc đại sự không thể xem thường 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: