Làm thế nào quản lý hiệu quả tài nguyên nước của VN?

Thứ ba, 19 Tháng 1 2010 14:26 Báo Đất Việt
In

Các chuyên gia đến từ UNDP, Mỹ và Nhật Bản đưa ra nhiều khuyến cáo về quản lý hiệu quả tài nguyên nước của VN, bên lề Hội thảo Tài nguyên nước và Sự phát triển bền vững tại Hà Nội, ngày 19/1.

Ông Koos Neefjes, Cố vấn cao cấp về biến đổi khí hậu, Chương trình phát triển LHQ tại VN :

Quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam đã có những cải thiện trong vài năm gần đây. Với Chiến lược quản lý tài nguyên nước, Nghị định về quản lý lưu vực sông, Nghị định 80 và 120, hiện nay dự thảo chương trình mục tiêu quốc gia đang được xem xét sẽ giúp ích rất nhiều. Vấn đề quan trọng của VN là làm sao quản lý hành chính thành công. Các cơ quan quản lý tỉnh lỵ, địa phương cần phối hợp để cùng bàn về chiến lược quản lý tài nguyên nước, về cơ bản cần luật hóa vấn đề này.

VN cũng có thời gian dài phải đối phó với thiên tai và áp lực do thiên tai ngày càng tăng. Do vậy, yêu cầu đặt ra là VN phải tăng cường quản lý tài nguyên nước do dân số tăng lên, do các áp lực bên ngoài và do biến đổi khí hậu.

VN cần thúc đẩy sự phát triển luật pháp về vấn đề này, phát triển các kỹ năng nhằm đối phó với các thách thức đặt ra. Chính phủ cần hành động nhanh hơn. Các tổ chức cần phát triển hơn, hành động nhiều hơn, nhờ đó các quy định sẽ trở nên hiệu quả hơn, hợp tác cũng trở nên tốt hơn. Các cơ quan quản lý tài nguyên nước cần kết nối tốt hơn, đó là tài nguyên nước sạch, sông và biển.

Hiện, sự kết nối này chưa mạnh mẽ ở VN vì thiếu kế hoạch đặc biệt mang tính vĩ mô. Các ngành cần có trách nhiệm tham gia vào một kế hoạch chung về quản lý tài nguyên nước; cần có nhiều nghiên cứu chi tiết, ví dụ chi tiết về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật... VN cần đầu tư không chỉ cho hôm nay, mà cả tương lai. Ví dụ, để chống lụt ở Hà Nội và TP HCM, cần đầu tư kinh phí lớn. Hồi năm 2006, không ai nói đến biến đổi khí hậu nhưng hiện nay ai cũng nói đến điều này. Có nghĩa là chiến lược quản lý quốc gia cần phản ánh đầy đủ các bước trong kế hoạch đối phó với biến đổi khí hậu: nó ảnh hưởng như thế nào đối với sự quản lý tài nguyên nước vì còn diễn ra đến đời con cháu chúng ta. Đây là điều không thể tránh được.

TS Harue Masuda, ĐH TP Osaka, Nhật Bản :

Điều quan trọng nhất là chúng ta phải có sự đồng thuận của cộng đồng. Quản lý nước ở Nhật Bản, cụ thể vùng Osaka, theo kinh nghiệm thì điều quan trọng nhất là phải có sự đồng thuận của cộng đồng, mọi người có quyền sử dụng nước cho nhu cầu cá nhân, cho nông nghiệp... "Chúng tôi không phải trả tiền đê sử dụng, chúng tôi không phải mua mà cũng không được bán, nếu không sử dụng lượng nước dư thừa thì phải trả lại cho Nhà nước. Chính phủ quản lý nguồn nước một cách chặt chẽ", TS Harue Masuda nói.

Trong tương lai, VN cần có sự đồng thuận, nhất quán về sử dụng nước cho cá nhân và các nguồn nước bề mặt; cần xây dựng luật, khung pháp lý để quản lý nước, phân loại nước được sử dụng, sử dụng như thế nào và quản lý như thế nào. Ai là người có trách nhiệm quản lý. Với việc quản lý bằng luật, chính quyền địa phương phải tuân theo và quản lý theo khu vực.

TS Teofilo A. Abrajaro, Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ :

Tôi nhận thấy Chính phủ VN đã làm được nhiều điều về quản lý nước, có cấu trúc chuẩn, cách thức thu thập thông tin cũng đúng hướng, song vấn đề hiện nay là làm sao đánh giá được nguồn cung nước? Điều này khá phức tạp vì khí hậu đang thay đổi, dân số tăng, phân bố sử dụng nước cũng thay đổi. Do vậy, VN cần kiểm soát những thay đổi này để dự báo điều gì sẽ xảy ra. "Tôi nghĩ lúc này cần có các công cụ để đánh giá những thay đổi, phải thực hiện chính xác về mặt chính sách và trách nhiệm của xã hội nói chung", TS Teofilo A. Abrajaro cho biết.

Các chuyên gia chỉ có thể đưa ra những hiểu biết để cùng nhau xem xét, còn người dân mới là người sử dụng nguồn nước, đánh giá về hiệu quả. Biến đổi khí hậu gia tăng, mực nước biển cũng tăng, nguồn nước đang đứng trước thách thức lớn, nên chúng ta cần có các giải pháp mang tính kỹ thuật, cần có các giải pháp để kiểm soát ngập lụt. Chính phủ cần đầu tư nhiều để hiểu rõ về sự thay đổi của thiên nhiên và đó phải là một ưu tiên trong chính sách thay vì nói rằng “ồ, điều đó rất quan trọng”.

Cần phải lưu ý rằng, chúng ta nên xem xét sự khác nhau ở mỗi địa phương về tác động của biến đổi khí hậu, mỗi vùng có thách thức riêng và cần có các giải pháp riêng.

TS Mark Schmeeckle, Trường KH Địa lý, ĐH Arizona, Mỹ :

Các công trình thủy điện sản xuất ra điện nhưng cũng tác động đến sự ổn định của dân cư và có cả nguy cơ về ngập lụt; đồng thời, ảnh hưởng đến nguồn thủy sản và nông nghiệp dọc theo bờ sông của địa phương.

VN cần chú ý đến tác động của các đập thủy điện đến môi trường trong phát triển thủy điện, phải xem xét và dự báo về môi trường ở khu vực thượng nguồn và hạ nguồn. Ở Mỹ có đến 75.000 đập thủy điện và hiện nay, Chính phủ đang tìm cách giảm số lượng này, do tác động đến môi trường quá lớn.

Ngập lụt xảy ra khi sông bị áp lực từ chính nó, vì thế VN vừa phát triển thủy điện vừa phải có biện pháp kiểm soát ngập lụt, xử lý các vấn đề môi trường ở khu vực hạ nguồn.

Việt Anh (thực hiện)

>> Chiến lược và chính sách quản lý tài nguyên nước tại VN 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: