Sau gần 20 năm được xếp hạng Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia (2005 - 2024), Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) trở thành một “điểm sáng” về bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Với mục tiêu đưa Làng cổ Đường Lâm trở thành Di tích quốc gia đặc biệt, tiến tới được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Thành phố Hà Nội đang khẩn trương xây dựng Đề án “Đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ ở Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, giai đoạn 2024 - 2030, định hướng đến năm 2035”. Phóng viên Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo về đề án này.
Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo.
Nhiều năm trước, câu chuyện bảo tồn Làng cổ Đường Lâm đã thu hút sự chú ý của dư luận. Đến nay, công tác bảo tồn làng cổ đạt được kết quả như thế nào, thưa ông?
- Sau khi Quyết định số 6634/QĐ-UBND ngày 31-10-2013 của UBND thành phố Hà Nội về “Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ ở Đường Lâm, tỷ lệ 1/2000” được ban hành, UBND thị xã Sơn Tây đã phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc công bố rộng rãi quy hoạch trên. Đến nay, đại bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Đường Lâm nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa, giá trị, trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn di tích.
Năm 2014, sau khi Đề án “Đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây giai đoạn 2014 - 2016, định hướng 2017 - 2020" được ban hành, thị xã Sơn Tây đã tích cực triển khai thực hiện; tính đến hết năm 2020 đã thực hiện đầu tư 12 dự án với tổng mức đầu tư 147,729 tỷ đồng; đến năm 2021 đã bố trí được 134,485 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí tu bổ tôn tạo di tích là 63,387 tỷ đồng, bao gồm: Đầu tư bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ và lăng Ngô Quyền, đình Cam Thịnh, 39 miếu, điếm, giếng cổ. Riêng kinh phí tu bổ nhà cổ bị xuống cấp là 21,158 tỷ đồng, trong đó có 10 ngôi nhà cổ và 8/40 ngôi nhà cổ trên 100 năm được đề xuất trong đề án...
Việc bảo tồn di tích trong đời sống hiện đại vốn rất khó khăn. Với một “di sản sống” như Làng cổ Đường Lâm, công tác này hẳn cũng gặp nhiều thách thức, thưa ông?
- Vùng lõi di tích làng cổ có tính chất đặc thù là di tích “sống”, nơi cư trú, hoạt động mưu sinh của người dân bao đời và cũng là nơi tập trung đông du khách. Công tác quy hoạch bảo tồn di tích Làng cổ Đường Lâm hiện vẫn nặng về bảo tồn, một số quy định chưa giải quyết được mâu thuẫn giữa việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích, chưa phù hợp thực tiễn. Một số vị trí quy hoạch chồng lấn lên đất ở của người dân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thị xã đã xây dựng khu hạ tầng tái định cư cho người dân nhưng hiện còn vướng về cơ chế nên chưa thực hiện được, dẫn tới người dân không có quỹ đất để tái định cư khi có nhu cầu tách hộ...
Một số di tích, nhà cổ bị xuống cấp chưa được tu bổ, bảo tồn kịp thời do đa phần thuộc sở hữu tư nhân, tập thể. Các nhà cổ đã được tu bổ trong thời gian qua cũng thiếu tính đồng bộ, mới chỉ tập trung vào các hạng mục chính, còn các hạng mục phụ trợ chưa được quan tâm. Ngoài ra, khi người dân tại di tích tự tiến hành xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà ở, do không đủ kinh phí nên đã sử dụng nguyên vật liệu không phù hợp.
Hiện nay, thị xã đang xây dựng Đề án “Đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ ở Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, giai đoạn 2024 - 2030, định hướng đến năm 2035”, đây là sự tiếp nối của đề án giai đoạn 2014 - 2020. Mục tiêu, định hướng chính của đề án là gì, thưa ông?
- Đề án hướng tới công tác bảo tồn, tôn tạo di sản, gìn giữ giá trị truyền thống, đảm bảo sự phát triển bền vững. Một trong những mục tiêu quan trọng khác là tiến tới lập hồ sơ đề nghị xếp hạng Làng cổ ở Đường Lâm trở thành Di tích cấp quốc gia đặc biệt, hướng tới được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới; đưa du lịch thị xã Sơn Tây trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Làng cổ Đường Lâm và một số di tích trong thị xã trở thành những điểm đến hấp dẫn của Thủ đô và khu vực. Đường Lâm phấn đấu đến năm 2030 thu hút từ 150.000 - 200.000 lượt khách du lịch/năm, đến năm 2035 đạt 250.000 - 300.000 lượt khách/năm.
Trên cơ sở này, đề án tập trung vào nội dung bảo tồn và phát huy giá trị di sản vật thể và phi vật thể hoàn chỉnh của một ngôi làng truyền thống đồng bằng Bắc Bộ điển hình, bao gồm: Bảo tồn cấu trúc quy hoạch và không gian làng cổ, đặc biệt là làng lõi Mông Phụ; phục hồi một số yếu tố cấu trúc tiêu biểu đã bị mất như cổng làng, đường làng, ngõ xóm, kiến trúc nhà cổ, các công trình tôn giáo tín ngưỡng, các công trình di tích thể hiện lịch sử phát triển của làng xã...
Ngoài ra, đề án còn chú trọng đến việc bảo tồn cảnh quan ngoài làng, cây xanh, rặng tre, hình thái địa hình, đồng ruộng, rộc, cải tạo cảnh quan ao, hồ... để tạo “lá phổi xanh” cho thị xã, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Song song với công tác bảo tồn, việc phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch sẽ được triển khai như thế nào?
- Chúng tôi ý thức được rằng, bảo tồn không có nghĩa là “đóng băng” di sản, vì thế, công tác phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch là xu hướng phù hợp. Một trong những việc cần làm đầu tiên là xây dựng, tổ chức quản lý các không gian, điểm dịch vụ du lịch, thương mại, không gian kết nối. Theo đó sẽ chọn một số ngôi nhà ở vị trí phù hợp, tổ chức thành không gian văn hóa trải nghiệm để phục vụ du khách. Thực hiện thu hồi một số ngôi nhà, đất trong khu vực làng cổ Mông Phụ (các hộ dân tái định cư tại vị trí mới) để thực hiện bảo tồn thích nghi thành các bảo tàng nhỏ - nơi giới thiệu nghề thủ công và bán các sản phẩm truyền thống của Làng cổ. Tổ chức “Con đường thương mại” từ cổng thôn Mông Phụ - quảng trường trước đình Mông Phụ - Khu vực chùa Mía, đình Đông Sàng - cổng làng thôn Đông Sàng với các hàng quán bán sản phẩm địa phương phục vụ khách du lịch.
Lễ hội và các hoạt động tín ngưỡng là một trong những nét đẹp truyền thống được nhiều thế hệ người dân gìn giữ. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh và duy trì các hoạt động như giới thiệu nét đẹp truyền thống của Tết làng Việt; nâng cấp quy mô lễ giỗ vua Phùng Hưng và vua Ngô Quyền; tái hiện truyền thuyết thông qua việc xây dựng các chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn công nghệ 3D mapping...
Đường Lâm tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao, cụ thể là: Thiết lập các tuyến đi bộ tham quan Làng cổ gắn với không gian kiến trúc, cảnh quan, dịch vụ; hình thành mô hình cư trú và cách sinh hoạt xưa trong nhà cổ kết hợp với bảo tồn, phát huy giá trị nghề truyền thống và các giá trị văn hóa phi vật thể...
Để phát huy tối đa giá trị của Làng cổ Đường Lâm thì không thể thiếu sự liên kết với các khu di tích, cảnh quan khác của thị xã Sơn Tây như Thành cổ Sơn Tây, đền Và, Văn Miếu Sơn Tây, sông Tích... nhằm tạo thành các tour, tuyến đặc sắc.
Cuối cùng là việc phát triển kinh tế đêm tại Làng cổ theo định hướng chung của Thành phố và Đề án “Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong đó chú trọng đến mô hình giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm, biểu diễn văn hóa nghệ thuật để tăng sức hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế.
Trân trọng cảm ơn ông!
Mỹ An
(Hà Nội Mới)
- Lũ giảm nhưng ngập đô thị tăng ở ĐBSCL: vấn đề ở đâu?
- Doanh nghiệp Việt muốn tham gia dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam…
- Tái thiết đô thị Hà Nội: Tạo lập “cơ chế niềm tin” giữa ba bên
- TS Đinh Thế Hiển: Nhà ở xã hội nhìn từ góc độ cung – cầu
- Khắc phục ngập úng đô thị: Nguyên nhân và giải pháp
- Bắc Ninh: Cần bảo tồn, phát huy, phát triển những đô thị di sản
- Vai trò của quy chế quản lý kiến trúc trong bảo tồn và phát triển kiến trúc Việt Nam
- Việt Nam cần làm gì để đón nhận luồng vốn chuyển đổi xanh?