Mô hình thành phố trong thành phố: “Chiếc áo” thể chế và kỳ vọng phát triển bền vững

Thứ ba, 29 Tháng 3 2022 09:00 Người Đô Thị
In

LTS. “Thành phố trong thành phố” Thủ Đức hình thành đã hơn một năm với tổ chức bộ máy được thiết lập hoàn chỉnh. Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động, thành phố Thủ Đức lại vận hành như một chính quyền cấp quận, huyện. Trong khi đó, hiện có rất nhiều địa phương đang đề xuất áp dụng mô hình này. Huyện Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh ở TP.HCM; huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn ở Hà Nội; Hải Phòng cũng đề xuất thành lập TP. Thuỷ Nguyên...


TP. Thủ Đức trực thuộc TP.HCM trên cơ sở gộp ba quận: 2, 9 và Thủ Đức; có diện tích tự nhiên hơn 211,5 km2, dân số hơn 1,1 triệu người. (Ảnh: Minh Quân)

Từ câu chuyện muôn trùng vướng mắc cơ chế chính sách ở Thủ Đức, và các phân tích, gợi ý những vấn đề thể chế có tính nền tảng, Người Đô Thị thực hiện chuyên đề “Thành phố trong thành phố: “Chiếc áo” thể chế và kỳ vọng phát triển bền vững”.

Khách mời tham gia có bà Phạm Phương Thảo (nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM), ông Lê Minh Đức (Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM), Tiến sĩ Dư Phước Tân (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM).

Để những kỳ vọng lớn lao không “thoi thóp” trong muôn trùng vướng mắc

Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, nêu một vài suy nghĩ để những kỳ vọng lớn lao nơi thành phố mới không lâm cảnh “chửa trâu” kéo ghì hành lang phía Đông của Sài Gòn. Bà nói:

Thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết 1111 của Quốc hội chưa lâu, vừa đương đầu với phòng chống dịch Covid-19, vừa sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình mới, nhưng TP. Thủ Đức đã có nhiều cố gắng, tìm cách khắc phục và tháo gỡ những vướng mắc phát sinh, chủ động nghiên cứu đề xuất những cơ chế, chính sách phù hợp. Hiện nay, Thủ Đức đang đứng trước sự quá tải về hạ tầng kinh tế - xã hội, hệ thống giao thông trên địa bàn thiếu đồng bộ, kết nối chưa cao, chưa tạo động lực vượt trội, nếu không muốn nói còn là điểm nghẽn.

“Nghẽn cơ chế” vẫn trầm kha

TP. Thủ Đức được phác thảo là khu đô thị sáng tạo, tương tác cao, mô hình “thành phố trong thành phố” với 8 trung tâm quan trọng như tài chính, thể thao, giáo dục, sản xuất ứng dụng công nghệ cao... Bà nghĩ sao với ý kiến để thực hiện các kỳ vọng đó về mặt quản lý nhà nước, cần phải có một cấp chính quyền đô thị (CQĐT) đủ thẩm quyền, chủ động cao?

- Chủ trương về xây dựng CQĐT tại TP.HCM là đúng đắn, khoa học và đề án đã có từ những năm 2006 - 2007. Trong đó có mô hình Thành phố Đông, giờ là TP. Thủ Đức, hướng đến một mô hình CQĐT hoàn chỉnh, kiểu mẫu về hiệu quả quản lý nhằm nâng cao tính năng động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý và phát triển đô thị. Việc đổi mới mô hình tổ chức chính quyền phù hợp, quản trị hiệu quả, huy động được nguồn lực cho phát triển đang là vấn đề đặt ra đối với TP. Thủ Đức nhằm phát huy được vị trí, vai trò của Thủ Đức không chỉ đối với TP.HCM mà còn đối với các đô thị Vùng TP.HCM.

Trở lại thời điểm “thai nghén”, từ thực tiễn là một siêu đô thị nhưng mọi thứ TP.HCM đều phải áp dụng rập khuôn như các tỉnh nông thôn. Đô thị thì đòi hỏi chính quyền phải bớt nhiều tầng nấc để công tác điều hành, đưa ra các quyết định xử lý nhanh chóng, xóa đi những ranh địa lý khiến quản lý bị cắt khúc giữa quận này, quận kia.

Sau khi tổng hợp các vấn đề mới luôn phát sinh trước, nghiên cứu mô hình các nước, năm 2013, Đề án CQĐT TP.HCM lần đầu trình Bộ Chính trị. Một trong những điểm cốt lõi của CQĐT là phân cấp, phân quyền thật mạnh. Tuy nhiên, lúc đó chưa vận dụng được bởi hệ thống pháp lý, gồm Hiến pháp và các quy định pháp luật, không đề cập các vấn đề còn quá mới mẻ. Cuối cùng chúng ta chỉ được thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện và phường. Nay TP.HCM là địa phương đầu tiên thực hiện mô hình CQĐT “thành phố trong thành phố”.

Thế nhưng mô hình CQĐT cho Thủ Đức vẫn khác xa đề án cũ lẫn thực tế mới?

- Thường gắn với quyết định thành lập, sẽ có các cơ chế đi kèm cho TP. Thủ Đức. Nếu chưa có, thành phố phải chủ động đề xuất. Đây là một cấp chính quyền theo luật định nhưng để tạo điều kiện cho Thủ Đức hoạt động thì thẩm quyền thành phố thế nào, phân cấp ra sao phải cụ thể hóa, đầy đủ hơn.

Theo tôi biết, TP.HCM đang chuẩn bị đề xuất vấn đề này nhưng hơi chậm so với thực tiễn. Ngay cả TP.HCM được cho thêm một số thẩm quyền nhưng vẫn nặng xin-cho vì đến nay chúng ta vẫn chưa có luật cho CQĐT.

Ngay trong Nghị quyết 1111 vừa qua, Quốc hội cũng chỉ quyết nghị “sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện để thành lập TP. Thủ Đức thuộc TP.HCM”. Và trong phần tổ chức thực hiện có giao nhiệm vụ “Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quyết định hoặc trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP. Thủ Đức thuộc TP.HCM để thực hiện từ năm 2021”. Vậy đến nay, khung chính sách hoặc pháp lý nào đã được ban hành, thưa bà?

- Tính tới thời điểm này, chưa có khung chính sách, pháp lý nào được ban hành. Sắp tới Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM sẽ có nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ và một số cơ chế phát triển TP. Thủ Đức giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó sẽ có đề cập vấn đề phân cấp, phân quyền.

Lãnh đạo TP. Thủ Đức đánh giá Thủ Đức có đủ dư địa, không gian, dân số, tính chất hoạt động kinh tế xã hội, các thành phần để vận hành như một mô hình chính quyền cấp tỉnh. Từ đó, đề xuất thẩm quyền chung của TP. Thủ Đức tương đương chính quyền cấp tỉnh. Nhưng như vậy mối quan hệ hành chánh nhà nước giữa TP.HCM và TP. Thủ Đức cần được nhìn nhận thế nào?

- Các chuyên gia còn đề xuất mạnh hơn. Có người bảo nên cho TP. Thủ Đức mô hình “đơn vị hành chánh kinh tế đặc biệt”, nhưng theo tôi không cần thiết. Thật ra, chúng ta chỉ muốn vận dụng những gì đã quy định sẵn trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành là cấp tỉnh, để đề nghị áp dụng tương đương thôi. Tôi cho rằng Trung ương cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng tăng quyền tự chủ, tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương, khắc phục cơ chế xin-cho. Việc gì giao cho cấp nào thì cấp đó tự quyết định và chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền được giao và khi giao thẩm quyền phải đi kèm chuyển giao nguồn lực cần thiết nhằm đảm bảo việc thực hiện.

TP. Thủ Đức hiện có dân số tương đương TP. Đà Nẵng, TP. Cần Thơ kèm nhiều thế mạnh như 15 trường đại học với 100.000 sinh viên, có Khu công nghệ cao, cảng Cát Lái... nhưng địa vị pháp lý tương đương đơn vị hành chính cấp huyện là không phù hợp. Thành phố cần cơ chế đặc thù tương đương đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Đối với mối quan hệ với TP.HCM, việc một đơn vị hành chính cấp tỉnh như TP. Thủ Đức chỉ mang tính thẩm quyền để vận hành, xử lý cho tốt. Chúng ta hiểu thẩm quyền tương đương, chứ không có chia tách gì cả. Nó vẫn là thành phố trong thành phố. Thẩm quyền gì của TP.HCM đã được trung ương giao thì vẫn giữ, cái gì thuộc thẩm quyền tương đương cấp tỉnh của Thủ Đức thì thực hiện.

Nhiều ý kiến cho rằng đến nay TP. Thủ Đức đang phải “mặc cái áo quá chật”, quan điểm của bà thế nào?

- Ngay cả khi chưa sáp nhập thì đã chật rồi. Từ khi là quận, rồi nhập ba quận, vẫn một “chiếc áo” thì quả quá chật. Vì đang phải hoạt động như một đơn vị hành chính cấp huyện, các phường ở TP. Thủ Đức không có HĐND, thành ra những vấn đề liên quan đến ngân sách rất chậm. Đây gọi là điểm nghẽn về cơ chế, một trong ba điểm nghẽn mà Trung ương từng đề cập cho cả nước (hai cái còn lại là nghẽn hạ tầng và nhân lực).

Lãnh đạo Thủ Đức đang đề xuất ưu tiên dành nguồn lực tài chính ngân sách để thực hiện đầu tư công. Khẩn trương phân chia tỷ lệ phần trăm ngân sách nhà nước của TP.HCM cho TP. Thủ Đức có nguồn lực đầu tư phát triển đúng định hướng. Xây dựng và triển khai thực hiện các đề án thí điểm tập trung nguồn lực, khai thác quỹ đất để đầu tư phát triển hạ tầng và tạo quỹ đất mới trên địa bàn; đề án thí điểm tiếp nhận và quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung; đề án sắp xếp lại doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đối với Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích các quận 2, 9, Thủ Đức thành Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích TP. Thủ Đức; đề án thí điểm TP. Thủ Đức được mời gọi đầu tư, ký kết các hợp đồng theo hình thức PPP và đề án phát hành các loại hình trái phiếu chính quyền địa phương hoặc trái phiếu công trình để tạo nguồn lực phát triển hạ tầng tại Thủ Đức ở mức quy mô dự án nhóm B, C.

Ngoài ra, còn có đề án thí điểm giao cho Chi cục Thuế TP. Thủ Đức thực hiện công tác quản lý thuế đối với tất cả doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, trừ doanh nghiệp vốn nước ngoài và đề án giao UBND TP. Thủ Đức phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở ngành đề xuất thí điểm thực hiện quy trình nhanh về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trình UBND TP.HCM.

Ở đây phải thấy, quá trình thí điểm TP. Thủ Đức mà có được cơ chế, thẩm quyền đầy đủ cho phát triển thì tạo ra tiền đề tích cực cho những quận huyện khác. Nếu Thủ Đức thành công thì những “thành phố trong thành phố” sắp tới sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Cần tư duy quản lý theo ngành dọc

Như bà cho biết, Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM sẽ có nghị quyết và UBND TP.HCM sẽ có các quyết định về việc phân cấp, ủy quyền một số nội dung thuộc thẩm quyền của TP.HCM cho TP. Thủ Đức. Theo bà, việc phân cấp, ủy quyền đó cần như thế nào mới có thể mở đường cho TP. Thủ Đức phát triển như kỳ vọng?

- Vấn đề quan trọng là tư duy phải chuyển đổi nhiều hơn nữa. Ngay như TP.HCM được phân cấp, ủy quyền được một số lĩnh vực, nhưng mà nói đến phân cấp, phân quyền thì chưa, thực tế vẫn còn xin nhiều lắm. Từ phía thành phố, nhiều lĩnh vực thành phố ủy quyền cho quận nhưng phân quyền để tạo sự chủ động thì chưa. Nhiều chuyên gia thậm chí cho rằng nên phân cấp mạnh đến mức TP.HCM có cái gì thì phân cấp cho TP. Thủ Đức cái đó, nhất là các lĩnh vực kinh tế. Nghiên cứu một số nơi trên thế giới, thấy phân cấp thế nào thì địa phương hoạt động theo thẩm quyền phân cấp đó. Tôi nhắc lại cái chính là tư duy.

Để TP. Thủ Đức có đủ không gian, chính sách phát triển như vốn có, theo bà, cần có thêm tư duy bứt phá nào nữa?

- Để cho bộ máy thành phố vận hành trơn tru thì nên suy nghĩ hướng quản lý theo ngành dọc. Có rất nhiều vấn đề đang cần được quản lý theo ngành dọc ví dụ liên quan đến hạ tầng, giao thông, xây dựng, điện nước, y tế, giáo dục… chứ đừng cứng nhắc quản lý theo các cấp chính quyền như hiện nay. Cái gì thuộc Thủ Đức giao cho Thủ Đức. Cái gì đã phân cấp để Thủ Đức tổ chức xử lý thì trên TP.HCM không xử lý nữa. Đến lượt các phường của Thủ Đức cũng không xử lý nữa mà các ngành chức năng của thành phố này sẽ xử lý.

Mình phân cấp cho nó luôn được không? Cái gì thuộc TP. Thủ Đức về hạ tầng và tất cả các mặt giao cho TP. Thủ Đức quản lý theo ngành dọc. Cấp phường tại Thủ Đức chỉ quản lý hành chánh thôi, không tham gia những giải quyết các lĩnh vực đã có ngành dọc quản lý. Điều này giống một trong những đặc trưng của CQĐT, cấp chính quyền địa phương chỉ là đơn vị quản lý hành chánh và làm một số dịch vụ công. Ngay cả các dịch vụ công, chúng ta cũng có thể xã hội hóa, chứ nhà nước không nên ôm hết. Như thế khi đã giao thì chỉ cần một “địa chỉ” chịu trách nhiệm thôi, đừng các cấp cùng chịu trách nhiệm như hiện nay.

Ông Lê Minh Đức - Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM:

Các huyện nên cân nhắc mô hình “thành phố trong thành phố” đang thí điểm cho Thủ Đức

Hiện các huyện Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi đã và đang đô thị hóa rất nhanh, dân số tại các địa phương này có khi bằng dân số một tỉnh miền cao. Mỗi địa phương này đều có đặc thù riêng, thế mạnh riêng và vị trí chiến lược riêng. Vì vậy, để tạo sự đột phá trong phát triển tại địa phương, TP.HCM luôn tìm tòi và đổi mới tư duy sáng tạo, từ đó xây dựng mô hình quản lý, cơ chế quản lý, cơ chế phân cấp, ủy quyền phù hợp, hiệu quả hơn nhằm khai thác có hiệu quả các nguồn lực và những thế mạnh của địa phương, để tạo các cực tăng trưởng mới cho thành phố.

Do vậy, việc huyện Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh hay Củ Chi có ý tưởng xây dựng mô hình “thành phố trong thành phố” là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, đây vẫn còn là mô hình mới mà thành phố đang thí điểm ở TP. Thủ Đức. Vì thế vẫn còn nhiều rào cản trong cơ chế, chính sách, cần khẩn trương nghiên cứu, đề xuất Trung ương ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù cho loại hình này phát triển bền vững.

Tiến sĩ Dư Phước Tân - Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM:

Nên lùi thời gian triển khai thêm “thành phố trong thành phố”

Theo tôi, việc đưa ra chỉ tiêu kỳ vọng TP. Thủ Đức đóng góp 30% trong mức tăng trưởng GRDP của TP.HCM là hơi cao, so với xuất phát điểm chỉ đạt gần 3% tại thời điểm sau khi sáp nhập 3 quận năm 2021. Do vậy, kiến nghị cần xây dựng lộ trình phù hợp, đi kèm ưu tiên nguồn lực và ban hành cơ chế chính sách đặc thù chưa có trong quy định, để chỉ tiêu đặt ra trở thành hiện thực.

Với mục tiêu đầy tham vọng đối với phát triển TP. Thủ Đức, cùng với tiềm năng khai thác là rất lớn, TP.HCM nên ưu tiên nguồn lực, tập trung phát triển cho Thủ Đức trong 10 năm tới. Hiện nay thành phố triển khai chủ trương chuyển huyện thành quận hoặc “thành phố trong thành phố” đối với 5 huyện ngoại thành, sẽ ảnh hưởng đến việc phân tán nguồn lực và ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển của TP. Thủ Đức, vốn sẽ là khu đô thị tương tác cao phía Đông thời gian tới.

Do vậy, chúng ta có thể lùi lại thời gian triển khai chủ trương chuyển huyện thành quận hoặc “thành phố trong thành phố”, hoặc chỉ chọn một huyện ngoại thành phù hợp nhất để tiếp nối công tác chuyển đổi, nâng cấp thành quận hoặc “thành phố trong thành phố”. Kế đến, trong cơ chế chính sách ưu đãi cho TP. Thủ Đức, phải tính đến sự hình thành của các thành phố sau này tương tự như Thủ Đức, để có cơ chế chính sách thực thi một cách nhất quán khi áp dụng về sau.

Quốc Ngọc thực hiện

(Người Đô Thị)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: