Thừa Thiên Huế: Gỡ vướng các dự án đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế

Thứ ba, 01 Tháng 3 2022 08:33 KTSG Online
In

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa thành lập 4 tổ công tác liên ngành đặc biệt về xúc tiến và hỗ trợ đầu tư do chủ tịch và các phó chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng. KTSG Online có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, xung quanh chủ trương này.


Một góc thành phố Huế nhìn trên cao.
(Ảnh: Hiếu Trương)

KTSG Online: Với việc thành lập cùng lúc 4 tổ công tác liên ngành, phải chăng tỉnh đang muốn thúc đẩy mạnh hơn thủ tục đầu tư để thu hút nhiều dự án, từng bước khôi phục kinh tế? 

Ông Nguyễn Thanh Bình: – Trong thời gian vừa qua, hầu hết các dự án trong và ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh đều chậm tiến độ. Đối với các dự án ngoài ngân sách, nguyên nhân của việc chậm tiến độ là do sự phối hợp giữa các sở ngành chưa đồng bộ, thiếu sự chặt chẽ dẫn đến việc doanh nghiệp khó tiếp cận đất đai, kéo dài thời gian tiếp cận đất đai của doanh nghiệp.

Đối với các dự án đầu tư công, do thủ tục đầu tư xây dựng còn phức tạp, vướng mắc và thời gian thực hiện công tác giải phóng mặt bằng kéo dài, bàn giao mặt bằng chậm trễ là một số nguyên nhân làm chậm quá trình giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh.

Vì vậy, mục đích của việc thành lập 4 tổ công tác là nhằm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ngoài ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách trên địa bàn theo danh mục các dự án đính kèm theo 4 quyết định thành lập các tổ.

Chúng tôi tổ chức rà soát, tổng hợp và chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan để giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án và giải ngân đầu tư công; đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan.

Mục tiêu cuối cùng là xử lý dứt điểm các vướng mắc các dự án trong và ngoài ngân sách đang gặp phải để đẩy nhanh tiến độ, với mục tiêu cao nhất là sớm đưa các dự án đi vào hoạt động để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập 4 tổ công tác liên ngành đặc biệt về xúc tiến và hỗ trợ đầu tư như trên.

Đối với các dự án ngoài ngân sách, đúng là tỉnh mong muốn thúc đẩy mạnh hơn thủ tục đầu tư, từng bước khôi phục kinh tế, tuy nhiên, quan điểm của tỉnh giai đoạn này khi thành lập 4 tổ công tác là nhằm thúc đẩy mạnh hơn thủ tục đầu tư phục vụ công tác “hỗ trợ đầu tư”.

Công tác xúc tiến đầu tư thời gian qua đã làm khá tốt, đã có nhiều nhà đầu tư lớn đến Huế với rất nhiều dự án trong đủ các lĩnh vực. Do đó, tạm thời giai đoạn này tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo cao nhất cho công tác hỗ trợ đầu tư đối với các dự án hiện hữu (bao gồm hai nhóm chính là nhóm dự án đã hoàn thành cấp phép đầu tư và nhóm dự án đang triển khai thủ tục kêu gọi đầu tư) để đẩy nhanh thủ tục, cải thiện hình ảnh về môi trường đầu tư của tỉnh và nhất là sớm đưa các dự án đã cấp phép đi vào hoạt động; sớm hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án đang kêu gọi đầu tư để khôi phục kinh tế và tạo đà phát triển cho các năm tiếp theo.

Công tác xúc tiến đầu tư các dự án mới (ngoài các dự án đang triển khai thủ tục kêu gọi đầu tư thuộc 4 danh mục tỉnh đã công bố theo 4 tổ công tác) vẫn được tiến hành song song.


Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
(Ảnh: Tư liệu)

Cụ thể trong năm 2022 này, Huế sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc những dự án trọng điểm nào?

– Như thông tin đã công khai, UBND tỉnh đã thành lập 4 tổ công tác liên ngành với 4 đồng chí lãnh đạo tỉnh làm tổ trưởng, mỗi tổ công tác sẽ gồm danh mục các dự án đi kèm để đồng chí tổ trưởng trực tiếp chỉ đạo theo ý nghĩa và mục đích như trên. UBND tỉnh phân loại danh mục thành 2 nhóm dự án.

Nhóm dự án đã hoàn thành thủ tục cấp phép đầu tư và nhóm dự án đang thực hiện thủ tục để kêu gọi đầu tư là các dự án còn lại trong các lĩnh vực phát triển đô thị, du lịch, công nghiệp, phát triển hạ tầng, công nghệ thông tin.

Quan điểm của Thừa Thiên Huế sẽ không phân biệt dự án trọng điểm và không trọng điểm, không có khái niệm dự án lớn nhỏ. Tất cả các dự án trong danh mục này đều sẽ được ứng xử như nhau theo mục tiêu chung là sớm đưa vào hoạt động đối với các dự án đã cấp phép đầu tư; sớm hoàn thành thủ tục kêu gọi đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư để tiếp tục triển khai thủ tục khác nhằm đưa vào hoạt động để phục hồi kinh tế, tạo đà tăng trưởng cho các năm tiếp theo.

Để có thể tháo gỡ và hỗ trợ hiệu quả, không “lấn sân” các bộ phận khác, theo ông cần có những điều kiện gì?

– Cách làm của tỉnh là một dự án đều tương ứng một kế hoạch do tỉnh ban hành. Mỗi kế hoạch sẽ bao gồm các bước chính về trình tự thủ tục, mỗi bước gắn với đơn vị chủ trì tham mưu và mốc thời gian tương ứng để hoàn thành nội dung công việc. Kế hoạch này do cơ quan đầu mối về đầu tư tham mưu (chủ yếu là Sở Kế hoạch và Đầu tư; đối với các dự án nằm ở địa bàn quản lý của Ban quản lý Khu Kinh tế và công nghiệp tỉnh thì ban sẽ tham mưu). Các kế hoạch đều có lấy ý kiến đủ tất cả các đơn vị liên quan để đảm bảo đồng thuận và khả thi trước khi trình UBND tỉnh ban hành làm cơ sở theo dõi, đôn đốc thực hiện.

Thành phần của tổ công tác ngoài tổ trưởng là các lãnh đạo tỉnh, tổ viên bao gồm tất cả trưởng đầu ngành của các cơ quan liên quan hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm; được sử dụng cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý để thực hiện nhiệm vụ của tổ công tác.

Tổ trưởng tổ công tác được sử dụng con dấu của UBND tỉnh, các tổ phó được sử dụng con dấu của cơ quan mình để điều hành các hoạt động của tổ công tác; Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của tổ công tác. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư – tổ phó thường trực chịu trách nhiệm phối hợp với tổ phó và các thành viên tổ công tác tham mưu, giúp tổ công tác cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ của tổ công tác; tham mưu tổ chức các cuộc họp định kỳ, đột xuất của tổ công tác; chủ trì họp tổ công tác và thực hiện một số nhiệm vụ khi được tổ trưởng tổ công tác phân công, ủy quyền; tổ chức kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc… tổng hợp và báo cáo tiến độ thực hiện, giải ngân cho tổ công tác để theo dõi, chỉ đạo định kỳ 2 tuần/1 lần.

Đối với dự án ngoài ngân sách, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế – tổ phó và thành viên tổ công tác có trách nhiệm phối hợp thực hiện, đề xuất, tham mưu, tổng hợp các nội dung làm việc của tổ công tác trong phạm vi nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý của cơ quan, đơn vị mình.

Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách, Sở Tài chính – thành viên tổ công tác có trách nhiệm phối hợp thực hiện, đề xuất tham mưu, tổng hợp các nội dung liên quan nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý.


Công viên dọc sông Hương, thành phố Huế đang được đầu tư bằng vốn đầu tư công để tạo cảnh quan cho người dân và du khách.
(Ảnh: Nhân Tâm)

Trọng tâm thu hút đầu tư trong năm nay của Huế là gì?

– Mục tiêu trọng tâm của Thừa Thiên Huế trong năm 2022 và các năm tiếp theo là Nghị quyết 54, phấn đấu đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó, năm 2022 sẽ là năm bản lề để tiếp tục phát triển trong những năm tới, với các trọng tâm về thu hút đầu tư như sau.

Tỉnh tập trung đẩy nhanh thủ tục đầu tư các dự án phát triển đô thị ở khu vực đô thị mới An Vân Dương, các khu đô thị mới trên địa bàn thành phố, thị xã Hương Thuỷ; các khu đô thị mới, các khu phức hợp đô thị du lịch ở huyện Phong Điền để sớm đưa huyện Phong Điền lên thị xã; các khu phức hợp dân cư kết hợp du lịch ven biển ở Hải Dương, thành phố Huế, ở xã Vinh An, Vinh Xuân, Vinh Thanh và Phú Diên thuộc huyện Phú Vang; ở Quảng Công, huyện Quảng Điền; ở Vinh Hiền, Giang Hải, huyện Phú Lộc để sớm hình thành các khu đô thị du lịch ven biển.

Du lịch ven đầm phá cũng là trọng tâm thu hút đầu tư. Các dự án xã hội hóa trong lĩnh vực văn hoá như các khu văn hoá đa năng ở đô thị mới An Vân Dương, Cầu Lim và bãi bồi Lương Quán thuộc dịa bàn thành phố Huế, Độn Sầm ở Hương Thuỷ; thí điểm xã hội hoá quyền khai thác di sản, di tích cố đô Huế để tăng thu ngân sách và góp phần quản lý bền vững di sản cũng là những nội dung quan trọng trong thu hút đầu tư của năm 2022.

Công nghệ thông tin, công nghiệp 4.0, nông nghiệp công nghệ cao cũng là những lĩnh vực trọng tâm để tập trung thu hút. Dự án phát triển cảng Điền Lộc, huyện Phong Điền để sớm hình thành trung tâm logistics ở phía bắc tỉnh Thừa Thiên Huế; phát triển các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để hình thành khu vực chuyên biệt về sản phẩm đặc sản nông nghiệp ở khu vực Phong Điền, Phú Lộc cũng là những trọng tâm trong công tác xúc tiến đầu tư của năm 2022.

Trong khi đó, tại địa bàn Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô và các khu công nghiệp, tỉnh tập trung tăng tỷ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp và khu kinh tế bằng việc thu hút các dự án sản xuất công nghiệp như khu liên hợp sản xuất công nghiệp kính, dự án sản xuất tấm nền sillicon, chíp bán dẫn, sản xuất hydrogen, nhà máy sản xuất dược phẩm; nhà máy sản xuất men frit; nhà máy gia công thạch anh Chân Mây; dự án trung tâm logistics Chân Mây…

Mục tiêu xúc tiến đầu tư 2022 của tỉnh Thừa Thiên Huế:

– Ngoài địa bàn khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh, cụm công nghiệp: Phấn đấu thu hút khoảng 20 dự án đầu tư trong và ngoài nước, tổng mức đầu tư đạt 20.000 tỷ, vốn thực hiện đạt 40%.

– Địa bàn khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh, cụm công nghiệp:

+ Phấn đấu thu hút vào khu kinh tế bình quân 5 – 8 dự án/năm, với vốn đăng ký bình quân 4.000 – 5.000 tỉ đồng/năm, vốn đầu tư thực hiện bình quân 6.000 – 7.000 tỉ đồng/năm, tăng gấp 3 lần so với giai đoạn trước.

+ Phấn đấu thu hút vào các khu công nghiệp bình quân 10 – 15 dự án/năm, với vốn đăng ký bình quân 3.500 – 4.000 tỉ đồng/năm, vốn đầu tư thực hiện bình quân 3.500 – 4.000 tỉ đồng/năm, tăng gấp 2 – 2,5 lần so với giai đoạn trước.

+ Phấn đấu thu hút được nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Phú Đa, Quảng Vinh.

+ Phấn đấu tiến tới 100% các khu công nghiệp có nhà đầu tư hạ tầng được đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung.

Nhân Tâm thực hiện

(KTSG Online)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: