Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Tương tác Đối thoại Quy hoạch đô thị: Bám riết tư duy đã bị phủ nhận

Quy hoạch đô thị: Bám riết tư duy đã bị phủ nhận

Viết email In

Quy hoạch đô thị luôn là nỗi trăn trở của các nhà hoạch định và mỗi người dân. Cuộc trò chuyện của Tuần Việt Nam với TS. Phạm Sĩ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN - trong chừng mực sẽ giúp độc giả có thêm góc nhìn về một số rào cản khiến cho chúng ta dù rất cố gắng nhưng vẫn lúng túng chưa có được những vùng đô thị đẹp.

"Tiêu diệt phố phường"

- Trong đánh giá lợi thế phát triển hệ thống đô thị VN, Bộ Xây dựng cho rằng có bốn nội dung: một là vị trí địa lý trong khu vực phát triển năng động; hai là khí hậu nhiệt đới thuận lợi cho phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, tài nguyên thiên nhiên thiết yếu; ba là nguồn nhân lực dồi dào, chăm chỉ, ham học hỏi; bốn là xã hội ổn định, quyết tâm chính trị. Ông có đồng ý về những điểm này?

TS. Phạm Sỹ Liêm (ảnh bên): Tất cả những cái đó thì nói tới nơi nào đúng với nơi ấy, cứ gì là vùng nào!

- Vậy có nên đặt lại vấn đề về những lợi thế để phát triển đô thị VN?

Mỗi đô thị có vị trí đặc thù, phải tìm hiểu vị trí đặc thù của mình là gì để phát huy.

Chẳng hạn, nói đến đặc thù của Hà Nội là hệ thống cây xanh mặt nước, hồ ao. Phải dựa trên đó mà có hướng phát triển riêng.

- Qua theo dõi nhiều năm, ông ấy việc chúng ta nhìn ra các lợi thế và biến lợi thế đó thành đặc thù đô thị như thế nào?

Trên thế giới, có một thời kì, thế giới ngả theo chủ nghĩa chủ nghĩa thực dụng/chủ nghĩa công năng - lấy cái hợp lý làm hàng đầu, không quan tâm bản sắc.

Nhưng từ cuối thế kỉ 20 đến nay, người ta đề cao vấn đề bản sắc - nói đến văn hóa, sinh hoạt tinh thần.

Trên thế giới có trường phái mới hình thành là "tân đô thị học", do một nhà báo Mỹ Jane Jacops - chủ bút của một tờ báo kiến trúc, khởi xướng. Bà viết cuốn sách rất nổi tiếng: "Sự  sống và cái chết của các thành phố lớn ở Mỹ" năm 1961, trong đó, phê phán cái tai hại của "đô thị học hiện đại" của Le Corbusier.

Những năm 1960, khi Mỹ đã bắt đầu phê phán trường phái này, thì để giải quyết vấn đề nhà ở cho dân, các nhà kiến trúc Liên Xô lại tôn vinh phái "đô thị học hiện đại". Phái này ủng hộ cách làm tiết kiệm, rẻ tiền, sinh ra hàng loạt khu nhà ở hộp, không cần mỹ quan, chỉ cần hiệu quả sử dụng.

Nguy nhất là họ đưa ra khái niệm "tiểu khu nhà ở" làm đơn vị cơ bản của đô thị. Ta học theo đó, làm các khu Kim Liên, Giảng Võ... Nó chủ trương khu chức năng là ở, không có làm việc, vui chơi, giải trí. Do đó, khu nhà ở trở nên buồn tẻ, con người ít giao tiếp với nhau.

Hiện nay xem lại, thấy rất tai hại.

Đáng tiếc là, bây giờ chúng ta vẫn đi theo những quan điểm đô thị học mà thế giới đã phủ nhận. Thế nhưng, bây giờ ngồi mà nói ra, người ta "xửng cồ" lên ngay. (!)

- Liệu trong sự  phát triển đô thị của ta đã có chuyển hướng nào đó?

Ta vẫn còn chịu những ảnh hưởng nặng nề của nếp cũ, chưa tiếp xúc được với tư tưởng mới. Vẫn là những lý luận cũ của Liên Xô mang về dùng cho đến nay.

Riêng cái nguyên lý tiểu khu nhà ở không có phố phường, Le Corbusier còn có câu rất "oai" là "chúng ta phải tiêu diệt phố phường". Ông cho là trong khu nhà ở không có giao thông quá cảnh. Thế nên ta mới thấy cảnh những con đường nhỏ đi ở các con đường xung quanh, do người dân đi nhiều thành quen.

- Để thay thế những tiểu khu nhà ở trước, hiện nay người ta xây dựng hàng loạt "khu đô thị mới đa chức năng". Đây có được coi là sự thay đổi tư duy về nhà ở trong đô thị?

Như thế không phải. Nói "khu đô thị mới đa chức năng", thì ngay cả tiểu khu nhà ở cũng là như vậy rồi, không cứ gì khu đô thị mới.

Nhiều khu đô thị mới của ta xây dựng mấy tòa nhà nối liền, thông nhau bởi một hành lang, chứ không phải khu hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng kĩ thuật và hạ tầng xã hội.

- Và cũng là một sản phẩm của chủ nghĩa công năng?

Đúng. Đó thực chất cũng chính là một tiểu khu nhà ở.

Khu đô thị bây giờ phải kết hợp phố phường. Khu đô thị mới mà chỉ đồng bộ về kết cấu hạ tầng thì chưa phải.

Ngổn ngang!

- Vậy theo ông, phát triển đô thị VN hiện nay nên dựa trên những quan điểm nào?

Về chiến lược phát triển đô thị VN, Ngân hàng Thế giới chia ra 4 độ đo:

Thứ nhất là an cư - làm thế nào để sống tốt. Bản sắc đô thị là ở đây.

Thứ hai là tính cạnh tranh. Đô thị không có tính cạnh tranh là vứt đi. Hà Nội cạnh tranh với ai? Hà Nội phải cạnh tranh với Hải Nam, Nam Ninh (Trung Quốc), chứ cạnh tranh gì với Hải Dương?

Ví dụ, Trung Quốc định biến Nam Ninh thành đầu cầu của họ đi vào cửa ngõ Đông Nam Á. Ở đó, họ xây dựng khu thương mại, hệ thống khách sạn, biệt thự để nguyên thủ các quốc gia đến thăm, khu vực đón tiếp khách quốc tế. Họ có chủ trương rất rõ ràng để tạo ra tính trạnh canh.

Thứ ba, là quản trị tốt.

Thứ tư, là tài chính vững chắc.

Tôi cho rằng, lấy bốn quan điểm đó áp dụng vào quan điểm phát triển đô thị hiện nay của VN là thích hợp.

- Lý thuyết là thế, nhưng nhìn vào thực tế, để mô tả một cách ngắn gọn về đô thị VN hiện nay, ông có thể đưa ra cái nhìn tổng quan ra sao?

Ngổn ngang! Đô thị VN hiện nay đang rất ngổn ngang, không đâu xong cả. Ở đâu cũng thấy đang xây, như thế thì không có đủ tiền đầu tư để làm hạ tầng đồng bộ, đến lúc mưa thì nước không có đường thoát, rác không có chỗ đổ, và nhiều hệ lụy khác.

Không thể phủ nhận sự phát triển lớn mạnh của đô thị VN, đóng góp vào sự phát triển chung, nhưng phải nói thành thực như thế.

Cố bám riết cái lỗi thời

- Riêng về năng lực quản lý đô thị, có điều gì khiến ông lo ngại?

Cái hiện nay dở nhất là quản lý việc thực hiện quy hoạch. Phải rất coi trọng việc thực hiện quy hoạch. Luật quy hoạch xây dựng của các nước chủ yếu nói về việc thực hiện quy hoạch, còn việc lập quy hoạch là vấn đề khoa học, kĩ thuật, ngày càng thay đổi.

Chẳng hạn, TP HCM có tư duy kì lạ là phủ kín quy hoạch chi tiết thành phố. Trên thế giới không ai làm thế. Quy hoạch là để phát triển. Khu nào giữ nguyên, bảo tồn thì làm quy hoạch xây dựng làm gì? Những nơi nào mình cần phát triển thì mới cần làm quy hoạch, nhưng mà chỉ quy hoạch đợt đầu. Còn giai đoạn tiếp theo thì xem xét tình hình lúc ấy.

Mà vấn đề thực hiện quy hoạch hiện nay lại gắn liền với khó khăn là giải phóng đền bù đất đai. Dự án càng to càng chậm. Mà chậm như thế thì còn quy hoạch gì? Tầm nhìn chỉ có bằng ấy năm, mà dự án thì chậm bằng tầm nhìn thì còn nói chuyện gì?

Việc quản lý đô thị cũng có vấn đề. Đô thị là một thể thống nhất. Ta chỉ nên có một hội đồng nhân dân của đô thị, không nên có quá nhiều cấp.

Người ta có thể làm việc ở quận này, làm việc, giải trí ở quận khác. Cho nên, mọi cơ sở hạ tầng đều cần được tổ chức thống nhất.

Sự phân cấp phức tạp cho thấy những ví dụ rất nực cười như: quận này gom rác đổ sang quận khác, bắc cống nước chảy ra quận khác.

- Có quan điểm nói rằng, trình độ quy hoạch của mình biểu hiện những điểm yếu thì nên mạnh dạn mời các nhà quy hoạch nước ngoài vào làm. Ý kiến ông thế nào?

Anh em làm quy hoạch của ta không yếu. Cái quan trọng là tư duy, mình đã học phải cái lỗi thời, thì bây giờ phải học cái mới. Học cái mới đâu có khó gì, nhưng phải chịu tiếp thu, chịu thay đổi, đừng cố bám vào cái mình đã biết.

- Xin cảm ơn ông đã dành thời gian trò chuyện.

Linh Thủy (thực hiện) 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1857 khách Trực tuyến

Quảng cáo