Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Đối thoại Mất mảng xanh vì... quản lý quy hoạch chưa chặt

Mất mảng xanh vì... quản lý quy hoạch chưa chặt

Viết email In

Quy hoạch phát triển mảng xanh đô thị ở TPHCM trong các năm qua đã bộc lộ khá nhiều bất cập. Không gian xanh của thành phố chẳng những không được tăng thêm mà trái lại đang ngày càng bị thu hẹp dần. TBKTSG Online đã phỏng vấn ông Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM về vấn đề này.

Xin ông cho biết tình hình phát triển mảng xanh đô thị của TPHCM hiện nay ra sao?

- Ông Nguyễn Trọng Hòa (ảnh bên): Trước tiên, một đô thị hiện đại, ngoài những công trình kiến trúc còn được tô điểm bằng cây xanh. Hay nói đúng hơn, cây xanh là "lá phổi" của bất kỳ đô thị nào, nó tạo không gian nghỉ ngơi, thư giãn, giải trí cho con người.

Nghiên cứu lại thành phố chúng ta ngày xưa, từ lúc mới hình thành với quy mô cho khoảng 100.000 dân, thì những khu vực ở quận 1, quận 3 hay khu Chợ Lớn được trồng rất nhiều cây xanh.

Trong quy hoạch trước đây, thành phố cũng bố trí nhiều mảng xanh cho đô thị trên cơ sở phát triển những ưu thế mảng xanh của Sài Gòn xưa. Thế nhưng, quy hoạch này đã bị ảnh hưởng rất nhiều, lý do là nhà nước gặp khó khăn về vốn đầu tư, việc phát triển mảng xanh chỉ được ưu tiên sau việc giải tỏa đất đai để xây dựng các công trình đô thị, nhà ở, đường sá… Vì thế, trong một thời gian dài các mảng xanh đã không được cải tạo, tu bổ và mở rộng.

Trước tình trạng không gian xanh đang ngày càng bị thu hẹp dần, mật độ cây xanh rất thấp, gần đây thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp phát triển mảng xanh bằng cách xã hội hóa, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia xây dựng công viên, vườn hoa; trích lại một phần quỹ đất xây dựng những công trình phúc lợi để phát triển thêm mảng xanh. Ngoài ra, thành phố cũng đã quyết định dành một nửa vỉa hè ở các tuyến đường chính đề trồng thêm cây xanh đường phố.

Theo quy hoạch chung, thành phố có đề ra tỷ lệ cây xanh bắt buộc chủ đầu tư các dự án khu dân cư phải thực hiện không, thưa ông?

- Hệ thống cây xanh có 3 cấp độ, gồm: cây xanh cấp thành phố, cây xanh cấp quận huyện và cây xanh khu dân cư. Riêng cây xanh khu dân cư thì có quy định tối thiểu phải đạt 3-4 m2 cây xanh/người.

Khi làm quy hoạch, tất cả các dự án đều phải có mảng xanh, thế nhưng khi triển khai thì các chủ đầu tư tự phân lô xây dựng nhà trên cả diện tích đất dành cho cây xanh. Một điều dễ thấy là rất nhiều dự án dân cư hiện nay sau khi người dân mua nhà lại không được cấp sổ đỏ. Một trong những nguyên nhân không cấp được sổ đỏ là do chủ đầu tư dự án đã làm sai quy hoạch, trong đó có việc không tuân thủ đúng quy hoạch dành cho cây xanh.

  • Ảnh bên : Khu "đất vàng" Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Thái Học (quận 1, TPHCM) (Ảnh minh họa: Lê Toàn)

Ông có đề xuất giải pháp nào để buộc các chủ đầu tư thực hiện đúng quy hoạch về phát triển mảng xanh chung?

- Vấn đề quan trọng ở đây chính là quản lý sau quy hoạch. Các quận huyện, ban ngành liên quan phải quản lý chặt để giữ đúng định hướng phát triển mảng xanh theo quy hoạch chung, nếu không thêm được cây xanh thì chí ít cũng kiên quyêt giữ lại mảng xanh hiện hữu. Ngoài ra, còn phải tìm nguồn vốn để đầu tư các mảng xanh quy mô lớn như công viên, vườn hoa công cộng...

Cách đây 4 năm, Sở Giao thông vận tải đã trình UBDN thành phố đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển mảng xanh đô thị giai đoạn 2015, định hướng đến năm 2025. Xin ông cho biết đề án này đến nay đã được phê duyệt hay chưa?

- Đề án phát triển mảng xanh của Sở Giao thông vận tải cách đây 4 năm lại nằm trong Quy hoạch chung phát triển đô thị của TPHCM. Quy hoạch chung này hiện đang được thành phố trình Chính phủ phê duyệt.

Đất để phát triển mảng xanh hiện nay hầu như rất khó kiếm. Ông có cho rằng TPHCM có khả năng đạt được chỉ tiêu phát triển mảng xanh từ 7–8 m2/người như quy hoạch không?

- Nếu ngay từ bây giờ, chúng ta kiên quyết quản lý sau quy hoạch, đặc biệt là "nói thì phải làm" thì mới có thể đạt được chỉ tiêu này. Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, thời gian qua chúng ta nói chứ không làm được.

Lưu ý là có thể đến năm 2020, thành phố sẽ có sự thay đổi lớn về cấu trúc nhà ở. Hiện nay, thu nhập của người dân còn thấp nên chấp nhận ở nhà mái tôn; nhưng khi đời sống khá lên, người dân phấn đấu mua nhà chung cư, căn hộ ở các khu dân cư, thì các khu nhà ổ chuột sẽ dần được giải tỏa. Nếu kiên quyết thì sẽ có đất để phát triển mảng xanh xen kẻ giữa các nhà chung cư cao tầng từ diện tích đất giải tỏa các khu nhà ổ chuột trước đây.

Nói cho dễ hình dung, một khu nhà ổ chuột như một cái container đề nằm, nay làm chung cư cao tầng theo kiểu dựng cái container này đứng lên, thì đất trống sẽ dành cho cây xanh. Tôi nghĩ, trước đây một khu dân cư 300 hộ dân sinh sống dàn trải là một khu phố, nay chúng ta có thể xây dựng một tòa nhà cao tầng với 300 hộ dân cũng sẽ hình thành được một tổ dân phố chẳng hạn. Như vậy, khoảng trống giữa các tòa nhà có thể tận dụng để trồng thêm cây xanh.

Tôi nhấn mạnh là phải kiên quyết quản lý chặt sau quy hoạch thì mới có thể bảo vệ và phát triển mảng xanh cho thành phố được.

Văn Nam (thực hiện) 

>> TPHCM: không gian xanh đang hẹp dần 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1535 khách Trực tuyến

Quảng cáo