Hệ sinh thái đô thị biển đa chiều nhìn từ dự án lấn biển Cần Giờ

Thứ bảy, 19 Tháng 12 2020 05:38 Người Đô Thị
In

Trao đổi với Người Đô Thị về xu hướng phát triển đô thị biển ở Việt Nam, PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi (nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản) cho rằng: “Đô thị biển không chỉ là đô thị mà phải là cực đô thị tăng trưởng trên không gian biển, phải là điểm nối kết các điểm cực tăng trưởng trong 3 mảng không gian biển, đảo và ven biển. Sự thiếu sót trong nhận diện quy mô của kinh tế biển đã làm mất đi giá trị cốt lõi của nó và ảnh hưởng đến cách nhìn nhận về đô thị biển...”.

Trả lời chất vấn của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) tại kỳ họp Quốc hội ngày 9/11 về dự án lấn biển Cần Giờ lập khu đô thị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà nói: “Tôi cho rằng đây là dự án phải làm ở mức cao nhất. Và khi thành công, đây có thể là dự án về kinh tế dựa trên hệ sinh thái tự nhiên hoàn hảo”. Là chuyên gia từng đề xuất quan điểm hệ sinh thái đô thị biển đa chiều với các cực phát triển trong không gian kinh tế biển, theo ông đâu là huyết mạch để một dự án kinh tế có thể “sống” trên hệ sinh thái tự nhiên của biển mà không gây hại?

PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi (ảnh bên): - Chiến lược hướng tới một nền “kinh tế biển xanh” đã được xác định, dù không phải sớm, để từ đó chúng ta có những quyết sách phát triển cụ thể, trong đó có công tác quy hoạch các đô thị biển (gồm đô thị ven biển, đô thị đảo và đô thị “thuần biển”). Khi quy hoạch không gian một đô thị biển phải tính đến “mối liên kết” giữa ba mảng không gian: không gian biển, không gian đảo và không gian ven biển. Đây là điểm khác cơ bản so với quy hoạch phát triển các đô thị “thuần đất liền”.

Sau khi đã định vị được “không gian đô thị biển” thì mô hình đô thị biển cụ thể ra sao là câu chuyện tiếp theo của các nhà chuyên môn, trước hết là các nhà kiến trúc và quy hoạch đô thị. Khi đó ta tránh được hội chứng “sao chép” (copy style) trong phát triển đôi khi vẫn gặp hiện nay, như cách “bê mảnh vỡ” nham nhở của một đô thị cũ ven biển áp đặt ra một hòn đảo có thiên nhiên hoang dã...

Thực tế hiện nay, đô thị biển ở nước ta mới thấy phát triển tập trung ở dải ven biển, chỉ là các đô thị ven biển, chưa có đô thị đảo và đô thị trên biển đúng nghĩa. Trong khi đã có một số quốc gia, ngoài phát triển các đô thị ven biển, họ có những đô thị đảo nổi tiếng từ những thế kỷ trước (ví dụ các nước khu vực Địa Trung Hải), đô thị trên các đảo nhân tạo, đô thị “nổi trên biển” gắn với cảng biển nổi, sân bay nổi... cũng đã và sẽ được xây dựng (các nước Trung Đông và Nhật Bản...).

Các dạng đô thị biển này được xây dựng ban đầu từ vốn tự nhiên và vốn con người, quá trình phát triển sẽ tích tụ dân số và tăng vốn xã hội... Do vậy, cũng có những giá trị đã hoặc sẽ bị đánh đổi bên cạnh những giá trị đặc thù còn tồn tại và những giá trị đặc hữu phải giữ lại. Và một dự án đô thị biển muốn “sống” được trên hệ sinh thái tự nhiên biển - ven biển thì chính nó phải trở thành một hệ sinh thái đô thị biển đa chiều, là một bộ phận không thể tách rời của hệ sinh thái tự nhiên.

Tại tọa đàm “Tổng quan hiện trạng đô thị biển Việt Nam và một số quan điểm về kiểm soát phát triển”, do Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Viện Nghiên cứu Kinh tế xây dựng và Đô thị, Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng và Người Đô Thị đồng tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam chưa có các khái niệm thống nhất về các loại đô thị đặc thù, trong đó có đô thị biển, nên không có công cụ để hoạch định phù hợp với các điều kiện địa lý đặc thù, dẫn đến không xác định được không gian nào ưu tiên phát triển, hạn chế phát triển, hay cấm phát triển.Từ đó xảy ra chuyện, cùng mang danh đô thị lấn biển nhưng có dự án được ủng hộ, dự án bị phản đối. Ông nghĩ gì về điều này?

- Đô thị biển, như tên gọi của nó, phát triển dựa vào biển thay vì dựa vào đất như các dạng đô thị trên đất liền thông thường. Cơ sở của đô thị biển, tùy theo vị trí của nó, phải là thế mạnh của kinh tế biển, kinh tế ven biển và kinh tế đảo (hiện vẫn còn gặp trở ngại do kinh tế biển được hiểu là kinh tế tổng hợp, bao gồm cả kinh tế của các xã, huyện ven biển, thậm chí tính cả kinh tế toàn tỉnh ven biển). Sự thiếu sót trong nhận diện quy mô của kinh tế biển đã làm mất đi giá trị cốt lõi của nó và ảnh hưởng đến cách nhìn nhận về đô thị biển, đặc biệt đô thị đảo - một loại hình không gian quan trọng trong không gian kinh tế biển. An ninh quốc gia, lợi thế cạnh tranh và khả năng hội nhập trên biển cũng theo đó bị đẩy lùi vào thị trường nội địa ngày một eo hẹp và bấp bênh.

"Một dự án đô thị biển muốn “sống” được trên hệ sinh thái tự nhiên biển - ven biển thì chính nó phải trở thành một hệ sinh thái đô thị biển đa chiều, là một bộ phận không thể tách rời của hệ sinh thái tự nhiên."

Chính những “áp đặt” cách hiểu chủ quan về tiềm năng không gian biển cũng dẫn đến những thiếu sót trong xác định quy mô và hình thái đô thị biển với ba loại hình đô thị cụ thể: đô thị trên biển (Ocean city), đô thị ven biển (Coastal city) và đô thị đảo (Island city). Trong đó, yếu tố biển phải được đưa vào trung tâm của bài toán phát triển đô thị đảo thay vì phát triển thuần túy dựa vào “chia lô, bán nền” trên đảo như một số “đô thị đảo đang phôi thai” hiện nay.

Đơn cử như Phú Quốc, dù là đảo lớn, nhưng giá trị thực sự của Phú Quốc nằm ở không gian biển với các hòn đảo vệ tinh, cách “đảo mẹ” từ 3 -10km, có những rạn san hô ngầm, các bãi cỏ biển với các quần xã sinh vật biển đa dạng, phong phú, cùng các bãi cát biển, gò ngầm dài ngắn khác nhau rất đẹp.

Chính các giá trị dịch vụ tự nhiên biển như vậy đã tạo cho đảo Phú Quốc sự hấp dẫn lạ thường. Sự hoang sơ của biển cả vẫn chưa được đánh giá đúng chân giá trị “biển bạc” của nó, mà các giá trị trước mắt của “đất vàng” vẫn hấp dẫn không chỉ các nhà đầu tư “nâu” mà còn cả một số nhà hoạch định chính sách và quy hoạch. Cách nghĩ, cách làm như thế sẽ hướng đến các quyết định lấn biển bằng mọi giá để tạo thêm quỹ đất, không hoặc ít chú trọng gìn giữ, bảo vệ các nguồn vốn và tài sản tự nhiên “giá trị để đời” của biển…


Vị trí dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ 2.870ha (trong đó sẽ lấn biển 2.718ha) nằm trên bờ biển của xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh thuộc huyện Cần Giờ (TP.HCM). Khoảng cách từ khu vực thực hiện dự án đến vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ là 18km, nằm kế cận vùng chuyển tiếp...
(Ảnh: Quỳnh Danh)

Trong quá trình phát triển các loại hình đô thị biển, tôi cho rằng nên công nhận và sử dụng khôn khéo các giá trị của cảnh quan thiên nhiên và các hệ sinh thái biển, đảo như là “nguồn vốn phát triển” dài hạn; thiết kế và lựa chọn các mẫu hình kiến trúc đô thị xanh, thông minh, thân thiện với tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp văn hóa bản địa. Sự giống nhau và đơn điệu đến nhàm chán của các “khối nhà” bê tông lạnh lẽo và thiếu vắng “cơ sở hạ tầng tự nhiên” ven biển, đảo đang ngăn cách con người với thế giới tự nhiên và hương vị biển, đánh mất giá trị bản địa vốn có. Điều này chẳng những không đem lại các giá trị đặc thù về kiến trúc đô thị biển mà du khách và người dân chỉ có thể nhìn thấy những “mảng biển xanh” qua khe hở của các khối / bức tường bê tông.

Thẳng thắn mà nói, hội chứng phát triển đô thị dường như đã và đang xảy ra ở ta, từ trên miền núi xuống đồng bằng và ra đến ven biển, mặc dù gần đây xuất hiện một số đô thị ven biển phát triển bước đầu đúng hướng, như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Vũng Tàu... Những giá trị về lợi thế so sánh, tính trội, sự khác biệt và tính liên kết của một vùng đô thị ven biển chưa được quan tâm, tận dụng trong quá trình phát triển nên dần bị suy thoái, lãng phí tài sản tự nhiên.

Để tránh “lãng phí” và “suy thoái” như ông nói, đồng thời ngăn chặn các nguồn lực cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái biển trở thành chiếm hữu riêng của các dự án lấn biển, theo ông cần có quan điểm phát triển đô thị biển như thế nào?

- Trước tiên, phải xác định mô hình đô thị biển như là một hệ sinh thái đô thị biển đa chiều, đa phương, đa diện, đa dạng và đa dụng. Nó có đầy đủ chức năng và cấu trúc của một hệ sinh thái tự nhiên - nhân sinh, có các dòng vật chất tương tác bên trong và bên ngoài hệ thống. Mô hình vừa hiện đại, vừa dân tộc; bảo đảm an ninh, an toàn và an sinh; đồng thời vừa có tính đặc thù vùng miền cho một đô thị ven biển, đô thị đảo hay đô thị trên biển.

"Dường như chúng ta vẫn đang “đứng ở ven biển”, chưa phát triển đô thị đảo và đô thị trên biển."

Cần ủng hộ sáng kiến xây dựng một “mô hình đô thị biển cấu trúc đa chiều”, vì đô thị vốn là một thực thể mang tính nhân văn, tính văn hóa, hay nói cách khác cũng là một hệ sinh thái được con người tạo ra (hệ sinh thái nhân sinh) từ chính các nguồn lực trong tự nhiên (tài sản và vốn tự nhiên). Hệ sinh thái đa chiều lồng ghép cả 4 yếu tố chính - tự nhiên, kinh tế, con người và văn hóa - nhưng vẫn đảm bảo chức năng riêng (để hệ tồn tại) và tính liên kết với các hệ sinh thái khác xung quanh nó (để hệ phát triển).

Do đó, cần xác định rõ cấu trúc, chức năng và các “dòng quan hệ” nội tại của đô thị biển và các tương tác với môi trường xung quanh. Theo đó, chính quyền đô thị cũng phải đảm bảo đủ khả năng quản lý đô thị đa chiều với các vấn đề đa ngành, liên ngành dựa trên cấu trúc liên thông, kết nối đã được nghiên cứu, đánh giá và tiềm năng phát triển dài hạn. Trong đó, quan trọng nhất là chất lượng nguồn nhân lực, nhất là lãnh đạo có kỹ năng quản lý phát triển. Con người là một thành tố quan trọng của hệ sinh thái đô thị biển đa chiều, cần được quan tâm, phát triển độc lập nhưng vẫn phải tương tác với các thành tố khác và các mối liên kết của hệ sinh thái đô thị này.

Thêm nữa, cần chú ý làm rõ chức năng trung tâm của hệ sinh thái đô thị biển đa chiều. Một hệ sinh thái đô thị bao giờ cũng là thành phần của một hệ thống lớn hơn và đồng thời bao chứa một hoặc nhiều hệ thống nhỏ hơn. Do đó, thông qua tương tác đa chiều, đô thị kiểu này hội tụ các nguồn lực, các dòng vật chất cả bên trong lẫn bên ngoài, kể cả các nguồn lực từ hệ sinh thái tự nhiên, và cứ thế phát triển. Khi đó, đô thị mới có thể phát huy được khả năng tích tụ, không chỉ đối với đất đai, mà còn đối với dân số biển đảo, gia tăng nhu cầu nội vùng (cầu) và tạo động lực (cung) phát triển kinh tế của chính đô thị biển và vùng chung quanh. Quy hoạch đô thị biển không chỉ dừng ở quy mô một đô thị, mà cần được xem xét trên quy mô một hệ sinh thái, đặc biệt động lực lan tỏa và khả năng liên kết vùng.


Vị trí Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ trên bản đồ.

Cuối cùng, cần xác định tính trội của một hệ sinh thái đô thị biển đa chiều - là một trong 3 thuộc tính vốn có trong mỗi hệ thống (tự nhiên và nhân sinh): tính trội, tính đa dụng và tính liên kết (liên kết nội tại và liên kết vùng). Nghiên cứu mô hình hệ sinh thái đô thị biển đa chiều cần được đặt vào bối cảnh một vùng ven biển hoặc một vùng biển - đảo cụ thể ở Việt Nam. Hệ thống quần đảo và đảo của Việt Nam có phân bố rộng từ Bắc vào Nam hình thành một thế trận kinh tế - quốc phòng trên biển rất hữu dụng. Tuy nhiên, đến nay liên kết phát triển vùng giữa vùng ven biển, các hệ thống đảo/cụm đảo và các vùng biển còn rất hạn chế. Do đó, việc đầu tiên cần nghiên cứu, xem xét là tái cơ cấu “chuỗi đô thị ven biển”, định hướng phát triển chuỗi đô thị đảo và đánh giá tiềm năng xây dựng đô thị trên biển đặt trong khuôn khổ tổ chức lại không gian kinh tế biển.

Có thể thấy từ góc nhìn phát triển đô thị biển như trên, dường như chúng ta vẫn đang “đứng ở ven biển”, chưa phát triển đô thị đảo và đô thị trên biển. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, cần phải “mạo hiểm” tiến ra biển lớn bằng việc sớm hoàn thiện các chuỗi đô thị biển để góp phần khẳng định thế đứng của một “quốc gia biển” chứ không phải “quốc gia ven biển”.

Tại kỳ họp Quốc hội ngày 9/11, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đã chất vấn: “Vừa rồi ở TP.HCM có một nhà đầu tư làm một dự án rất lớn là lấp biển Cần Giờ, có các nhà khoa học và cử tri hết sức băn khoăn là sẽ tác động xấu đến Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ và rừng ngập mặn Cần Giờ, cũng là rừng phòng hộ của Cần Giờ. Tôi xin hỏi các vị có theo dõi dự án này không và làm sao để dự án vẫn triển khai với ý định tốt đẹp là thúc đẩy kinh tế của TP.HCM và của khu vực đi lên, đồng thời bảo vệ được khu dự trữ sinh quyển và rừng ngập mặn Cần Giờ để bà con cử tri và nhân dân yên tâm về việc này?”.


Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Đại biểu Trương Trọng Nghĩa.

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà đã cung cấp nhiều thông tin, số liệu dự án, và cho biết: “Khi phê duyệt chúng tôi đã trao đổi với UNESCO, tại các khung pháp lý của tổ chức này chia Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ ra các vùng: vùng lõi, vùng đệm, vùng lân cận và bán lân cận. Dự án nằm tiếp nối với vùng bán lân cận, UNESCO đã có văn bản khẳng định đây là vùng không nằm trong quản lý mà thực hiện đầu tư dựa trên cân bằng sinh thái do quốc gia quản lý quyết định. Nghĩa là dự án không vi phạm quy định của UNESCO và phù hợp với luật pháp Việt Nam...

Khi thẩm định tác động môi trường, chúng tôi cũng đã tiếp cận với tinh thần là không có báo cáo tác động khi chưa nhận dạng hết các tác động. Bởi vậy hiện nay đánh giá được tác động của khu vực đô thị, bao gồm nước sạch, nước thải, không khí; tác động của đô thị đối với môi trường tự nhiên. Chúng tôi cũng đã tham vấn với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là các tổ chức về đất và nước, và xác định là phải giữ được bảo tồn nguyên sinh, tức là bảo đảm hệ sinh thái không thay đổi…”

Nguyễn An thực hiện

(Người Đô Thị)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: