Grégoire Du Pasquier: Điều làm tôi hứng thú khi tham gia một cuộc thi là chiến thắng bản thân mình

Thứ tư, 12 Tháng 9 2018 14:40 Ashui.com
In

Grégoire Du Pasquier sinh năm 1970 tại Geneva, là một kiến trúc sư người Thụy Sĩ. Ông tốt nghiệp Học Viện Công Nghệ liên bang Thụy Sĩ (EPFL, 1995), là một trong những thành viên ban đầu của công ty kiến trúc Group8 Architects, thành lập tại Geneva năm 2000. Sau đó, ông cũng trở thành người đồng sáng lập nên G8A. 

Hiện tại, ngoài việc phụ trách hoạt động của công ty tại TP Hồ Chí Minh và trụ sở chính ở Geneva, Grégoire cũng đồng quản lý 2 văn phòng đặt tại Hà Nội và Singapore, Ông là giám đốc thiết kế, phụ trách thực hiện concept và quản lý dự án.  

PV: Thưa ông Grégoire, được biết ông sinh sống tại Việt Nam đã 8 năm nhưng lại gây dựng sự nghiệp tại quê hương Thụy Sĩ. Ông có thể cho biết cuộc thi đầu tiên mình dành giải thưởng không? Dự án đó là gì? Giải thưởng đó đã ảnh hưởng đến sự nghiệp của Ông như thế nào?

Grégoire Du Pasquier (ảnh bên): - Trong quá trình bắt đầu thành lập nên Group8 (tên gọi trước đây của G8A) chúng tôi đã thắng giải Nhà Vì Môi Trường (Maison de l’Environnement) tại Geneva, nơi sau này sẽ được lựa chọn làm một Trụ sở Trung Ương để giải quyết các vấn đề môi trường. Lúc tham gia dự án, đội ngũ của chúng tôi chỉ vỏn vẹn 8 thành viên sáng lập. 

Đó là cuộc thi lớn nhất trong năm tại Geneva và chúng tôi là những ứng viên trẻ tuổi nhất, vì vậy chiến thắng nằm ngoài sự mong đợi của cả nhóm.

Giải thưởng đó là một bước đệm lớn để chúng tôi phát triển, tìm kiếm thêm nhân lực để trở thành một công ty như ngày hôm nay.

Ông đã từng tham gia bao nhiêu cuộc thi? Và một trong số đó, đâu là kỉ niệm đáng nhớ nhất?

- Nhìn chung thì tôi đã tham dự khoảng 150-200 cuộc thi. Lần nhớ nhất là vào năm 2009 với dự ánPunggol Waterway Terraces. Đến nay dự án đã được xây dựng, trước đó nó từng là một trong những đề xuất quan trọng của đất nước Singapore, do chính phủ đang tìm kiếm những cách thức mới trong việc gây dựng lại các khu nhà ở xã hội.

Thiết kế Punggol Waterway Terraces là một cuộc thi quy mô toàn cầu, với ban giám khảo từ nhiều vùng miền khác nhau, cũng thu hút các kênh tin tức và giới báo chí trên toàn thế giới. Cuộc thi mang lại những trải nghiệm thú vị cho tôi với tư cách là một cộng sự tại Singapore, vì vậy đó là khoảng thời gian khó quên nhất.

Nhiều văn phòng kiến trúc từ chối tham gia các cuộc thi. Ý kiến của ông như thế nào?Điều gì khiến ông quyết định rằng một cuộc thi có đáng tham gia hay không?

- Điều đó phụ thuộc vào khối lượng công việc của từng văn phòng.Trong một cuộc thi, kể cả khi được tài trợ về tài chính, bạn vẫn luôn phải dự trù trước về các khoản phí phát sinh, phụ phí, và công sức bỏ ra cũng không hề nhỏ trong thời gian ngắn.Do đó, nếu có ý định tham gia vào các dự án thi thố, bạn phải chuẩn bị về mọi mặt. Là một văn phòng lớn, việc dự thi sẽ phải đi liền với những nội dung khác cần nghiên cứu, như chủ đề thiết kế, vị trí khu đất, khách hàng… vv. Những thứ đó liên quan đến khoản đầu tư của bạn cho dự án, và cách bạn giải quyết, trình bày các vấn đề thông qua thiết kế của mình.

Các cuộc thi có thể tạo nên hoặc lấy đi danh tiếng của một văn phòng. Chúng có thể khiến các KTS trở thành những ngôi sao, nhưng ngược lại làm cạn kiệt nguồn lực nếu họ thất bại. Ông nghĩ thế nào về ý kiến : các văn phòng vẫn có thể phát triển và thành công khi không tham gia những cuộc thi, thưa ông?

- Tất nhiên, nhiều người làm nghề không chọn các cuộc thi.Những văn phòng kiến trúc bạn đưa ra chỉ là một trong số một trăm ngàn, như JDS, MAD hay BIG thật sự rất hiếm có. Thông thường, chúng ta tìm kiếm các cuộc thi với phạm vi quốc tế, tương tự nhưPunggol, mặc dù dự án này chưa đủ “công cộng”, chưa làm chúng tôi hài lòng nhất. Sau đó, các công trình bảo tàng, thư viện của tôi và đồng nghiệp giành được khá nhiều giải thưởng lớn.

Tỉ lệ văn phòng kiến trúc tham gia dự thi khá ít. Thường thì số lượng đó nằm ở những KTS mới hành nghề, những người muốn đánh bóng tên tuổi và sẽ phải chấp nhận rất nhiều rủi ro. Bởi người chiến thắng chỉ là 1 trong 100 người dự thi.

Điều làm tôi hứng thú khi tham gia một cuộc thi là chiến thắng bản thân mình, không quan trọng thắng hay thua. Những kinh nghiệm trong quá trình thi mang lại cho bạn kiến thức mới, trải nghiệm mới, các dự án và công trình mới. Đó là những gì bạn có thể phát triển sau này, khi đó lại sinh ra những bài toán về kinh tế, nguồn lực, thời gian…

Các cuộc thi thường giúp liên kết mọi người lại và nâng cao tinh thần làm việc tập thể. Ông có thể cho biết, một đội hoàn hảo để chiến thắng cần những yếu tố gì?

- Không có một cá nhân hay nhóm người hoàn hảo nào cả. Khi làm việc trong môi trường cạnh tranh, bạn cần 200% công lực, bởi thời gian rất ngắn ngủi. Đồng thời, mọi người cần lưu ý đến việc ăn ngủ điều độ, nếu không sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới sáng tạo, hoạt động não bộ, và không đảm bảo được tiến độ công việc. Làm việc không hiệu quả sẽ khiến mọi người phải thức đêm, mất ngủ và bí ý tưởng.Đó cũng là áp lực lớn đối với sức khỏe và cơ thể.

Vậy ở Châu Á thì sao thưa ông? Đâu là cuộc thi mà ông tâm huyết nhất kể từ khi làm việc tại đây?

- Tôi khá hứng thú với cuộc thi toàn cầu đầu tiên mà chúng tôi tham gia tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Dự án mang tên “Tâm Chấn”, bởi đó là trung tâm của giáo dục và phòng chống thiên tai. Nơi đây đã diễn ra nhiều triển lãm về chủ đề hành động đối phó với động đất trong các điều kiện thời tiết khác nhau.

Tại Istanbul, người dân không biết chính xác thời điểm diễn ra động đất, nhưng theo nghiên cứu thì cứ 10 năm lại có một trận lớn xảy ra, và họ là những người nằm trong khu vực nguy hiểm. 

Đó là nguồn cảm hứng cho thiết kế của chúng tôi, lấy cảm hứng từ núi lửa Lanzarote ở quần đảo Canary và khu vực dung nham bao quanh chân núi.Chúng tôi đã phát triển ý tưởng đó cùng với ảnh hưởng của việc tái cải cách của tự nhiên sau thảm họa. Thật sự là một dự án hấp dẫn.

Sau khi xem xong bộ phim The Competition, ông có cảm xúc như thế nào?

- Khi được biết công ty LIXIL Việt Nam dưới sự bảo trợ của Hội KTS mang bộ phim về nước bạn trình chiếu, tôi đã rất mong chờ để đón xem.Tôi nghĩ bộ phim chắc chắn sẽ mang lại sự hấp dẫn. Dù kết phim có thể sẽ mang lại khá nhiều bất ngờ với các bạn, nhưng với một người đã chinh chiến qua rất nhiều cuộc thi, tôi rất đồng cảm với những KTS, thì đó là một kết cục tôi có thể dự đoán trước. 

Bộ phim “The Competition” sẽ công chiếu ở tp. Hồ Chí Minh vào ngày 28/9, tại Nhà hát Bến Thành, Số 6 Mạc Đĩnh Chi, Quận 1 và ở Hà Nội, ngày 04/10 tại Nhà hát Star Galaxy, số 87 Láng Hạ, Ba Đình. 

Đến với chương trình, ngoài việc thưởng thức bộ phim “The Competition”, quý vị khán giả còn có cơ hội gặp gỡ và giao lưu trực tiếp với kiến trúc sư Angel Borrego Cubero và các KTS danh tiếng của Việt Nam về bộ phim cũng như các vấn đề trong các cuộc thi kiến trúc. Chương trình nằm trong khuôn khổ của sự kiện ARCHITECTURE LEADER PERSPECTIVE do công ty Lixil Việt Nam tổ chức - – một thành viên của tập đoàn LIXIL Nhật Bản, tập đoàn số 1 thế giới và Nhật Bản về thiết bị vệ sinh và vật liệu nhà ở. 

Chương trình miễn phí vé vào cửa. 

Link đăng kí tham dự: http://www.the-competition.net/


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: