Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Đối thoại Chủ tịch VNREA Nguyễn Trần Nam: Có cơ chế "ăn chia" trong đấu giá đất đai

Chủ tịch VNREA Nguyễn Trần Nam: Có cơ chế "ăn chia" trong đấu giá đất đai

Viết email In

Việc đánh thuế căn nhà thứ 2 đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Trần Nam – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, việc đánh thuế nhà ở thứ 2 là rất cần thiết. 

Ông Nam cho biết, Bộ Xây dựng đã đề xuất việc đánh thuế căn nhà thứ 2 trở lên từ rất lâu nhưng bị phản đối và biến thành Luật thuế đất phi nông nghiệp. Tuy nhiên vì thuế đất thấp thậm chí giá trị của nó chỉ bằng bao thuốc lá khiến mọi người không để ý đến.  

Gia tăng cơ hội sở hữu nhà ở

Ông có thể lý giải thêm việc cần thiết phải đánh thuế căn nhà thứ 2, thưa ông?

Ông Nguyễn Trần Nam (ảnh bên): Có thể thấy, thuế cao thì giá nhà đất sẽ thấp, còn nếu thuế thấp thì tình trạng đầu cơ khiến giá nhà đất tăng cao. Cùng là một loại hàng hóa, ô tô giá trị thấp còn bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, trong khi bất động sản là hàng hóa thiết yếu mà không đánh thuế căn nhà thứ 2 thì không hợp lý. 

Các nước trên thế giới đều đánh thuế bất động sản bởi nó tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, ngoài ra đây cũng là công cụ để điều tiết thị trường bất động sản. Thậm chí tôi còn biết một số người mua nhà bên Đức bị đánh thuế lũy tiến rất nặng nên họ đang muốn về Việt Nam mua nhà. 

Như ông nói thì có vẻ “mặt được” của chính sách này là rất nhiều?

Đương nhiên như vậy. Thứ nhất, việc đánh thuế sẽ làm tăng thu ngân sách bởi về mặt cảm quan thì ở Việt Nam số người sở hữu 2 – 3 nhà không phải là ít, những người này nộp thuế thì đương nhiên sẽ tăng ngân sách.

Thứ hai, nếu đánh thuế nặng thì nhiều người sẽ không mua nữa. Sức cầu không vì thế giảm vì nhu cầu mua nhà của các hộ gia đình trẻ còn rất lớn. Nhu cầu này sẽ chuyển dịch do vậy cung của thị trường từ nhà to, nhà đắt tiền thành nhà ở rẻ hơn cho các hộ gia đình còn khó khăn, cơ hội của người dân được tiếp cận nhà ở tăng.

Việc đánh thuế có làm cho giá nhà biến động thưa ông? 

Thuế được đánh vào người mua, người sở hữu nhà ở nên giá sẽ không tăng mà ngược lại sẽ giảm xuống. Do vậy những người ít tiền hơn sẽ có cơ hội mua được nhà. 

Theo ông, đánh thuế sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thị trường?

Trước mắt sẽ bị ảnh hưởng, có nguy cơ thị trường chững lại một thời gian. 


Việc đánh thuế căn nhà thứ 2 sẽ giúp cho nhiều người có cơ hội mua được nhà ở 

Vậy thời điểm này áp dụng liệu có hợp lý, thưa ông?

Việc đánh thuế nhà ở của Việt Nam đang chậm trễ so với các nước trên thế giới. Tuy nhiên, thời điểm này áp dụng thì chưa hợp lý bởi hệ thống thông tin trong các trung tâm đăng ký đất đai, đăng ký tài sản nước ta cần phải đưa vào quy hoạch lại. 

Trước đó, Bộ Xây dựng đã có riêng nghị định trình Chính phủ ban hành thông tin quản lý đất đai để nắm được toàn thông tin về thị trường bất động sản trên cả nước một cách chính xác, tối đa có thể. Tuy nhiên việc thực hiện rất yếu từ Bộ Xây dựng cho đến các chính quyền địa phương. Có tình trạng hiện nay một người mua nhà Hà Nội thì Hà Nội có tên, mua nhà Đà Nẵng thì ở Đà Nẵng có tên, nhưng ở quốc gia lại không tổng hợp được cá nhân này có bao nhiêu nhà.

Hiệp hội Bất động sản đặt nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới phải xây dựng được hệ thống dữ liệu cho thị trường. Do vậy sẽ nắm được rõ người này có bao nhiêu căn nhà, ở những đâu thì việc đánh thuế sẽ rất rõ ràng. 

Đấu giá đất đi kèm lợi ích nhóm

Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì đánh thuế nhà có thể đánh thuế bằng sự chênh lệch địa tô như nhà bỗng dưng ra mặt đường mới là thuế nên đánh? 

Tôi thấy không hợp lý bởi mở rộng đường là việc của nhà nước. Nhiều người họ nói đang đi làm và không có nhu cầu bán hàng, không có nhu cầu ở mặt đường, không kinh doanh lại bắt đánh thuế cao là không hợp lý nên cũng khó có thể thu được. Thị trường rất quan trọng nhưng đang có rất ít chính sách tác động tốt đến thị trường. 

Ngay cả như việc đấu giá đất hiện nay cũng đang còn bất cập. Ông nghĩ sao? 

Việc đấu giá đất cơ quan quản lý không làm mà toàn giao thẳng đất cho doanh nghiệp. Một tổ chức của nhà nước tại sao không đi vay ngân hàng đền bù đất mang đi đấu giá và thu cục tiền về cho ngân sách. Cái này rõ ràng là có lợi ích cá nhân. Đấu giá có tiền cho nhà nước nhưng quan chức không được gì, còn giao thẳng cho doanh nghiệp thì có ăn chia.

Vậy để hạn chế tình trạng trên theo ông cần phải có cơ chế giám sát như thế nào? 

Thứ nhất, việc đấu giá đất phải công khai thông tin một cách minh bạch để mọi người đều biết đến kế hoạch đấu giá và đều có thể tham gia nếu có nhu cầu.

Thứ hai, phải có cơ quan chuyên trách thực hiện dịch vụ đấu giá đủ uy tín, đủ trong sạch để thực hiện việc đấu giá theo đúng quy định của pháp luật.

Thứ ba, cơ quan có thẩm quyền cũng phải có biện pháp thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên ở tất cả các khâu, các công đoạn của hoạt động đấu giá. Đặc biệt, cần có cơ chế, biện pháp để người dân có thể gián tiếp hoặc trực tiếp tham gia giám sát hoạt động đấu giá có như vậy mới đủ minh bạch. 

Lưu Vân thực hiện 
(Diễn đàn Doanh nghiệp)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 3104 khách Trực tuyến

Quảng cáo