Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Điểm đến Mật mã Tây Tạng bên hồ Issyk Kul

Mật mã Tây Tạng bên hồ Issyk Kul

Viết email In

Gọi “mật mã Tây Tạng” có phần hơi quá, nhưng thực tế là cho đến giờ người ta vẫn chưa biết được những di chỉ Tạng cổ đó nói gì. Phần hấp dẫn hơn là di tích của người Tạng này lại nằm trên đất nước Kyrgyzstan, ven hồ Issyk Kul cách xa Tây Tạng bây giờ gần 2.000 cây số.

Hầu hết các bạn trẻ Âu Mỹ tôi tán chuyện ở Karakol đếu muốn đến làng Tamga ven hồ Issyk Kul để nghỉ ngơi thư giãn. Tôi thì vì di tích Tamga Tash, mà ngôi làng và con sông, cùng có tên Tamga, được đặt tên theo phiến đá cổ này. Tamga tiếng Kyrgyz nghĩa là “chữ”. Tash là “đá”. Nhưng may sao, vì không bắt được chiếc xe đến thẳng làng Tamga, chuyến xe đường dài bỏ tôi dưới quốc lộ ven hồ Issyk Kul, cách làng Tamga gần 2km. Giữa trưa nắng chát, balô nặng trịch, không muốn cõng balô đi tiếp đến làng, tôi tìm vào khu nhà nghỉ, resort sinh thái ven hồ. Nhờ vậy mà tôi vừa có cả hồ xanh xinh đẹp Issyk Kul và cả Mật mã Tây Tạng – Tamga Tash cho thời gian ngắn ngủi ở đây.


Hồ Issyk Kul nằm ở độ cao 1.600m trên núi, lớn thứ hai trên trái đất này. Quanh hồ là những vườn táo, đào cùng những dịch vụ cho du khách.

Sống trong vườn táo bên hồ đẹp

Issyk Kul, mà cao tăng Huyền Trang gọi là hồ Thanh Trì vì màu nước trong xanh, được nhắc đến trong hành trình sang Tây Vực thỉnh kinh (sách Đại Đường Tây Vực ký). Nhưng cái tên thông dụng, cũng là ý nghĩa theo tiếng địa phương, là Issyk Kul, theo tiếng Hán Việt là hồ Nhiệt Hải. Ở độ cao hơn 1.600m, bao quanh bởi dãy Thiên Sơn trắng xoá tuyết băng vĩnh cửu, hồ trên núi lớn thứ hai trên trái đất này vẫn long lanh trong xanh khi đông về, lúc tất cả những hồ khác, miền đất xung quanh đều giá băng đông cứng. Nên người dân Kyrgyz gọi tên hồ như vậy.

Quanh hồ Issyk Kul có nhiều làng du lịch đẹp, mà Tamga chỉ là một, như Tamchy, Cholpon Ata, Bokonbayevo… Từ thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan có các chuyến xe đến các ngôi làng này. Giá dịch vụ khoảng 2/3 giá Việt Nam. Thời gian thích hợp đến Kyrgyzstan là từ tháng 5 đến tháng 10, tiết trời ấm áp. Các mùa còn lại trong năm nhiệt độ rất thấp và đông giá băng tuyết. Kyrgyzstan miễn visa cho người Việt. Từ Urumqi, thủ phủ tỉnh Tân Cương, Trung Quốc, có các chuyến bay đến thủ đô Bishkek. Hoặc đi xe buýt từ Kashgar, cũng ở Tân Cương, sang đến thành phố cổ Osh của Kyrgyzstan.

Thực ra, nhìn Issyk Kul có vẻ như một đại dương mênh mông hơn một cái hồ. Nhưng cái khác rất dễ nhận ra là những khu vườn táo, đào xanh mướt, trái chín vàng đỏ um tùm quanh hồ. Thêm nữa là những triền hoa dại nhiều màu chạy dài viền thêm nét duyên cho hồ xanh. Tôi ngụ ở một khu nhà nghỉ dạng homestay sinh thái, có những căn phòng nằm trong một khu vườn nhiều cây trái đang rộ chín; khách ăn được bao nhiêu thì cứ tự do hái. Nếu bạn là tín đồ của trái cây như tôi thì có thể tiết kiệm được chi phí cho bữa sáng, và cả các bữa khác nữa khi ở đây. Hơn nữa, khu nhà còn ôm nguyên một đoạn hồ Issyk Kul xinh đẹp, tách biệt bởi các khu vườn chạy ven hồ, nên bạn có thể “làm gì thì làm”. Trưa nắng vùng vẫy thỏa thuê trong làn nước mát, lười nhác thì ru mình trong bóng vườn râm mát thơm mùi trái chín. Đêm ở quê trong trẻo gió mơn man, thưởng thức các món ăn địa phương đơn sơ nhưng tươi mới… Chia sẻ niềm vui sống với những bạn trẻ Kyrgyz hiền hoà mến khách… tôi mới hiểu thêm lý do mà các bạn trẻ Âu Mỹ cứ thích đến hồ.

Cưỡi ngựa đi xem “đá chữ” 2.000 năm

Rồi mai sớm, tôi theo hướng núi, dạo bước đến làng Tamga, hỏi đường đi Tamga Tash. Vì thích đi bộ lang thang ngó nghiêng đây đó, nên hôm qua tôi từ chối cái tour cỡi ngựa đến Tamga Tash. Nhưng mấy hôm trước mưa nguồn nhiều, lũ về, các con suối nước dâng cao nửa người và chảy xiết. May mắn, tôi gặp được một cậu người Kyrgyz đang đi về hướng đó cho tôi quá giang. Dù chú ngựa Mango cao ngồng, mấy con suối nước lên gần quá bụng ngựa và cậu Hamid phải khéo léo cho ngựa đi xiên xiên dòng chảy mới qua được. Con đường đi qua những thôn làng thưa thớt nhà cửa nhưng um tùm những khu vườn táo, vườn đào trĩu quả. Không xa dòng Tamga len lỏi ôm theo con đường, với những triền cỏ tím oải hương là đến Tamga Tash.


“Đá chữ” – di tích của người Tạng này lại nằm trên đất nước Kyrgyzstan đã hơn 2.000 năm qua.

Với kỹ thuật khảo cổ, người ta biết được tảng đá chữ Tamga Tash có niên đại từ khoảng thế kỷ 6 đến thế kỷ 1 trước Công Nguyên, nhưng chưa ai biết những dòng chữ Tạng cổ này nói gì. Phần là những chữ này quá cổ, phần khác đá bị vỡ – mất chữ, phần thì chữ bị mòn – mất nét. Các chuyên gia cho rằng đây có thể là một câu chú Tạng cổ, tuy nhiên không chắc chắn lắm. Với tôi nó là “Mật mã Tây tạng”. Và như ai đó đã nói, “đường đi nhiều khi thú vị hơn điểm đến”. Với tôi vừa thích thú cả đường đi và đích đến này! Không thắc mắc về ý nghĩa của chữ, tôi chỉ ngạc nhiên không hiểu hơn 20 thế kỷ trước, người xưa với công cụ gì đã khắc vào đá cứng những chữ nổi mềm mại đến vậy.

Chờ Hamid quay lại, tôi lên ngựa về cùng. Cảm ơn, gửi ít tiền mua cỏ cho chú ngựa Mango, mà phải nhét vào tay em mới lấy. Chia tay Issyk Kul, Kyrgyzstan, mang bao nhiêu hình ảnh của những ngày lang thang thú vị ở đây về quê nhà.

Rồi một chiều cuối tuần Sài Gòn mới mưa đã ngập lụt phố phường, mở tờ báo ra, tôi chợt giật mình mà phì cười… May cho đá cổ “Mật mã Tây Tạng” thảnh thơi nằm ở thảo nguyên Trung Á chứ nếu về cao nguyên đất Việt, không chừng bị cẩu đi rồi bị “giam trong lồng sắt”!

Hoàng Bảo

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo