Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Tương tác Điểm đến Làng cổ Phước Tích: Miền cổ tích bên dòng Ô Lâu

Làng cổ Phước Tích: Miền cổ tích bên dòng Ô Lâu

Viết email In

Cách đây chừng hơn 10 năm, khi làng cổ Phước Tích chưa mấy ai biết đến, tôi hạnh ngộ lạc bước đến ngôi làng này vào một buổi trưa hè.

Con đường nhỏ từ quốc lộ 49B đến với Phước Tích ngày ấy đầy sỏi đá và cỏ dại. Nhưng như chuyện Từ Thức lạc vào cõi tiên ngày nào, chúng tôi đã bị cây trái, cỏ hoa và cả kiến trúc đường làng ngõ xóm và nhà cửa của Phước Tích chinh phục. Làng cổ Phước Tích được bao bọc ba phía bởi dòng Ô Lâu huyền thoại nước luôn trong xanh. Trên con đường thiên lý Bắc Nam, thì dòng sông này đã chứng kiến cảnh Huyền Trân Công Chúa bái biệt nước non Đại Việt để ngàn dặm ra đi về làm dâu Chiêm Quốc. Bây giờ, những ngư dân bên dòng Ô Lâu trong những lần đánh cá vẫn thường nhặt được những hiện vật đồ gốm cổ dưới lòng sông này. Làng Phước Tích còn gọi là làng Gốm bởi vì nghề gốm chính là nghề đã làm giàu cho người dân làng quê này.

Om Phước Tích ngon cơm hoàng đế
Sen Hà Trì quý thể Phú Xuân.

Tiến sĩ sử học Trần Đình Hằng, người đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu về làng Phước Tích cho biết: "Gốm là sinh nghệ, bởi trên một diện tích khiêm tốn chỉ chừng 1.2km2, Phước Tích là hình ảnh biểu trưng của những ngôi làng không có ruộng đất nằm kề sát bên kinh đô Huế. Thế nhưng, từ buổi đầu thành lập, bằng đôi bàn tay tài hoa của mình, những thế hệ tiền nhân đã làm nên nhiều vật dụng thân quen trong cuộc sống thường nhật, và dần theo thời gian, sản phẩm gốm của họ đã trở thành một vật dụng thiết thân trong lòng người phụ nữ Huế. Chính bởi dòng sản phẩm đặc thù của mình trong một khoảng thời gian rất dài, nghề gốm đã mang lại sự phồn thịnh cho cộng đồng cư dân, mà hình ảnh của nhà thờ họ, những ngôi nhà rường, hay hệ thống miếu thờ liên quan đến nghề nghiệp hiện nay đã phần nào nói lên điều ấy."

  • Ảnh bên: Giờ đây làng cổ Phước Tích là điểm dừng chân lý tưởng của du khách nước ngoài

Kể từ khi được giáo sư Hoàng Đạo Kính phát hiện, cứ 2 năm một lần, làng cổ Phước Tích mở hội để vui cùng Festival Huế. Đúng như tên gọi của lễ hội là "Hương xưa làng cổ", những người khách dù gần hay xa đều đến với ngôi làng hơn 500 tuổi này để tìm chút hương xưa của làng quê Việt vẫn còn hiện diện còn khá vẹn nguyên bất chấp những biến động của thời gian...Như ông Komgrit Varakamin, một du khách người Thái Lan lần đầu đến với làng cổ Phước Tích. Ông ghé một ngôi nhà rường cổ và tỏ ra thích thú với kiến trúc và những vật dụng trong nhà; ông say sưa ngắm cây Vả một loại cây đặc trưng của Huế và của làng cổ Phước Tích mà ông mới thấy lần đầu trong đời; và điểm cuối cùng ông công sứ Thái Lan ghé chơi là gian hàng gốm Phước Tích. Komgrit Varakamin tỏ ra rất thích thú về phong cảnh của làng quê này và chiếc máy ảnh của ông luôn nháy lia lịa.

Điều đặc biệt là mỗi một người dân làng Phước Tích đều có thể kể rành mạch đến lịch sử hình thành và phát triển của ngôi làng thân yêu cũng như những ngôi nhà rường kiểu Huế của mình. Họ chính là người đã có công gìn giữ và bảo tồn hồn quê của ngôi làng di sản độc đáo này để có một lễ hội "Hương xưa làng cổ" hai năm mở hội một lần...

Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Đại Vui tự hào: "Phước Tích là ngôi làng gắn liền với dòng Ô Lâu huyền thoại... Qua hơn 500 năm tồn tại, trải qua các cuộc chiến binh lửa, Phước Tích vẫn giữ gần như nguyên vẹn vẻ thanh bình của một làng quê yên ả, nơi bến nước, sân đình, mái chùa xưa vẫn được giữ dáng vẻ xưa. Có thể lý giải điều này bằng vị trí địa lý cách xa kinh thành Huế, song cũng có thể từ ý thức hệ và mối liên kết chặt chẽ của các dòng tộc, gia đình mà không gian thuần khiết cổ xưa đã được bảo tồn, xứng danh hiệu "Làng di sản" ... Nhưng Phong Điền không chỉ có Phước Tích, cả một miền di sản dân gian trải dài dọc con sông Ô Lâu này như làng Mỹ Xuyên nổi tiếng với ngềh chạm khắc, làng Ưu Điềm nơi có những di tích Chăm Pa quý hiếm; rồi những làng quê tươi xanh gắn liền với những huyền thoại, những danh nhân: làng vàng Kế Môn, làng Đại Lược trong câu ca " Thuyền về Đại Lược hay làng Vân Trình của danh tướng Trần Văn Kỷ với những cây Lộc vừng hàng trăm tuổi...Chúng tôi cũng đang có ý tưởng xây dựng một lễ hội " Ô Lâu huyền thoại" không chỉ để giới thiệu một không gian văn hóa mà còn phát triển du lịch di sản sinh thái những làng quê bên dòng sông lịch sử này".

Hôm nay, Phước Tích lại vui với "Hương xưa làng cổ" . Một nét mới của lễ hội lần này là du khách có thể ngắm những ngõ chè tàu quanh co, những mẹ con nhà mít, nhà vả bế bồng nhau trên cây. Một chút hương xưa nơi ngôi làng cổ tích bên dòng Ô Lâu có lẽ sẽ mang về cho du khách sự thư thái của tâm hồn trong những ngày Festival của xứ Huế.

Thanh An

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo