Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Tương tác Điểm đến Đền Pantheon (Rome) - Chiếc đồng hồ Mặt Trời khổng lồ?

Đền Pantheon (Rome) - Chiếc đồng hồ Mặt Trời khổng lồ?

Viết email In

Đền Pantheon khoảng 2.000 năm tuổi là một trong những di tích thời La Mã cổ đại được bảo tồn vào loại tốt nhất hiện nay ở Rome và là bằng chứng cho thấy quyền lực mạnh mẽ và sự giàu có của đế chế La Mã cổ đại lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, những bí ẩn vẫn đang nằm trong những kiến trúc thiết kế đặc biệt của ngôi đền ở trung tâm Rome này, được Hoàng đế Hadrian xây dựng và hoàn tất vào khoảng năm 128 trước Công nguyên.



Một số chuyên gia nghiên cứu vừa đưa ra một giả thuyết khá hấp dẫn rằng ngôi đền đã từng được coi như một chiếc đồng hồ Mặt Trời khổng lồ, với các tia nắng Mặt Trời lọt xuyên qua lỗ hổng (gọi là oculus - mắt của ngôi đền) ở mái vòm hình bán cầu bên trên, soi sáng chiếc cửa ra vào đúng vào khoảnh khắc Hoàng đế Hadrian bước vào ngôi đền để làm lễ nhân tháng điểm phân (equinox).

Giulio Magli, một nhà lịch sử chuyên nghiên cứu các kiến trúc cổ thuộc Đại học Bách khoa Milan ở Italy và Robert Hannah, một học giả thuộc trường Đại học Otago ở New Zealand, đã phát hiện ra rằng chính xác vào giữa trưa trong thời gian xảy ra điểm phân vào tháng Ba, một chùm sáng hình tròn chiếu xuyên qua oculus và rọi sáng lối vào uy nghiêm của ngôi đền Pantheon.

Hai nhà khoa học đã nghiên cứu về giả thuyết này kể từ năm 2009 và gần đây mới công bố nghiên cứu của họ trên tạp chí mang tính học thuật Numen. Những tính toán chính xác trong quá trình xây dựng Pantheon đã khiến chùm sáng nói trên soi sáng vừa vặn hết mép vòm hình bán nguyệt làm bằng đá ở cửa vào ngôi đền.



Một hình ảnh tương tự cũng xảy ra vào giữa trưa ngày 21/4, thời điểm người La Mã cổ đại tổ chức kỷ niệm ngày thành lập của thành phố này. Khi đó các tia sáng mặt trời lọt qua oculus và chiếu sáng cửa vào cũng như khoảng sân có các chiếc cột đá hoa cương xám ở bên ngoài.

Chùm sáng ngoạn mục nói trên được người La Mã cổ đại coi là để đưa Hoàng đế của họ lên "vùng đất của các vị thần" - một sự xác nhận quyền lực siêu phàm của Hoàng đế khi ông ta bước vào ngôi đền này.

Giáo sư Magli nói: "Hoàng đế được chiếu sáng như thể ông ta đang ở trong xưởng phim. Người La Mã cổ đại tin rằng quan hệ giữa Hoàng đế và thiên đường là chặt chẽ nhất vào thời gian xảy ra điểm phân trong năm."



Đến nay, ngôi đền Pantheon vẫn còn giữ được những cánh cửa bằng đồng và các cột đá hoa cương nguyên bản. Một số cột đá này trước đây được khai thác ở vùng sa mạc của Ai Cập và được vận chuyển bằng thuyền dọc theo sông Nile, băng qua Địa Trung Hải để đến Rome, một công việc khá tốn kém về sức lực và tiền của.

Hiện đền Pantheon cũng là nơi có chứa hầm mộ của Victor Emmanuel II, vị vua đầu tiên của Vương quốc Italy thống nhất và nghệ sỹ thời phục hưng Raphael./.

Ngự Bình

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo