Ashui.com

Thursday
Oct 03rd
Home Tương tác Điểm đến Nhà thờ Gỗ - Biểu tượng kiến trúc phố núi Kon Tum

Nhà thờ Gỗ - Biểu tượng kiến trúc phố núi Kon Tum

Viết email In

Được coi là nhà thờ đẹp nhất Tây Nguyên và là một trong những nhà thờ đẹp nhất Việt Nam, nhà thờ Chính tòa Kon Tum là một công trình kiến trúc độc đáo với hơn 100 năm lịch sử. Nhà thờ Chính tòa Kon Tum – hay vẫn thường được gọi dung dị là Nhà thờ gỗ - được coi là biểu tượng kiến trúc của phố núi Kon Tum.  


Nhà thờ gỗ là một sự kết hợp tài tình giữa phong cách Roma cổ điển phương Tây với kiến trúc nhà sàn của người Ba Na. Mặt đứng công trình có bố cục đăng đối, theo hình tháp vút cong lên, chia làm 4 tầng với 4 mái tương ứng. Tầng trên cùng là tháp chuông với đỉnh là một cây thánh giá bằng gỗ quý. 

Dấu ấn con đường truyền giáo lên cao nguyên

Từ đầu thế kỷ 17, thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong và vua Lê ở Đàng Ngoài đã có nhiều người phương Tây, trong đó có các nhà truyền giáo tới Việt Nam. Thiên Chúa giáo ở Việt Nam đã bắt đầu có những tiếp xúc sơ khai thông qua những cuộc giao thương với người phương Tây. Đến giữa thế kỷ 17, giáo phận đã được thiết lập ở Đàng Trong và Đàng Ngoài với phân cách sông Gianh (Quảng Bình). Khi đó, Tây Nguyên vẫn là một vùng đất hoang sơ và đầy bí ẩn; chỉ có người dân tộc bản địa, hầu như chưa có người Kinh. Phải hơn 200 năm sau, là vào đầu thập niên 40 của thế kỷ 19, các linh mục người Pháp mới khai mở những con đường truyền giáo lên Tây Nguyên từ các tỉnh duyên hải như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Tuy nhiên những chuyến đi đầu tiên đều không thành. Nhưng trong những chuyến đi được khai mở đó, đã hình thành một con đường từ Quảng Ngãi lên Kon Tum, dài 120km có tên gọi là con đường “Muối, gốm sứ và cồng chiêng”. Con đường này hẻo lánh, hoang vu, gập ghềnh từ ngã ba Thạch Trụ, Quảng Ngãi qua Ba Tơ, đèo Violắc; là con đường buôn muối, gốm sứ và cồng chiêng hoặc các vật dụng giao thương giữa người Kinh và người dân tộc trong khu vực. Các nhà truyền giáo đã lấy con đường này làm cơ sở để đặt nền móng cho sự nghiệp truyền giáo ở Tây Nguyên, bắt đầu từ Kon Tum. Cùng với việc truyền giáo, các linh mục người Pháp bắt đầu cho xây dựng các cơ sở Thiên Chúa giáo của phương Tây, nhằm phục vụ cho công cuộc hành đạo và làm nơi ăn ở, sinh hoạt. Nhà thờ đầu tiên được xây như vậy vào năm 1870 với quy mô khiêm tốn và vật liệu đơn giản như tre, gỗ. Cho đến khi số lượng giáo dân đông dần, linh mục Giuse Decrouille - một trong những nhà truyền giáo tiên phong được giao cai quản xứ đạo Kon Tum. Tới năm 1913, ông quyết định xây dựng một ngôi nhà thờ lớn. Công trình được bắt đầu từ năm 1913 và kéo dài tới năm 1918 mới hoàn thành, với vật liệu chủ đạo là gỗ.


Mái nhà thờ thiết kế theo kiến trúc nhà sàn đặc trưng của người Ba Na. Nhà thờ phủ lên mình một màu nâu ấm áp của gỗ sến đỏ. Vật liệu gỗ cũng được dùng làm hệ khung kết cấu, sàn, cửa, cầu thang, lan can, một số vách tường, các chi tiết trang trí nội - ngoại thất. Những ô cửa hoa hồng điển hình của nhà thờ Công giáo Roma và những hoa văn trang trí mang tính bản địa kết hợp với nhau khéo léo tạo nên một nét cá tính đặc sắc cho công trình

Ngày 14/1/1932, Giáo hoàng Piô XI quyết định thành lập Giáo phận Kon Tum gồm ba tỉnh Kon Tum, Pleiku, Darlac và một phần lãnh thổ Attâpư thuộc Lào, phong linh mục Martial Jannin Phước làm Giám mục hiệu tòa Gadara và bổ nhiệm ông làm Giám quản Tông tòa Giáo phận Kon Tum. Đây là giáo phận đầu tiên, lâu đời nhất của khu vực Tây Nguyên và ngôi nhà thờ gỗ ở Kon Tum trở thành nhà thờ Chính tòa. Trải qua những biến thiên lịch sử, chia tách tỉnh và các giáo phận; hiện giáo phận Kon Tum bao gồm địa giới hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai, là địa bàn sinh sống chủ yếu của các sắc tộc bản địa: Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ Triêng… Giáo phận Kon Tum là 1 trong 27 giáo phận Công giáo Roma ở Việt Nam. Tính cuối năm 2017, giáo phận có 342.281 giáo dân (chiếm 18,6% dân số) trong tổng số dân trên địa bàn là 1.833.200 người. Linh mục đoàn gồm 72 linh mục dòng và 88 linh mục triều quản lý 101 giáo xứ chia làm 10 giáo hạt.

Ngôi nhà thờ Chính tòa giáo phận Kon Tum, hay còn được gọi là Nhà thờ gỗ là một công trình kiến trúc ghi đậm dấu ấn con đường truyền giáo lên Tây Nguyên và là một kiến trúc quan trọng, là điểm nhấn đô thị của thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum ngày nay.


Những cột gỗ và hệ lan can gỗ thanh mảnh tạo nên nét duyên dáng, bay bổng cho công trình. Dù đã trải qua hơn trăm năm tồn tại, nhà thờ vẫn vẹn nguyên vẽ đẹp quyến rũ. Đây cũng là một kiệt tác, biểu tượng kiến trúc của phố núi Kon Tum, là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến thăm vùng đất Tây Nguyên này. 

Kiến trúc độc đáo

Nhà thờ Chính tòa Kon Tum là một công trình kiến trúc độc đáo, ngay tên gọi “Nhà thờ gỗ” đã thể hiện rõ điều đó. Vào đầu thế kỷ 20, khi người Pháp du nhập vào Việt Nam những loại hình kiến trúc mới và vật liệu mới như bê tông, thép…; thì công trình này lại như một ngoại lệ. Công trình là một kiến trúc tôn giáo của phương Tây song lại mang tính bản địa rất cao, gần gũi với văn hóa và con người các dân tộc Tây Nguyên. Như tên gọi “Nhà thờ gỗ”,  công trình sử dụng vật liệu chính là gỗ cà chít (còn gọi là gỗ sến đỏ) - một loại gỗ tốt phổ biến ở Tây Nguyên ngày xưa. Vật liệu gỗ được làm hệ khung kết cấu, sàn, cửa, cầu thang, lan can, một số vách tường, các chi tiết trang trí nội - ngoại thất… Hệ tường bao che chính và trần được xây bằng đất trộn rơm theo kiểu nhà truyền thống của người miền Trung Việt Nam. Mái nhà thờ lợp ngói đất nung hình vảy cá. Những thợ mộc lành nghề và tài hoa từ Bình Định và Quảng Ngãi đã được tuyển đến đây để xây dựng công trình này.

Nhà thờ gỗ có diện tích xây dựng hơn 1.200m2, nằm trong một khuôn viên rộng với nhiều hạng mục khác tạo thành một quần thể khép kín như nhà tiếp khách, nhà lưu trú, nhà bếp, nhà trưng bày các sản phẩm dân tộc và tôn giáo, cô nhi viện, cơ sở may - dệt thổ cẩm, cơ sở mộc... Mặt bằng nhà thờ gỗ được thiết kế theo phong cách Basilica truyền thống hình chữ thập, với cung Thánh nằm ở trung tâm; phía trước và hai bên thánh đường có hiên rộng. Bề rộng thánh đường chia làm 3 nhịp với 2 hàng cột phân cách; trần mái nhịp giữa cao vút có cấu trúc cuốn vòm. Không gian thánh đường phát triển theo chiều sâu từ ngoài cửa vào tới cung Thánh. Hệ thống chiếu sáng tự nhiên được khai thác từ hệ cửa sổ hai bên tường biên và các cửa sổ xung quanh cung Thánh. Các ô kính ở cửa sổ trong thánh đường là những bức tranh màu rực rỡ về Chúa, Đức Mẹ, các điển tích trong Kinh Thánh. Những ô kính màu tạo nên một không gian ánh sáng huyền ảo, tôn nghiêm, đầy tĩnh tại.


Các ô kính ở cửa sổ trong thánh đường là những bức tranh màu rực rỡ về Chúa, Đức Mẹ, các điển tích trong Kinh Thánh. Những ô kính màu này đã tạo nên một không gian ánh sáng huyền ảo, tôn nghiêm, đầy tĩnh tại.

Mặt đứng công trình có bố cục đăng đối, theo hình tháp vút lên trên, chia làm 4 tầng với 4 tầng mái tương ứng. Tầng trên cùng là tháp chuông, trên đỉnh tháp chuông là một cây Thánh giá bằng gỗ quý. Chiều cao công trình tới đỉnh tháp chuông là 25m. Mặt bên công trình gây ấn tượng với hệ mái hiên dốc được nhắc lại nhiều lần cùng mái chính của thánh đường trải dài. Những cột gỗ và hệ lan can gỗ thanh mảnh tạo nên nét duyên dáng, bay bổng cho công trình. Toàn bộ công trình được đặt trên một nền cao 1m, phía trước là bậc thềm, phía trong là một tầng trống nhằm ngăn cách ẩm ướt từ nền đất.

Về phong cách, Nhà thờ gỗ là một sự kết hợp tài tình giữa phong cách Roman cổ điển phương Tây với kiến trúc nhà sàn của người Ba Na. Những vòm cuốn Roman và những nếp mái dốc kết hợp với nhau hài hòa tạo nên những nhịp điệu kiến trúc đầy hoa mỹ. Những ô cửa hoa hồng điển hình của nhà thờ Công giáo Roma và những hoa văn trang trí mang tính bản địa kết hợp với nhau khéo léo tạo nên một nét cá tính rất đặc sắc cho công trình… Khu hoa viên của nhà thờ có bức tượng Đức Mẹ hai tay nâng bế Chúa Hài Đồng được làm từ một thân gỗ nguyên sơ, tạc theo phong cách mộc mạc của các dân tộc Tây Nguyên. Ngoài ra, thánh giá và các tượng trang trí bên ngoài lẫn bên trong nhà thờ như các con chiên, tượng thánh được làm bằng gốc rễ cây rừng càng làm không gian mang đậm màu sắc Tây Nguyên. Đây được coi là đỉnh cao của sự giao thoa giữa văn hóa Tây phương và bản sắc dân tộc của vùng Tây Nguyên nước ta.

Nhà thờ gỗ luôn mở rộng cửa với tất cả mọi người. Công trình không chỉ dành riêng cho người Công giáo tới hành lễ và cầu nguyện, mà còn là một điểm hẹn, điểm đến không thể bỏ qua đối với cả người dân Kon Tum và du khách. Đặc biệt, ở đây còn có một phiên chợ nhỏ bày bán các sản phẩm thủ công từ các buôn làng trong vùng. Công trình là niềm tự hào của người Kon Tum.

Nhà thờ Chính tòa Kon Tum là ngôi nhà thờ bằng gỗ lớn và cổ nhất Việt Nam, cũng là công trình Công giáo độc đáo nhất. Trải qua hơn 100 năm tồn tại, Nhà thờ gỗ Kon Tum vẫn vẹn nguyên và đẹp quyến rũ, đầy ma lực. Đây cũng là một chứng nhân lịch sử của vùng đất Tây Nguyên và là một viên ngọc quý, là kiệt tác, biểu tượng kiến trúc của phố núi Kon Tum. 

Hà Thành

(Tạp chí Kiến trúc & Đời sống - số 213)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo