Ashui.com

Wednesday
Oct 09th
Home Tương tác Điểm đến Bạch Dinh Vũng Tàu

Bạch Dinh Vũng Tàu

Viết email In

Dinh Bảo Đại ở Vũng Tàu, hay Bạch Dinh là một công trình kiến trúc cổ đặc sắc, là điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách khi tới thành phố 3 mặt biển. Đặc biệt hơn, đây là nơi ghi dấu ấn lịch sử gắn liền với hai vị vua triều Nguyễn.  

Từ Dinh Toàn Quyền đến Dinh Bảo Đại

Dinh Bảo Đại ở Vũng Tàu - hay vẫn thường được gọi là Bạch Dinh là một trong những dinh thự của vua Bảo Đại ở nhiều miền trên đất nước, như Đà Lạt, Nha Trang, Buôn Mê Thuột, Đồ Sơn. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo, có giá trị lịch sử gắn liền với hai vua triều Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.

Nơi đây nguyên là pháo đài Phước Thắng nằm trên Núi Lớn ở Vũng Tàu do vua Minh Mạng nhà Nguyễn cho xây dựng năm 1839 (năm Minh Mạng thứ 20) để khống chế cửa biển Cần Giờ. Chính tại nơi này, năm 1859; quân dân Vũng Tàu từ pháo đài Phước Thắng đã nổ súng vào hạm đội Pháp khi chúng tấn công Sài Gòn - Gia Định từ đường biển. Cuộc chiến tuy thất bại nhưng đã nêu cao tinh thần yêu nước kháng giặc ngoại xâm của nhân dân Việt Nam trong suốt những năm tháng về sau.

Sau khi người Pháp chiếm được Nam kỳ, pháo đài Phước Thắng đã bị thực dân Pháp san phẳng để xây dựng dinh thự này. Công trình được Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer cho xây dựng năm 1898 và hoàn thành năm 1903 để làm nơi nghỉ dưỡng. Chính Toàn quyền Paul Doumer là người đặt tên cho dinh thự này là Villa Blanche, theo tên của con gái ông là bà Blanche Richel Doumer. Do công trình có màu sơn bên ngoài trắng nên còn được gọi là Bạch Dinh. Tuy nhiên, Paul Doumer chưa kịp sử dụng dinh thự này thì về nước, người kế nhiệm là Paul Beau là người đầu tiên sử dụng nó. Sau đó, nơi này là dinh thự nghỉ dưỡng của các đời Toàn quyền Đông Dương. Tới năm 1934, Bạch Dinh được nhượng lại để làm nơi nghỉ mát cho Hoàng đế Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương. Từ đó Dinh còn có tên là Dinh Bảo Đại - Vũng Tàu. Sau đó Dinh là nơi nghỉ của nguyên thủ và các quan chức cao cấp của Việt Nam Cộng hòa. Sau năm 1975, có thời gian dinh không được sử dụng vào mục đích cụ thể nào trước khi chính thức được chuyển thành một địa điểm du lịch.

Bạch Dinh nằm ở sườn núi, có hướng nhìn ra biển Vũng Tàu, cao 27m so với mực nước biển, nằm trong một khuôn viên rộng 6 hécta trên núi, mà trồng nhiều nhất là cây bông sứ (hoa đại). Công trình có lối kiến trúc châu Âu cuối thế kỷ 19, đặc trưng với những vòm cửa phong cách Roman xây rất đẹp. Hệ thống cửa hai lớp trong kính ngoài chớp phù hợp với khí hậu bản địa của Việt Nam.

Có hai lối lên công trình, một lối đi bộ từ chân núi thẳng lên phía trước qua 146 bậc cấp dưới những tán bông sứ cổ thụ; một lối vòng theo sườn núi cho xe lên ở phía sau. Công trình có 3 tầng cao 19m, rộng 15m, dài 28m gồm: 1 tầng hầm và hai tầng nổi. Tầng hầm là nhà bếp, kho và các phòng phụ trợ; tầng 1 là phòng khách (phòng khánh tiết), phòng ăn, phòng làm việc; tầng 2 là các phòng ngủ và phòng sinh hoạt chung gia đình. Hiện tại, ở tầng 1, ngoài phòng khánh tiết được phục dựng như nguyên bản thì các phòng khác được sử dụng làm phòng trưng bày như một bảo tàng. Nội dung trưng bày là các cổ vật từ một con tàu đắm ở Hòn Cau - Côn Đảo. Tại phòng khánh tiết vẫn lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật cổ xưa như: Song bình Bách điểu chầu phụng, bộ tràng kỷ Hoàng gia ghi niên đại Khải Định năm 1921, cặp ngà voi châu Phi dài 158cm, bộ tam đa ngũ thái Phúc - Lộc - Thọ.


Hơn 100 năm tuổi, dù trải qua quãng thời gian dài dằng dặc và những thăng trầm lịch sử, Bạch Dinh vẫn tồn tại nguyên vẹn với vẻ đẹp tráng lệ, hài hòa cùng thiên nhiên, tạo nên một dấu ấn kiến trúc đô thị độc đáo khó phai mờ. 

Bài thơ tâm sự của vua Thành Thái

Trước khi trở thành dinh thự của vua Bảo Đại và gắn tên với vị vua này, Bạch Dinh có câu chuyện gắn liền với một vị vua nhà Nguyễn khác. Đó là vua Thành Thái - vị vua thứ 10 của triều Nguyễn. Vua Thành Thái tên thật là Nguyễn Phúc Bửu Lân (1879-1954), ông lên ngôi ngày 2/1/1889 (năm Kỷ Sửu). Vì là vị vua yêu nước có tinh thần chống Pháp nên ngày 3/9/1907 thực dân Pháp buộc ông thoái vị. Ngày 12/9/1907 ông được đưa đi an trí (một hình thức giam lỏng) ở Vũng Tàu. Thời gian đầu ông ở Bạch Dinh, tới năm 1915 dời đến trường Bà Phước. Ngày 3/11/1916 ông cùng con trai là cựu hoàng Duy Tân bị đưa đi đày ở đảo Réunion (một thuộc địa Pháp ở châu Phi). Trong thời gian gần 10 năm ở Vũng Tàu, dù được sống đàng hoàng trong khung cảnh đẹp hữu tình nhưng nhà vua luôn mang tâm trạng buồn thương, uất hận, đau đáu tâm trạng về vận mệnh dân tộc. Ông đã viết bài thơ “Sầu Tây Bể Cấp” thể hiện tâm sự, nỗi lòng của một vị vương mất nước:

Sống thừa nào biết có hôm nay/ Nhìn thấy non sông đất nước này/ Sừng ngựa chưa quên câu chuyện cũ/ Ruột tằm đòi đoạn mối sầu Tây/ Thành Xuân nghìn dặm mây mù mịt/ Bể Cấp tứ bề sóng bủa vây/ Tiếng súng ngày đêm như khúc nhạc/ Dẫu cho sắt đá cũng chau mày.

Trong những năm tháng sống tại Vũng Tàu, vua Thành Thái được nhân dân địa phương rất kính trọng, nên còn gọi Bạch Dinh là Dinh Ông Thượng. Bài thơ “Sầu Tây Bể Cấp” của nhà vua sau này đã được khắc lên bia đá đặt trong nhà bia ở khuôn viên phía sau Bạch Dinh, để tưởng nhớ một vị vua đầy chí khí và tinh thần dân tộc.


Các phòng chức năng khác ở tầng 1 hiện được trưng bày như một bảo tàng. Nội dung trưng bày là các cổ vật từ một con tàu đắm ở Hòn Cau - Côn Đảo
.

Hơn 100 năm tuổi, dù trải qua quãng thời gian dằng dặc và những thăng trầm lịch sử, Bạch Dinh vẫn tồn tại nguyên vẹn với vẻ đẹp tráng lệ, hài hòa cùng thiên nhiên, tạo nên một dấu ấn kiến trúc đô thị độc đáo khó phai mờ. Đây là một trong những điểm đến thu hút khách du lịch nhất của thành phố biển Vũng Tàu.

Hiện Bạch Dinh được sử dụng vừa như một điểm di tích, vừa như bảo tàng. Tới đây, du khách được chiêm ngưỡng tòa kiến trúc cổ hài hòa cùng thiên nhiên cây cối; tận hưởng khung cảnh lãng mạn và rộng mở, không khí trong lành của biển cả; ngắm nhìn những cổ vật lưu dấu hồn xưa và nghe những câu chuyện lịch sử trăm năm…

Với kiến trúc đặc sắc và những dấu ấn lịch sử, Bạch Dinh đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch) công nhận là Di tích Kiến trúc và Danh thắng Quốc gia ngày 4/8/1992.

Hà Thành

(Tạp chí Kiến trúc & Đời sống - số 202)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo