Ise, ngôi đền thiêng 20 năm được xây dựng lại một lần

Chủ nhật, 27 Tháng 9 2020 11:06 Zing.vn
In

Theo ước tính, chi phí mỗi lần dỡ bỏ và xây dựng lại của ngôi đền lên đến hàng tỷ USD. Nguồn ngân sách được lấy từ tiền thuế hay quyên góp cá nhân.

Quần thể đền Ise nằm tại thành phố Ise, tỉnh Mie, Nhật Bản, là một trong những công trình linh thiêng của Thần đạo Shinto. Ise gồm hơn 100 ngôi đền lớn nhỏ, trải dài trên một khu vực rộng lớn. Tuy nhiên, hai trong số đó được xem là quan trọng nhất gồm đền Nội Naiku và đền Ngoại Geku.

Ngoài linh thiêng, ngôi đền này còn thu hút du khách bởi truyền thống 20 năm xây dựng lại một lần. Truyền thống này đã được duy trì suốt 1.300 năm qua, là một phần trong đức tin của Thần đạo Shinto về cái chết, sự hồi sinh của tự nhiên và sự vô thường của vạn vật. Đây cũng là cách truyền lại kỹ thuật xây dựng đền qua nhiều thế hệ.

Việc xây dựng được diễn ra tại một khu đất kế bên đền cũ. Mỗi lần xây dựng sẽ lại luân phiên giữa 2 địa điểm này. Đầu tiên, ngôi đền cũ được tháo dỡ, sau đó công trình mới được xây dựng bên cạnh, đảm bảo vẫn như nguyên bản. Lần xây dựng gần đây nhất diễn ra vào năm 2013.

Để đánh dấu sự kiện này, một số lễ hội cũng được tổ chức như Okihiki. Tại đây, người dân từ khắp các tỉnh thành lân cận sẽ tới kéo những khúc gỗ qua các con đường của thành phố Ise. Những khúc gỗ này lấy từ cây bách của Nhật Bản trồng trong khu rừng thiêng bao quanh đền. Khoảng 10.000 cây bách sẽ được khai thác. Nhiều cây trong số đó có tuổi thọ lên tới 200 năm.

Mỗi lần dỡ bỏ và xây dựng lại ngôi đền chi phí ước tính lên đến hàng tỷ USD. Nguồn ngân sách được lấy từ tiền thuế, quyên góp cá nhân, trong đó có các chủ doanh nghiệp và thành viên Hoàng gia Nhật Bản. Toàn bộ nghi thức xây lại đền kéo dài ít nhất 8 năm.

Truyền thống 20 năm xây dựng lại đền có nguồn gốc từ thời cổ xưa. Khi đó, những nhà kho chứa lương thực thường bị dỡ bỏ và xây dựng lại sau 20-30 năm. Đây là kiểu nhà có sàn dựng trên các cọc gỗ và lợp mái tranh. Sau một thời gian, mái và cột nhà sẽ có dấu hiệu mục nát. Đó là lúc chúng bị dỡ bỏ và một kho mới được dựng lên. Việc tái xây dựng định kỳ này dần trở thành phong tục được người dân gìn giữ cho tới này.

Quỳnh Anh

(Zing.vn)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: