Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Tin tức Việt Nam Phát triển đô thị trong sự thay đổi toàn cầu

Phát triển đô thị trong sự thay đổi toàn cầu

Viết email In

Bên cạnh những mặt tích cực của quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh và mạnh, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức do phát triển đô thị mang lại. 

Nhận định trên nằm trong bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tại hội nghị thường niên phát triển đô thị quốc tế lần thứ 37 với tên gọi “Phát triển đô thị trong sự thay đổi toàn cầu” do Bộ Xây dựng và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đăng cai tổ chức vào ngày 3 và 4/12 tại Hà Nội. Đây là sự kiện thường niên do Hiệp hội Phát triển đô thị quốc tế khởi xướng.  

Theo ông Dũng, xu hướng tập trung hóa đô thị ở các quốc gia đang phát triển với làn sóng dịch chuyển dân cư từ nông thôn về đô thị lớn tạo ra áp lực lớn về hạ tầng, kinh tế, xã hội… ảnh hưởng lớn đến chất lượng đô thị, giảm chất lượng cuộc sống của người dân đô thị. Khi quy mô đô thị ngày càng lớn lên thì kéo theo nhiều vấn đề như hệ thống kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, thiếu nhà ở cho người dân… trong khi nguồn lực cần cho phát triển đô thị của Việt Nam còn hạn chế - thực trạng này có thể giống với nhiều quốc gia đang phát triển. 

Cùng với đó, Việt Nam cần tập trung để phát triển đô thị trong điều kiện diễn biễn rất phức tạp của quá trình biến đổi khí hậu và nước biển dâng. 

Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, quá trình đô thị hóa tại Việt Nam còn gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn. Sự phát triển đô thị với tốc độ nhanh tại Việt Nam đang bộc lộ nhiều hạn chế và yếu kém, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật và ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, đa số các thành phố lớn và khu công nghiệp lớn của Việt Nam đều tập trung ở vùng đồng bằng trũng thấp, khu vực ven biển. Đây là những khu vực rất dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu gây ra. Đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu trong xu thế đô thị hóa đặt ra nhiều thách thức cho chiến lược phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam. 

Hiện Việt Nam có 765 đô thị lớn nhỏ, trong đó có những đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM. Hiện 32% dân số Việt Nam đang sinh sống tại các đô thị và mỗi năm tỉ lệ này tăng thêm 1%. 

Ông Dũng cho rằng, đối mặt với thách thức do đô thị hóa gây ra, cần có những giải pháp độc lập, sáng tạo, ngắn hạn cũng như trung hạn và chiến lược dài hạn, hoạch định quá trình phát triển đô thị bền vừng trong tương lai. Cần sự hợp tác liên kết trong khu vực và các thành phần xã hội, người dân, tiếp thu các sáng kiến của các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách.

Không chỉ trông đợi vào việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế, ông Dũng cho biết, để quản lý phát triển đô thị bền vững, khắc phục tình trạng phát triển tự phát, thiếu quy hoạch, thiếu kế hoạch, ảnh hưởng đến chất lượng đô thị, Chính Phủ đã ngày càng hoàn thiện chính sách liên quan đến quản lý phát triển đô thị.

Cùng với đó là việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật liên quan như Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản… Chính sách về phát triển đô thị nói chung trong đó có chính sách về phát triển nhà ở, phát triển đô thị sẽ là những công cụ tạo môi trường pháp lý để kiểm soát quá trình phát triển nhằm khắc phục tình trạng phát triển nóng gây những bất ổn, thách thức trong quá trình phát triển đô thị hiện nay.

Bộ Xây dựng cũng đang thực hiện chiến lược về nhà ở. Một mặt phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường, nhưng một mặt hỗ trợ người dân khó khăn không có khả năng thanh toán nhằm cải thiện tình hình nhà ở cho người dân, nhất là những đối tượng thu nhập thấp.

Ông Budiarsa Sastrawinata, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển đô thị quốc tế cho rằng, để đối mặt với những thách thức do phát triển đô thị đặt ra, nếu không có sự chuẩn bị từ bây giờ sẽ không thể thích ứng được lâu dài. Bên cạnh đó cần áp dụng những công nghệ mới trong phát triển đô thị như thành phố thông minh, thành phố internet… 

Vân Oanh 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo