Thông điệp giao thông xanh

Thứ ba, 05 Tháng 2 2013 16:26 SGGP
In

Tuần qua, Sở Giao thông Vận tải TPHCM, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TPHCM đã phối hợp tổ chức cuộc thi ảnh mang tên “Giao thông xanh”. Theo ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, hiện TPHCM đang quản lý gần 500.000 ô tô; 4,5 triệu xe gắn máy các loại, chưa kể trung bình mỗi ngày còn có thêm khoảng 60.000 phương tiện giao thông từ các tỉnh, thành khác vào TPHCM. Do vậy, khói thải của xe là một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường quan trọng tại TPHCM. Với những lý do trên, hai cơ quan đã quyết định phối hợp tổ chức cuộc thi này với hy vọng góp một tiếng nói ủng hộ cho xu hướng giao thông xanh.  

Bệnh tật và hao tốn tài nguyên 

Sở Giao thông Vận tải TPHCM tính toán rằng: nếu trung bình một ngày, mỗi mô tô chỉ sử dụng khoảng 0,5 lít xăng và mỗi ô tô sử dụng 1 lít xăng thì với số lượng các phương tiện vận tải hiện có, mỗi ngày TPHCM đã dùng tới hơn 3 triệu lít xăng. Một mức tiêu xài khổng lồ trong bối cảnh kinh tế khó khăn và các nguồn năng lượng từ hóa thạch ở Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung đang dần cạn kiệt. 

Thế nhưng, đó mới chỉ là một mặt của vấn đề, mặt kia còn đáng sợ hơn. Khói thải từ các phương tiện giao thông đang dần hủy diệt sức khỏe con người. Ở nước Anh, người ta thống kê được rằng, số người chết vì ô nhiễm không khí trên đường phố cao gấp hai lần số người chết vì tai nạn giao thông. Việt Nam khác Anh và chưa có cơ quan nào so sánh số người chết vì tai nạn giao thông với số người chết vì ô nhiễm môi trường trên đường phố, song với sự gia tăng các phương tiện giao thông như hiện nay, chắc chắn số người bị ảnh hưởng tiêu cực do ô nhiễm môi trường trên đường không nhỏ. 

Theo Trung tâm Quan trắc môi trường Việt Nam, hoạt động giao thông tạo ra 85% lượng khí CO (một loại khí không màu, gây ngạt thở, đau ở mũi, cổ họng), 95% lượng VOCs (các chất hữu cơ bay hơi có thể gây khô da, ảnh hưởng xấu đến hệ tuần hoàn, tiêu hóa, gan thận) và các loại khí độc hại khác. Biểu hiện rõ nhất về độ bẩn của không khí là lượng bụi hạt lơ lửng. Mật độ PM10 ở các nút giao thông của các thành phố lớn như TPHCM luôn vượt mức cho phép. PM10 là hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 10 micromet, thường do mô tô, nhà máy điện thải ra trực tiếp. Loại bụi siêu nhỏ này dễ xâm nhập vào phổi, mạch máu và gây ra các bệnh về tim, ung thư phổi, hen và nhiễm khuẩn đường hô hấp. Khí thải từ hoạt động giao thông vận tải góp tới 70% tổng lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường. Theo Ban chỉ đạo Thích ứng với biến đổi khí hậu TPHCM, các loại khí thải nêu trên còn là một trong những tác nhân quan trọng gây biến đổi khí hậu. 

Hành động trước khi quá muộn 

Cuộc thi “Giao thông xanh” là những góc nhìn về giao thông bền vững, thân thiện với môi trường… Đây là cuộc thi dành cho mọi đối tượng là công dân Việt Nam yêu thích nhiếp ảnh và mong muốn có những đóng góp thiết thực cho hoạt động bảo vệ môi trường, cải thiện tình hình giao thông đô thị. Tác phẩm tham gia dự thi phải là tác phẩm mới được chụp trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến năm 2013. Tác phẩm chưa gửi tham gia bất kỳ cuộc thi nào và chưa được phổ biến với bất kỳ hình thức nào. Mỗi thí sinh có thể gửi nhiều bài dự thi. Mỗi bài dự thi không quá 10 ảnh có kèm bài thuyết minh (địa điểm chụp ảnh, nội dung, ý nghĩa, thông điệp mà tác giả muốn chuyển tải). Thí sinh gửi thông tin theo mẫu kèm bài dự thi để Ban tổ chức tiện liên lạc, trao giải (nếu có). Ảnh tham dự là ảnh màu hoặc đen trắng, dưới dạng ảnh kỹ thuật số, định dạng file JPEG. Cuộc thi có cơ cấu giải thưởng như sau: 1 giải nhất: 8 triệu đồng/giải, 2 giải nhì: 5 triệu đồng/giải, 3 giải ba: 3 triệu đồng/giải, 10 giải khuyến khích: 1 triệu đồng/giải. 

- Nhận bài dự thi: Từ ngày 18/2/2013 đến 18/6/2013.
- Lễ tổng kết và công bố giải thưởng: Dự kiến tháng 9/2013. 

TPHCM đã có nhiều động thái để kéo giảm tình trạng ô nhiễm môi trường do các phương tiện giao thông gây ra. Đầu tư mạnh cho vận tải công cộng là bước đi đầu tiên đã được TPHCM thực hiện cách nay gần 15 năm. Từ đó, liên tục năm nào TPHCM cũng mạnh dạn chi hàng trăm tỷ đồng để tài trợ cho hoạt động này. Bên cạnh loại hình xe buýt sử dụng xăng, dầu làm nhiên liệu, TPHCM còn tạo điều kiện cho Công ty Xe khách Sài Gòn thuộc Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco) đầu tư gần 30 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG và Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM 5 xe. Và cùng với số xe buýt sử dụng khí CNG hiện có, theo ông Dương Hồng Thanh, TPHCM còn có một đề án đổi mới hơn 1.600 xe buýt mà trong đó có tới 300 xe buýt chạy bằng khí CNG. 300 xe buýt này được giao cho Samco sản xuất. 

Phát triển các loại hình vận tải hành khách công cộng khác như metro, xe điện mặt đất… cũng đang được TPHCM đặc biệt quan tâm. TPHCM đã khởi công xây dựng tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và đang chuẩn bị khởi công xây dựng tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương. Dự án đầu tư xây dựng tuyến xe điện mặt đất chạy dọc đường Võ Văn Kiệt đang được nghiên cứu… Nhiều người dân TPHCM đang dần hiểu được lợi ích của vận tải hành khách công cộng và lợi ích của giao thông xanh… Số lượng người đi xe buýt tăng đều qua mỗi năm. Tuy nhiên, dường như sự ủng hộ ấy còn có những giới hạn nhất định. Những bất cập của mạng lưới xe buýt TPHCM, tính tiện lợi có thực của xe cá nhân… đang là những rào cản cho quá trình này. Những đơn vị tổ chức cuộc thi ảnh “Giao thông xanh” hy vọng những người tham gia sẽ có cơ hội để hiểu thêm về những nguy hiểm do ô nhiễm môi trường từ khí thải các loại xe gây ra. Đồng thời, qua ngôn ngữ hình ảnh, sẽ giúp mang thông điệp giao thông xanh đến cho mọi người. 

Ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM:
Vận tải hành khách công cộng còn nhiều thách thức

Vận tải hành khách công cộng TPHCM đang bị kẹt giữa nhiều thách thức: phải đảm bảo lộ trình, đi nhanh, đúng giờ… Thế nhưng, với mật độ giao thông hiện nay, đây là việc không dễ thực hiện. TPHCM đã cho phép xe buýt được đi vào làn của xe 2 bánh khi đến gần các giao lộ để rút ngắn thời gian hành trình, song điều này đã và đang gây phiền phức cho người đi xe 2 bánh. Mạng lưới xe buýt TPHCM mặc dù đã được mở rộng, vươn đến hầu hết các khu dân cư, trung tâm thương mại, khu công nghiệp - khu chế xuất nhưng do cấu trúc đường của thành phố theo hướng rẻ quạt nên nhiều nơi, nhiều chỗ các tuyến xe buýt còn trùng nhau.

Sở Giao thông Vận tải đã nghiên cứu ngắt những tuyến buýt quá dài như là một trong những giải pháp để xử lý bất cập này, nhưng muốn ngắt tuyến thì phải có vị trí xây dựng trạm dừng, nhà chờ làm nơi phân chia tuyến mới. Lãnh đạo thành phố đã yêu cầu các địa phương phải xem xét, bố trí đủ diện tích đất dành cho các trạm dừng, nhà chờ của xe buýt nhưng vẫn chưa đủ theo nhu cầu. Xe buýt TPHCM luôn muốn đổi mới phương tiện để phục vụ người dân tốt hơn nhưng lợi nhuận thu được chưa cho phép làm điều ấy. Các doanh nghiệp kinh doanh xe buýt đang rất cần sự hỗ trợ đầu tư phương tiện mới của Nhà nước.

Ông Đặng Văn Khoa, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TPHCM:
Nhà nước chủ trì, nhân dân tham gia 

Một cuộc sống xanh, không ô nhiễm môi trường và phát triển bền vững là niềm ao ước của bất cứ người dân nào. Tuy nhiên, tất cả những điều này không tự nhiên có được, nhất là trong một đô thị đông đúc như TPHCM. Muốn có được cuộc sống xanh, mọi người phải cùng nhau góp sức xây dựng, trong đó vai trò của nhà nước đặc biệt quan trọng. Nhà nước phải là người chủ trì, định hướng cho lối sống xanh. Nhà nước bằng chính sách khuyến khích hoặc hạn chế phát triển có thể tạo đà cho lối sống này. Ví dụ, trong giao thông, để khuyến khích người dân từng bước không dùng xe cá nhân mà chuyển sang xe buýt, Nhà nước ngoài chính sách trợ giá cho xe buýt nên ban hành thêm nhiều quy định hoặc tạo thêm nhiều điều kiện ưu đãi cho người đi xe buýt và hoạt động vận tải hành khách công cộng nói chung. Một trong những việc có thể làm ngay là chọn những tuyến đường lớn, tiến hành nghiên cứu và dành một làn riêng cho xe buýt nhằm giúp xe buýt đảm bảo lộ trình đi lại. Chấn chỉnh lại việc xây dựng và quản lý vỉa hè để vỉa hè thông thoáng, người dân đi bộ và tiếp cận xe buýt một cách dễ dàng…

Về phía người dân, nếu không thật cần thiết phải đi xe cá nhân thì hãy sử dụng xe buýt. Xe buýt nói riêng và xe công cộng nói chung không tiện lợi bằng xe cá nhân trong việc có thể đưa đón người đi đến tận nhà, song đây là phương tiện giao thông an toàn. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất để cùng xây dựng một cuộc sống xanh - một cuộc sống mà mỗi chúng ta đều mơ ước. 

An Nhiên 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: