Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Tin tức Việt Nam Nhiều phát hiện khảo cổ tại di tích Tháp Mẫm

Nhiều phát hiện khảo cổ tại di tích Tháp Mẫm

Viết email In

Ngày 27/9, tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định, Đoàn khảo cổ học đã báo cáo kết quả đợt khai quật  di tích lịch sử Tháp Mẫm (lần 2) tại thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.

Đoàn khảo cổ học thuộc Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch và Bảo tàng Tổng hợp Bình Định.

Sau ba tháng tiến hành khai quật và nghiên cứu trên diện tích 1.000m2 các hố thám sát và khai quật ở độ sâu từ 1,8-2m, Đoàn khảo cổ đã có nhiều phát hiện mới làm rõ toàn bộ mặt bằng và nền móng kiến trúc còn lại của di tích Tháp Mẫm.

Ngoài ra, Đoàn phát hiện một số tác phẩm nghệ thuật điêu khắc quý giá còn sót lại, tiêu biểu cho thời kỳ thứ hai của nghệ thuật Champa (thế kỷ XI-XV), trong đó có hàng loạt các khối tượng tròn của linh thú như rồng, Makata, sư tử, Garuda; phù điêu của các vị thần, chủ yếu là Shiva, Brahma, Visnu cùng các loại hình vật liệu xây dựng, trang trí kiến trúc và các loại đồ dùng sinh hoạt đương thời.

Tất cả đã được đưa lên khỏi lòng đất với khối lượng hiện vật trên 58 tấn, giúp cho quá trình nhận thức, tìm hiểu lịch sử hình thành và biến đổi của di tích Tháp Mẫm.

Mặt khác, việc khai quật và nghiên cứu Tháp Mẫm bước đầu cho thấy quy mô mặt bằng một tổ hợp kiến trúc đồ sộ với đầy đủ các loại hình kiến trúc quan trọng của một khu vực đền-tháp Champa, thể hiện sự chặt chẽ về vũ trụ quan Ấn giáo của người Chăm.

Về kỹ thuật xây dựng có thể thấy, những di tích gia cố nền móng được tìm thấy ở đây đều phản ánh với một trình độ kỹ thuật xây dựng điêu luyện của người Chăm.

Về tính chất và vai trò của Tháp Mẫm thuộc hệ thống các di tích kiến trúc đền-tháp Champa cả ở những giai đoạn sớm cũng như các giai đoạn muộn sau này và chưa thấy một di tích nào có một hệ thống tượng thờ, trang trí kiến trúc nhiều, hoành tráng như tháp Mẫm.

Về mặt niên đại, di tích này đã được xác định vào khoảng nửa sau thế kỷ XII đến nửa đầu thế kỷ XIII.

Tiến sỹ sử học Đinh Bá Hòa, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định cho biết, từ những kết quả nghiên cứu cho thấy, di tích tháp Mẫm có một kiến trúc độc đáo, tiêu biểu cho các di tích đền-tháp Champa trên đất Bình Định.

Việc phát hiện, tìm hiểu và nghiên cứu các tác phẩm điêu khắc đá ở đây sớm định hình một phong cách nghệ thuật nổi tiếng trong 77 năm qua. Vì vậy việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy phần "hồn-cốt" của di tích tháp Mẫm là một việc làm hết sức cần thiết và quan trọng hiện nay, từ đó các cấp chính quyền, ngành chức năng và nhân dân địa phương quan tâm gìn giữ, có giải pháp bảo tồn phát huy một cách tối đa và hiệu quả giá trị lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, kiến trúc của tháp này.

Tháp Mẫm đã từng được Viện Viễn Đông Bác Cổ - Pháp phát hiện năm 1933 và tổ chức khai quật nghiên cứu vào năm 1934 và đã được xác định là một di tích rất có giá trị, phản ánh sự sáng tạo và độc đáo trong kỹ thuật và nghệ thuật kiến trúc Champa.

Tuy nhiên, từ đó đến nay do biến cố của thăng trầm lịch sử và sự biến động của thiên nhiên, Tháp Mẫm chỉ còn như một phế tích nằm trên một khu đất cao với um tùm cây ăn quả và cây bụi giăng kín, rất khó nhận biết được quy mô ban đầu, vị trí hố đào của người Pháp trước đây, nhiều chỗ bị đào phá san lấp làm biến dạng hiện trạng của khu vực tháp./.

Viết Ý

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo