Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tin tức Việt Nam Nghị quyết 21 thúc đẩy phát triển KT-XH đồng bằng sông Cửu Long

Nghị quyết 21 thúc đẩy phát triển KT-XH đồng bằng sông Cửu Long

Viết email In

Trong gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội  vùng ĐBSCL đạt được những thành tựu khá toàn diện.

Ngày 20/1/2003, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 21/NQ-TW về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2001 - 2010 (gọi tắt là Nghị quyết 21).

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng

Theo ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, qua gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 21, biểu hiện rõ nhất là môi trường đầu tư vùng được cải thiện, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đều nằm ở tốp khá và tốt.

  • Ảnh bên : Một góc TP Cần Thơ

Cơ cấu kinh tế vùng chuyển dịch đúng hướng. Cuối năm 2010 so với giai đoạn 2001-2005: tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong GDP từ 44,92% giảm còn 39%; ngành công nghiệp - xây dựng thu hút nhiều lao động, đưa tỷ trọng từ 23,3% lên 26%; tỷ trọng thương mại, dịch vụ từ 31,78% lên 35%. Thu nhập bình quân đầu người/năm của vùng tăng gấp 2,5 lần so với năm 2001...

Tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng (theo chuẩn mới) đến năm 2010 giảm còn 13,45%; giải quyết việc làm bình quân 375.000 lao động/năm; tỷ lệ dân nông thôn được cung cấp nước sạch đạt trên 87%. Thông qua các chương trình an sinh xã hội, các địa phương như: Hậu Giang, Trà Vinh, Cà Mau, An Giang, Đồng Tháp,... đã huy động nguồn lực từ xã hội đóng góp hàng ngàn tỉ đồng để đầu tư phát triển. Các lĩnh vực khác (thể dục thể thao, báo chí, xuất bản, phát thanh truyền hình; giáo dục- đào tạo nghề;  y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân…) đã đạt được những kết quả quan trọng.

Giảm được 4%/năm hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số

Đến nay, các địa phương trong vùng đã hỗ trợ 88.665 căn nhà cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hỗ trợ đất ở 2.580 hộ, đất sản xuất 2.756 hộ, đào tạo nghề 5.986 lao động, giải quyết việc làm cho 10.657 lao động; hỗ trợ vay vốn mua máy móc, công cụ lao động cho 524 hộ. Chính sách trợ giá, trợ cước, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn tại 6 tỉnh ĐBSCL trên 100 tỉ đồng, giải quyết cho trên 3.000 hộ vay vốn để phát triển sản xuất...

Có thể nói, nhờ các chương trình, dự án trên và ý thức tự lực, tự cường vượt qua đói nghèo của đồng bào dân tộc được nâng lên, nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên đủ ăn, có hộ trở thành giàu có; nhiều nơi xuất hiện mô hình tập thể, cá nhân dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi. Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 4%/năm; đến cuối năm 2010 chỉ còn 24% hộ nghèo.

Hạn chế, bất cập cần khắc phục

Trước hết  là kinh tế của vùng phát triển chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp. Thu nhập bình quân đầu người tuy được cải thiện đáng kể nhưng vẫn chưa đạt mức bình quân chung của cả nước.

Các mặt hàng nông sản chủ lực, kinh tế mũi nhọn của địa phương chưa tạo được thương hiệu mạnh nên giá các mặt hàng nông sản không ổn định. Thu hút đầu tư chưa nhiều, nhất là đầu tư nước ngoài.

Ở ĐBSCL, kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi tuy được tập trung đầu tư trong các năm qua, nhưng cơ bản vẫn còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực trong tham mưu, quản lý điều hành ở các cấp còn hạn chế. Hệ thống hạ tầng giáo dục vẫn còn thấp so với các vùng khác.

Theo ông Nguyễn Phong Quang, việc tổng kết Nghị quyết 21 nhằm đánh giá những thành tựu đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện; chú trọng việc làm rõ chuyển biến mới, những nhân tố điển hình để nhân rộng. Qua đó, tổng hợp báo cáo và đề xuất Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới tiếp tục phát triển vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2020.

Thanh Long

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo