LTS: Không chỉ Hà Nội mà cả nước bị sốc vì thông tin về cơn mưa lớn ở Hà Nội, cơn mưa lớn hơn cả mức dự báo khí tượng, vượt ra khỏi tầm nhìn hệ thống thoát nước của thủ đô và lớn về mức thiệt hại nhân mạng.
Đến ngày 2.11, trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn có nhiều điểm bị úng ngập, nhiều tuyến quốc lộ đi các huyện ngoại thành bị ngập sâu hàng mét, gây ách tắc giao thông. Trong ảnh: cảnh ngập lụt trên đường Láng – Hoà Lạc. Ảnh: Huy Hùng
Nắng chỉ xuất hiện trong buổi sáng 2.11 nhưng một lúc sau, trời lại âm u và tiếp tục mưa do ảnh hưởng không khí lạnh tràn về. Theo dự báo của trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, trong vòng 1 – 2 ngày tới, Hà Nội vẫn có mưa, nhưng mưa nhỏ, khoảng 3 – 4 ngày nữa mưa mới ngừng. “Từ ngày 3.11, lũ các sông từ Thanh Hoá đến Hà Tĩnh có khả năng lên lại”, bà Nguyễn Lan Châu, phó giám đốc trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương cho biết.
Cũng theo bà Châu, từ 1984 đến nay, Hà Nội mới phải hứng chịu cơn mưa lớn, kéo dài hơn ba ngày chưa có dấu hiệu kết thúc. Năm 1984 mưa lớn ở Hà Nội kéo dài 27 giờ với lượng mưa là 561mm, cao nhất là 520mm vào ngày 31.10. Đợt mưa lớn năm nay tuy được dự báo trước, nhưng không dự báo được lượng mưa lại lớn như vậy. Đến ngày 2.11 mưa đã giảm, tuy nhiên phía Bắc có một đợt không khí lạnh tràn về.
Ảnh bên: Đường ngập lụt, phương tiện thô sơ như xe ngựa lại hữu dụng để chuyên chở khách đi qua chỗ ngập - Ảnh: Na Sơn
49 người chết
Theo báo cáo của ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Trung ương, đến 5h sáng 2.11, mưa lũ đã làm 49 người chết, gây thiệt hại hàng chục ngàn tỉ đồng. Nhiều tuyến đê tại Ninh Bình, Vĩnh Phúc bị hư hỏng nặng, một số nơi đã bị vỡ. Mưa lũ đã làm gần 55.000 ngôi nhà bị sập, trôi và hư hại.
Hà Nội đã có 18 người chết vì mưa lũ, trong đó sáu người chết do bị nước cuốn, hai người chết do sét đánh, bốn người chết đuối, bốn người chết do điện giật, hai người chết trong ô tô khi trời mưa nước ngập. Đáng lưu ý có bốn học sinh bị chết đuối và lũ cuốn.
Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội chỉ đạo tiếp tục cho học sinh nghỉ học và ngừng mọi hoạt động trong các trường đến hết ngày thứ hai (3.11). Trường hợp thấy không đảm bảo đủ điều kiện an toàn cho học sinh, hiệu trưởng thông báo tới gia đình cho học sinh nghỉ học.
Ảnh bên: Chỉ với quãng đường 300m, giá chở một chiếc ô tô đã bị chết máy là 1 triệu đồng - Ảnh: Na Sơn
Nhiều bệnh viện khốn đốn vì mưa lớn
BS Nguyễn Văn Chánh, phó giám đốc trung tâm Vận chuyển cấp cứu 115 Hà Nội cho biết, trong ngày 31.10, trung tâm đã nhận gần 100 cuộc gọi cấp cứu, đề nghị vận chuyển bệnh nhân, nhưng trung tâm chỉ tiếp cận và vận chuyển được 23 bệnh nhân, do các nẻo đường đều ngập. Số cuộc gọi còn lại, trung tâm phải tư vấn qua điện thoại cho bệnh nhân và người nhà xử lý tạm thời.
Trung tâm bác sĩ gia đình (50C Hàng Bài) nhận được nhiều yêu cầu hơn bình thường, nhưng phải từ chối nhiều cuộc gọi, thậm chí gần đến nơi cũng không tiếp cận được bệnh nhân.
Tại bệnh viện Nhi Trung ương, các hành lang vận chuyển bệnh nhân nước ngập đến nửa bụng chân, khiến các ca vận chuyển phải đi lòng vòng để tránh nước. Theo TS. Lê Thanh Hải, phó giám đốc bệnh viện, mỗi ngày bệnh viện Nhi vẫn tiếp nhận 500 bệnh nhi khám ban ngày, và hơn 100 bệnh nhi đến vào ban đêm.
Tại bệnh viện Phụ sản Trung ương, mưa gió và ngập lụt, nhưng các bác sĩ vẫn đón 60 trẻ chào đời mẹ tròn con vuông. Phó giám đốc bệnh viện, TS. Nguyễn Đức Hinh cho biết, bệnh viện đã huy động các bác sĩ nội trú ở lại trực để đảm bảo tiếp nhận cấp cứu và phẫu thuật. Trong kíp trực 24 giờ qua, ba sản phụ bị tiền sản giật nặng đã được mổ cấp cứu kịp thời; một sản phụ được chuyển từ Thường Tín lên được mổ đẻ kịp thời, sinh một em bé nặng 4,3kg.
Ông Lê Anh Tuấn, giám đốc sở Y tế Hà Nội cho biết: ngay chiều 2.11, tại thị trấn Quang Minh (huyện Mê Linh), một đội y tế lưu động và y tế địa phương đã bắt tay xử lý nước để người dân ở đây có nước sinh hoạt. Các bệnh viện ở Hà Nội đều có dự trữ thực phẩm nên hiện vẫn tạm thời cung ứng đủ các suất ăn cho bệnh nhân nội trú.
Ra sức hộ đê
Đoạn đê Hữu Tích thuộc địa phân xã Hạ Bằng, Thạch Thất (Hà Nội) bị vỡ 5m đã được hàn khẩu ngay trong ngày 2.11, theo sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội.
Điều đáng lo ngại hiện nay là hầu hết các công trình thuỷ lợi ở địa bàn phía tây thành phố Hà Nội đều được xây dựng từ lâu đã xuống cấp nghiêm trọng, nay lại gặp trận mưa lớn trái mùa nên quá tải, không đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu và rất dễ xảy ra sự cố. Trong đó, đập tràn hồ Miễu (huyện Chương Mỹ) được xây dựng vào năm 1967, có diện tích 17ha, dung tích 2,5 triệu mét khối chuyên cung cấp nước tưới cho bốn xã của huyện, đã từng bị vỡ năm 1978, nay lại gặp trận mưa lớn này, bị sạt lở là ví dụ cụ thể.
Do ảnh hưởng của mưa lớn, tuyến đê sông Hồng đã xảy ra sự cố sạt, trượt mái đê, bờ sông. Trong đó, huyện Mê Linh xảy ra hiện tượng sạt trượt mái đê khu vực xã Chu Phan, sạt lở bờ sông khu vực xã Tráng Việt. Huyện Đan Phượng xảy ra hiện tượng sạt lở nghiêm trọng khu vực bờ sông thuộc xã Liên Trung. Các tuyến đê cấp 3, cấp 4, đê bối thuộc tuyến sông Tích, sông Bùi, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Mỹ Hà, nhiều đoạn bị tràn bờ, sạt lở. Hầu hết các hồ chứa nước, mức nước đã dâng cao hơn ngưỡng tràn từ 1 – 2m, nguy cơ mất an toàn của hồ đập là rõ ràng.
Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố cũng đã tập trung nhân lực xử lý các trường hợp sạt lở, tràn đê sông Tích, sông Mỹ Hà, sông Bùi, sông Duy Tiên và đập Quan Sơn để đảm bảo an toàn. Tất cả các trạm bơm tiêu ra sông Nhuệ và sông Duy Tiên (Hà Nam) cũng đã dừng bơm nhằm tránh quá tải cho hai con sông trên. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chỉ đạo các trạm bơm dừng bơm tiêu nội đồng ở những nơi không có khả năng cứu sống cây vụ đông để đảm bảo an toàn cho đê. Sở yêu cầu các công ty thuỷ lợi vận hành hết công suất bơm nước ra sông Hồng và sông Đáy.
Bốn ngày nữa mới hết ngập
Đến 15h chiều 2.11, trạm biến áp 220kV Hà Đông vẫn bị ngập sâu trong nước, nên TP Hà Đông và một số huyện vẫn bị cắt điện.
Mưa to, úng ngập kéo dài trong hai ngày khiến lương thực, thực phẩm khan hiếm, giá cả leo thang, cảnh mua bán chụp giật như đi chợ ngày tết. Ngoài chợ, 20.000 đồng một mớ rau muống vẫn phải chen nhau mua.
Sáng 2.11 tại Hà Nội, ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương yêu cầu Hà Nội, Hà Nam phải ngừng bơm tiêu nước vào sông Nhuệ, sông Duy Tiên và vận hành các trạm bơm Vân Đình, Khai Thái, Yên Lệnh để tiêu thoát lũ ra sông Hồng, sông Đáy, và giảm áp lực lũ lên đê sông Nhuệ.
Ông Nguyễn Thế Thảo, chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, với công suất thoát nước của thành phố hiện nay, nếu phát huy hết công suất, thì cũng phải trong bốn ngày liên tục mới thoát hết được lượng nước đang gây úng ngập.
Tính đến tối 2.11, trên địa thành phố Hà Nội vẫn còn 50 điểm úng ngập tại sáu quận. Phòng Cảnh sát giao thông – Công an TP Hà Nội đã ra thông báo, hướng dẫn phân luồng cho các phương tiện đi vào hoặc ra trên địa bàn thành phố để tránh ngập úng, ùn tắc giao thông. Theo đó, phương tiện từ các tỉnh phía bắc qua Hà Nội đi về phía nam sẽ đi theo hướng từ ngã ba cầu Chui rẽ trái đi theo quốc lộ 5 đến phố Nối rẽ phải ra đường 39 qua cầu Yên Lệnh ra quốc lộ 1A. Phương tiện từ các tỉnh phía nam qua Hà Nội lên các tỉnh phía bắc sẽ đi theo chiều ngược lại. Đối với các phương tiện trọng tải dưới 13 tấn từ tây bắc xuống sẽ đi qua cầu Thăng Long rẽ theo đường đê An Dương Vương, Âu Cơ, Nghi Tàm, Yên Phụ, Trần Nhật Duật, đê Hữu Hồng theo đường 70B ra quốc lộ 1A.
Các phương tiện trọng tải từ 13 tấn trở lên đi theo quy định hiện hành. Đối với các phương tiện từ các tỉnh phía tây đi phía nam sẽ đi theo đường 21A đến ngã ba Xuân Mai rẽ theo đường Hồ Chí Minh ra quốc lộ 1A.
Các phương tiện từ các tỉnh phía nam đi các tỉnh tây bắc và phía tây đi theo chiều ngược lại.
Do lượng mưa lớn và kéo dài trong ba ngày nên các cánh đồng trong huyện Mê Linh, Hà Nội hầu như bị ngập úng. Để thoát tiêu lượng nước trên đồng, xí nghiệp khai thác thuỷ lợi của huyện đã cho hoạt động hết công suất 24/24 giờ trạm bơm Thường Lệ (với 22 máy bơm, mỗi máy công suất 4.000m3/h) và trạm bơm Tam Báo (với 10 máy bơm, mỗi máy công suất 4.000m3/h) nhằm hạn chế xuống mức thấp nhất thiệt hại cho bà con nông dân. Trong ảnh: kiểm tra các máy bơm. Ảnh: Tuấn Anh
[ forum ]
- Huy động nguồn tài chính cho phát triển đô thị
- Lâm Đồng: Lấy ý kiến về phương án kiến trúc khu hành chính tập trung
- Phát hiện mới từ tháp cổ Bình Lâm
- Hà Nội công bố quy hoạch khu tái định cư Xuân La
- Xây dựng công trình Cung Triển lãm quy hoạch Quốc gia
- Di tích quốc gia Ga Đà Lạt - Liệu mai có còn?
- Bảo tàng Hà Nội mới hoàn thành phần... vỏ?
- Dịch chuyển thị trường bất động sản Hà Nội sau 3 tháng mở rộng
- UBND TP.HCM đối thoại với dân về khu đô thị mới Thủ Thiêm
- Chính phủ trình dự án Luật Quy hoạch đô thị