Ga Đà Lạt, công trình kiến trúc Pháp nổi tiếng ở Lâm Đồng, được xếp hạng di tích văn hóa quốc gia từ 2001, thu hút hàng nghìn du khách ngoại quốc đến tham quan mỗi năm hiện đang trong tình trạng nhếch nhác, điêu tàn. Điều đáng buồn là chính ngành đường sắt – cơ quan chủ quảnđang góp phần làm xuống cấp nghiêm trọng di tích này.
Sự lãng mạn của kiến trúc Âu - Á!
Nhà ga Đà Lạt được xây dựng và hoàn thành vào năm 1938. Đây là một công trình kiến trúc Pháp tuyệt mỹ ở "xứ sở sương mù". Phần chính nhà ga là biểu tượng của đầu tàu với ba mái vút cao xuất phát từ ý tưởng của hai kiến trúc sư người Pháp là Moncet và Revéron, mô phỏng ngọn núi Langbian, đồng thời là sự hòa hợp kiến trúc lãng mạn phương Tây với đặc trưng mái nhà rông bản địa của kiến trúc Tây Nguyên.
Thời Pháp thuộc, mỗi ngày có hai đôi tàu chạy tuyến Đà Lạt - Nha Trang, Đà Lạt – Sài Gòn với ba toa khách, một toa tàu hàng và ngược lại. Hành khách bao giờ cũng đông với phần lớn là người Pháp và quan chức người Việt. Nếu đi từ Sài Gòn sẽ mất khoảng nửa ngày để đến Đà Lạt. Tuyến đường sắt đã bị ngưng từ năm 1972 do chiến sự ác liệt ở miền Nam.
Giữa năm 1975, khi đất nước thống nhất, đường sắt được vận hành trở lại nhưng chỉ chạy được đúng 7 chuyến từ Đà Lạt đến cầu Tân Mỹ (Ninh Sơn - Ninh Thuận) thì bị ngưng lại vì không hiệu quả kinh tế. Năm 1986, Liên hiệp Đường sắt Việt Nam đã cho công nhân tháo ray và tà vẹt để phục vụ sửa chữa đường sắt Thống Nhất. Phần còn lại bị người dân tháo dỡ bán sắt vụn. Năm 2004, khi cầu đường sắt Dran (thị trấn Dran, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) bị tháo dỡ để bán sắt vụn thì ga Đà Lạt bị tách rời hoàn toàn khỏi hệ thống đường sắt Việt Nam. Rất may mắn là 3 năm trước đó (2001), công trình tuyệt mỹ này đã được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia.
Nhưng thay vì tìm cách để bảo tồn di sản kiến trúc này, người ta lại đang góp phần làm nó xuống cấp, tàn tạ theo thời gian. Trong khi đề án quy hoạch tổng thể di tích này của ngành đường sắt mới đang ở dạng khởi thảo, chưa rõ ràng thì hàng ngày du khách đến tham quan ga Đà Lạt vẫn phải chứng kiến sự xuống cấp của công trình độc đáo này.
Những "mất mát" không thể bù đắp!
“Linh hồn” của công trình kiến trúc Pháp nổi tiếng bậc nhất ở thành phố Đà Lạt hiện chỉ còn lại phần mặt tiền của nhà ga nhưng cũng đìu hiu, vắng vẻ. Sau mỗi trận mưa, mặt sân ga đọng nước lỗ chỗ rất bẩn. Toàn bộ phần sau của tổng thể kiến trúc và khuôn viên ga Đà Lạt trong tình trạng nhếch nhác, điêu tàn. Cỏ dại và cây bụi ngập tràn hai bên đường ray, khuôn viên nhà ga bị người dân lấn chiếm gần 4.600 mét vuông từ trước năm 1993. Không những bị dân lấn chiếm khó thu hồi, lãnh đạo ga Đà Lạt còn làm văn bản “tình nguyện” đề nghị tỉnh Lâm Đồng thu hồi 2.289 mét vuông thuộc khu tập thể công nhân viên đường sắt hiện tại giao cho UBND thành phố Đà Lạt quản lý với động cơ là để thành phố cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho các hộ cán bộ, công nhân viên trong ngành đang tạm cư ở đây. Rất may là đề nghị này đã bị UBND tỉnh Lâm Đồng bác bỏ vì vi phạm Luật Di sản văn hóa.
Hiện tại, trong khuôn viên tràn ngập cỏ dại, bùn nước và rác, hai khu đề pô (nhà sửa chữa đầu máy, toa xe) cũng được lãnh đạo ga Đà Lạt cho tư nhân thuê làm kho chứa vật liệu xây dựng và buôn bán gốm sứ. Mỗi ngày có hàng chục du khách (phần đông là những người ngoại quốc thích khám phá và tìm hiểu văn hóa) đến tham quan ga Đà Lạt và mua vé đi tàu về Trại Mát. Sự thiếu trách nhiệm trong quản lý, khai thác và bảo vệ danh thắng quốc gia của lãnh đạo nhà ga Đà Lạt thể hiện rất rõ trong thời gian dài. Bằng chứng không chỉ dừng lại ở việc thiếu đầu tư, tôn tạo công trình mà còn ở chủ đích khai thác không đúng mục đích thắng cảnh. Ngay cửa vào ga ở mặt tiền công trình, một căn phòng chính và đẹp nhất trong các phòng chờ cũ đã được lãnh đạo ga cho thuê bán hàng. Lý giải về điều này, ông Ngô Minh Châu – Trưởng ga Đà Lạt cho biết: “Không làm căng tin thì ga trống trơn lắm. Chuyện này nhỏ, báo chí đừng phản ánh làm gì!”.
Di tích kiến trúc ga Đà Lạt là điểm cuối và là điểm còn khá nguyên vẹn duy nhất trong tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt. Đây là tuyến đường sắt có đoạn ray răng cưa độc nhất vô nhị ở Việt Nam nhưng đã bị tháo dỡ và phá tan hoang từ năm 1987. Tháng 8/2007, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành quyết định phê duyệt dự án phục hồi tuyến đường này (dự kiến kinh phí khoảng 5.000 tỷ đồng).
Nhiều ý kiến lo ngại, nếu Bộ GTVT chậm trễ trong việc triển khai dự án này thì không biết trong vài năm tới liệu có còn gì để phục dựng lại tuyến đường sắt có một không hai này?
- Lâm Đồng: Lấy ý kiến về phương án kiến trúc khu hành chính tập trung
- Phát hiện mới từ tháp cổ Bình Lâm
- Hà Nội công bố quy hoạch khu tái định cư Xuân La
- Xây dựng công trình Cung Triển lãm quy hoạch Quốc gia
- Hà Nội đảo lộn trong một trận mưa lớn
- Bảo tàng Hà Nội mới hoàn thành phần... vỏ?
- Dịch chuyển thị trường bất động sản Hà Nội sau 3 tháng mở rộng
- UBND TP.HCM đối thoại với dân về khu đô thị mới Thủ Thiêm
- Chính phủ trình dự án Luật Quy hoạch đô thị
- Đường Lâm được xếp hạng các di tích ở làng Việt cổ