Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tin tức Việt Nam Hà Nội: Hiện thực hoá đường sắt đô thị trên cao

Hà Nội: Hiện thực hoá đường sắt đô thị trên cao

Viết email In

Những chiếc xe điện chạy trong nội đô đã trở thành hình ảnh in đậm trong ký ức biết bao người dân Hà Nội. Tuyến đường sắt đó đã không còn được sử dụng từ lâu, nhưng khi thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 sắp kết thúc, một dự án đường sắt đô thị của Hà Nội đang trong giai đoạn chuẩn bị khởi công. Hình ảnh tàu điện hiện đại, chạy trên cao, giúp cho giao thông trở nên thuận tiện và dễ dàng đang dần dần trở thành hiện thực.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1), giai đoạn 1, sẽ bắt đầu tại ga Giáp Bát, đến điểm cuối là ga Gia Lâm, đi qua 7 quận, huyện của thành phố là: Thanh Trì, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Long Biên.  Tổng chiều dài của tuyến khoảng 15,36km, trong đó có hơn 10km đi trên cao, và gần 5km trên mặt đất. 

  • Ảnh bên : Phối cảnh nhà ga của tuyến đường sắt đô thị Hà Nội

Đường sắt đô thị giai đoạn 1 sẽ đi qua 3 ga chính là ga Giáp Bát, ga Hà Nội và ga Gia Lâm. Các nhà ga này sẽ được mở rộng quy mô, đầu tư hiện đại bao gồm nhiều hạng mục như nhà ga, quảng trường, sân ga, các trang thiết bị điều hành chạy tàu và phục vụ hành khách, cầu vượt cho người đi bộ...

Bên cạnh đó, cũng xây mới 6 ga đô thị làm điểm đón khách trên tuyến tại các khu vực: Phương Liệt, Bạch Mai, công viên Thống Nhất, Phùng Hưng, Long Biên Nam, Long Biên Bắc.

Một trong những điểm nhấn của tuyến đường sắt này là hệ thống cầu cạn và cầu vượt sông. Đây cũng là những hạng mục đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, công nghệ thi công tiên tiến. Cầu cạn sẽ đi qua nhiều tuyến phố lớn, nằm trong nội đô như Khâm Thiên, Nguyễn Khuyến, Lê Duẩn, Nguyễn Thái Học, Điện Biên Phủ, Trần Phú, Hàng Giấy, Nguyễn Thiệp..., các nút giao thông tại Ngã Tư Vọng, Kim Liên. Đây là những điểm bức xúc giao thông của thành phố hiện nay, vì vậy khi tuyến đường sắt nội đô được hoàn thành sẽ giải phóng bớt một lưu lượng lớn người tham gia giao thông trên đường. Hơn nữa, tuyến đường này đi trên cầu cạn, không cắt ngang đường bộ nên vẫn bảo đảm giao thông được thông suốt. Tuyến đường sắt này còn được xây mới cầu vượt sông Hồng, cách cầu Long Biên 30m về phía thượng lưu, với chiều dài hơn 1,7km, được thiết kế dạng vòm.

Với tổng mức đầu tư của dự án ước tính là 19.460 tỉ đồng, trong đó vốn vay ODA là 13.972 tỉ đồng, vốn đối ứng là 5.487 tỉ đồng, dự án đường sắt đô thị Hà Nội đã được phê duyệt đầu tư năm 2008. Hiện nay dự án đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, thiết kế kỹ thuật, những công đoạn quan trọng chuẩn bị khởi công. Dự kiến dự án sẽ kết thúc đầu tư và đưa vào vận hành năm 2017. Đó là sẽ là một dấu mốc quan trọng, thay đổi đáng kể hạ tầng giao thông của Hà Nội, mang đến một diện mạo khang trang, hiện đại cho Thủ đô.

>> Dự án tuyến xe điện Nhổn - Ga Hà Nội: Ba năm, đội thêm 7.500 tỷ đồng 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo