Chuyển đổi vận tải hành khách từ phương tiện cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng và thân thiện môi trường là một trong 10 giải pháp nằm trong kế hoạch mà Bộ Giao thông vận tải mới ban hành nhằm giảm khí thải giao thông đến năm 2030.
Chuyển đổi vận tải hành khách từ phương tiện cá nhân sang giao thông công cộng và thân thiện môi trường là một trong 10 giải pháp nhằm giảm khí thải giao thông
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành Kế hoạch Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực GTVT đến năm 2030, trong đó có chuyển đổi vận tải hành khách từ phương tiện cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng và thân thiện môi trường.
Theo kế hoạch, đến năm 2030, tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính theo “Đóng góp không điều kiện” trong GTVT của Việt Nam sẽ giảm 5,9% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, tương ứng giảm 45,62 triệu tấn CO2tđ trong toàn giai đoạn. Trong đó, năm 2025 giảm 3,4 triệu tấn CO2tđ; năm 2030 giảm 10,61 triệu tấn CO2tđ; giai đoạn đến năm 2030 giảm 45,62 triệu tấn CO2tđ.
Bộ GTVT đề ra 10 biện pháp và lộ trình thực hiện. Trong đó, giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới đến năm 2030 đảm bảo 100% xe máy đạt định mức tiêu thụ nhiên liệu 2,3 lít/100km.
100% ô tô con sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới bán ra đạt định mức tiêu thụ nhiên liệu: ô tô con dung tích động cơ <1400cc đạt 4,7 lít/100km; ô tô con dung tích động cơ từ 1400 – 2000cc đạt 5,3 lít/100km; ô tô con dung tích động cơ >2000cc đạt 6,4 lít/100km.
Tỷ lệ áp dụng cho phương tiện mới lần lượt là 30% vào năm 2027, 50% vào năm 2028, 75% vào năm 2029 và 100% vào năm 2030.
Về chuyển đổi phương thức vận tải hành khách từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đạt tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội là 45%-50%, TP Hồ Chí Minh 25%, Đà Nẵng đạt 25%-35%, Cần Thơ 20%, Hải Phòng 10%-15%, đô thị loại I đạt ít nhất 5%.
Bên cạnh đó là các biện pháp chuyển đổi phương thức vận tải từ đường bộ sang các phương thức vận tải thân thiện môi trường như đường sắt, đường thủy nội địa và đường ven biển; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt, đường thủy và xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển; các biện pháp phát triển phương tiện sử dụng nhiên liệu thân thiện môi trường như: Sử dụng xe buýt CNG, đến 2030 đạt tổng số xe buýt CNG là 623 xe gồm 423 xe tại TP Hồ Chí Minh và 200 xe tại Hà Nội;
Khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học, mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 đối với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vào năm 2030; Sử dụng xe máy điện và ô tô điện, đến năm 2030 ô tô điện đạt tỷ lệ sử dụng 30%; xe máy điện chiếm 22% tổng số xe máy sử dụng; Sử dụng xe buýt điện, đến năm 2025 bắt đầu sử dụng xe buýt điện và ước đạt tỷ lệ sử dụng 30% vào 2030.
Các giải pháp khác là tăng hệ số tải của ô tô tải, đến năm 2030 cải thiện từ 56% tới 60%. Giai đoạn 2024-2030, phát triển, hoàn thiện hệ thống logistics, kho bãi phục vụ vận tải hàng hóa, hoàn thiện cơ chế, chính sách và đẩy mạnh hoạt động của các sàn giao dịch vận tải.
Mai Hạ
(moitruong.net.vn)
- 8 nhóm khuyến nghị để Việt Nam đạt được thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa INC-5
- Đưa Đông Nam bộ đi đầu trong phát triển công nghiệp công nghệ cao
- TPHCM xác định mô hình TOD là động lực phát triển giao thông công cộng
- 80 cơ sở sản xuất xi măng phải kiểm kê khí nhà kính
- Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040: Hướng tới đô thị di sản – xanh và sáng tạo
- Phân cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị cho UBND TP Đà Nẵng
- Bộ Xây dựng chỉ ra nguyên nhân làm tăng giá bất động sản
- Cần Thơ hủy bỏ 10 quy hoạch không còn phù hợp
- Từ thực tế thành phố trong thành phố, đề xuất bổ sung khái niệm "siêu đô thị"
- Chính phủ trình Quốc hội đề xuất điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia