Ashui.com

Thursday
Oct 10th
Home Tin tức Việt Nam Hà Nội xây dựng quy trình điện tử cải cách hành chính về môi trường

Hà Nội xây dựng quy trình điện tử cải cách hành chính về môi trường

Viết email In

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phấn đấu 100% dịch vụ công được đưa lên trực tuyến mức độ 3, 4 , được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, tạo thuận lợi cho người dùng.

Từ ngày 25/7, Hà Nội áp dụng Quyết định số 2583/QĐ -UBND về việc phê duyệt 11 quy trình nội bộ mới, 2 quy trình thay thế trong giải quyết thủ tục hành chính đối với lĩnh vực môi trường; đồng thời, bãi bỏ 11 quy trình nội bộ ở lĩnh vực này.


(Ảnh minh họa /Nguồn: TTXVN)

Thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng, phê duyệt quy trình điện tử giải quyết thủ tục hành chính tại phần mềm của Hệ thống thông tin một cửa điện tử thành phố.

Danh mục các quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực môi trường ban hành thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tài nguyên và Môi trường có 8 quy trình, cấp huyện có 4 quy trình và 1 quy trình cấp xã.

Đáng chú ý, trong số 11 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực môi trường bị bãi bỏ có 8 quy trình thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường, 2 quy trình cấp huyện và 1 quy trình cấp xã. Tất cả các quy trình này đều bị bãi bỏ tại Quyết định số 1040/QĐ - UBND ngày 25/3/2022 của UBND thành phố Hà Nội.

Đó là các quy trình thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; cấp, cấp lại Sổ đăng ký thải chất thải nguy hại; vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải theo quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án; chấp thuận về môi trường đối với đề nghị điều chỉnh, thay đổi nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án; xác nhận hoàn thành từng phần phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản; đăng ký/đăng ký xác nhận lại kế hoạch bảo vệ môi trường; tham vấn ý kiến trong quá trình đánh giá tác động môi trường.

Xác định công tác cải cách thủ tục hành chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng và là khâu đột phá nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ở lĩnh vực tài nguyên và môi trường, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đạt được kết quả khả quan.

Sở đã chỉ đạo quyết liệt việc rà soát, đánh giá, đơn giản hóa thủ tục hành chính với nhiệm vụ trọng tâm là cải cách thể chế hành chính; cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế “một cửa,” “một cửa liên thông”; hiện đại hóa hành chính; công bố, công khai thủ tục hành chính…hướng đến mục tiêu công khai, minh bạch thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả và sự minh bạch của bộ máy hành chính.

Hiện, các thủ tục hành chính được công bố trên trang thông tin điện tử của Sở, niêm yết công khai tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả.

Ghi nhận tại Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội và các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tại quận, huyện, thị xã, việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký đất đai tại bộ phận “một cửa” thực hiện khá tốt.


(Ảnh minh họa /Nguồn: monre.gov.vn)

Theo Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, không chỉ cắt giảm 30-50% thời gian thực hiện thành phần hồ sơ tại các thủ tục, công tác tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, bố trí cán bộ, lãnh đạo trực "đường dây nóng”, tiếp công dân, hướng dẫn công dân kê khai, hoàn thiện hồ sơ, nâng cấp trang thiết bị hiện đại… cũng đã đáp ứng nhu cầu làm việc, giải quyết khối lượng hồ sơ lớn, đặc biệt, tạo bước chuyển quan trọng trong giải quyết công việc giữa cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp.

Nhiều lĩnh vực trong công tác cải cách thủ tục hành chính của Sở Tài nguyên và Môi trường được thành phố đánh giá cao. Cụ thể, thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất chỉ còn 12 ngày làm việc, giảm 3 ngày so với trước đây; thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ 30 ngày xuống còn 14 ngày, lĩnh vực đo đạc bản đồ giảm từ 15 ngày xuống còn 7 ngày làm việc…

Trước áp lực về thời gian giải quyết thủ tục hành chính giảm tương đối nhiều so với trước đây, Sở Tài nguyên và Môi trường đang triển khai đồng bộ các giải pháp để hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, đòi hỏi sự nỗ lực cao của cán bộ, công chức, viên chức từ thành phố đến cấp huyện, xã.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Bùi Duy Cường cho biết, mục tiêu đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030, ngành Tài nguyên và Môi trường phấn đấu 100% dịch vụ công được đưa lên trực tuyến mức độ 3, 4 và được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, gồm cả thiết bị di động, tạo thuận lợi cho người dùng.

Ngoài ra, 100% báo cáo tổng hợp, định kỳ và báo cáo thống kê của Sở thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng, kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên trục tích hợp chung với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ngành phấn đấu 80% cơ sở dữ liệu về tài nguyên môi trường được xây dựng, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data) có sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng, trong đó, cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu trên địa lý quốc gia sẵn sàng kết nối, chia sẻ, cung cấp dữ liệu mở để thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, vận hành Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đối số, cải cách thủ tục hành chính, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị, Sở Thông tin và Truyền thông quan tâm chỉ đạo các phòng chuyên môn tích cực phối hợp triển khai nâng cao hiệu quả xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, văn bản quản lý, từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ngành Tài nguyên và Môi trường, nâng cao nhận thức, kỹ năng về chuyển đổi số, kết nối liên thông dữ liệu.

Sở Thông tin và Truyền thông đang tích cực hỗ trợ, hướng dẫn Sở Tài nguyên và Môi trường tích hợp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 vào hệ thống chung của thành phố. Mục tiêu trong năm 2022 sẽ đưa 20 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lên Cổng dịch vụ công thành phố và Cổng dịch vụ công quốc gia.

Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội sớm xây dựng trục liên thông dữ liệu thông tin liên ngành trong thành phố để thuận lợi cho quá trình trao đổi thông tin nghiệp vụ, đặc biệt là các Sở Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Cục thuế Hà Nội./.

Linh Khánh

(TTXVN/Vietnam+)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo