Ashui.com

Friday
Sep 20th
Home Tin tức Việt Nam WB nêu 4 điểm nổi bật trong quy hoạch tổng thể quốc gia

WB nêu 4 điểm nổi bật trong quy hoạch tổng thể quốc gia

Viết email In

Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng lần đầu xây dựng Quy hoạch tổng thể không gian quốc gia theo Luật Quy hoạch (2019) là một nhiệm vụ to lớn và phức tạp, nhất là trong bối cảnh chuyển dịch từ góc nhìn cấp tỉnh sang cấp khu vực và liên tỉnh, từ góc nhìn đơn ngành sang góc nhìn đa ngành…  


Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ định hướng phân vùng và liên kết vùng trên lãnh thổ quốc gia một cách khoa học để tạo không gian phát triển đồng bộ.

Tại Hội thảo tham vấn ý kiến các tổ chức quốc tế, các công ty tư vấn quốc tế về dự thảo Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngày 26/7, bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam đánh giá những cao nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan bộ ngành khác trong Chính phủ trong việc hoàn thành dự thảo báo cáo vòng tham vấn cuối cùng trước khi trình lên Văn phòng Thủ tướng Chính phủ.

“Lần đầu xây dựng Quy hoạch tổng thể không gian quốc gia theo Luật Quy hoạch là một nhiệm vụ to lớn và phức tạp, đặc biệt là khi mục tiêu của nhiệm vụ này là chuyển dịch cách tiếp cận quy hoạch tổng thể sang phát triển không gian kết hợp đồng bộ ở các cấp quốc gia và khu vực, hay chuyển từ góc nhìn cấp tỉnh sang góc nhìn cấp khu vực và liên tỉnh, và từ góc nhìn đơn ngành sang góc nhìn đa ngành”, bà Carolyn nói.

Nhận định về dự thảo báo cáo, Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam nêu lên 4 điểm quan trọng cần được xem xét trong quá trình hoàn thiện báo cáo.

Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030 nhằm bố trí không gian phát triển quốc gia một cách hợp lý dựa trên tiềm năng thế mạnh của đất nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Thứ nhất, là cân bằng và ưu tiên các mục tiêu phát triển. Theo bà Carolyn, bản quy hoạch tổng thể không gian hiệu quả cần phản ánh được tầm nhìn phát triển của các cơ quan chức năng đối với tương lai của đất nước.

Do đó, bản quy hoạch tổng thể phải dựa trên các phương pháp luận rõ ràng, căn cứ phân tích vững chắc và phải đặt ra các mục tiêu phát triển rõ ràng và ưu tiên.

“Chúng tôi hiểu rằng không hề dễ dàng để có thể cân bằng giữa đa dạng mục tiêu phát triển, đặc biệt là khi cân nhắc giữa tính hiệu quả và sự công bằng”, bà Carolyn bày tỏ.

Thứ hai, là giải quyết các bất cập trong việc triển khai. Để thành công, bản quy hoạch tổng thể cũng cần phải trình bày rõ ràng cách thức dự tính để đạt được các mục tiêu phát triển không gian.

“Nói cách khác, quy hoạch tổng thể không chỉ được xây dựng tốt mà còn cần phải khả thi và hiệu quả. Điều này đặc biệt quan trọng do nguồn lực tài chính thì có hạn trong khi tham vọng thay đổi sự phát triển không gian của quốc gia lại đòi hỏi những quyết sách cứng rắn khi đưa ra quyết định, ưu tiên nguồn vốn và lựa chọn đầu tư”, đại diện WB nói.

Cụ thể, theo bà Carolyn, cần phải đảm bảo các Kế hoạch đầu tư trung hạn được liên kết chặt chẽ, ưu tiên và theo đúng trình tự hướng tới kết quả nhằm cải thiện các quy hoạch tổng thể phát triển không gian quốc gia và khu vực, trong phạm vi dự báo đáng tin cậy về khả năng chi trả của ngân sách.

Thứ ba, là đảm bảo có sẵn khung thể chế, pháp lý và quy định phù hợp để triển khai quy hoạch. Với lựa chọn ưu tiên phát triển không gian xung quanh một số vùng động lực và hành lang kinh tế nhất định, quan trọng là phải thực hiện một số điều chỉnh cần thiết đối với các khuôn khổ hiện tại — bao gồm pháp lý, thể chế, ưu đãi và cơ chế thực thi.

Điều này sẽ giúp tăng cường sự phối hợp theo chiều dọc và chiều ngang cũng như đầu tư khu vực giữa chính quyền trung ương với địa phương và giữa các địa phương với nhau.

Cuối cùng, là cải thiện quy trình đầu tư công, từ lựa chọn đến giải ngân.

“Cải thiện được quy trình đầu tư cũng có nghĩa là các cơ quan chức năng nắm trong tay một công cụ quan trọng để đạt được các mục tiêu đề ra trong quy hoạch tổng thể. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần quyết định cách thức giải quyết các vướng mắc về thu hồi đất theo vùng nhằm đẩy nhanh các khoản đầu tư chiến lược và ưu tiên”, bà Carolyn khuyến nghị.

Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ định hướng phân vùng và liên kết vùng trên lãnh thổ quốc gia một cách khoa học để tạo không gian phát triển đồng bộ; định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, gắn với sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, đồng thời chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế hiệu quả.

Theo đó, đến năm 2030 sẽ hình thành một số vùng động lực, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; hình thành các hành lang kinh tế trọng điểm...; hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, bao gồm các trục giao thông Bắc - Nam (QL 1A và đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, một số đoạn của đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây, một số đoạn của đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam), các trục giao thông Đông - Tây quan trọng, các hành lang kinh tế trọng điểm các vùng, các cảng cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển (Lạch Huyện, Cái Mép - Thị Vải), các cảng hàng không quốc tế lớn (Long Thành, Nội Bài).

Đến năm 2050, các vùng phát triển hài hoà, bền vững, phát huy tiềm năng, khai thác tốt nhất các thế mạnh về kết cấu hạ tầng. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền. Xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế.

Cùng với đó, hoàn thành xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (Hà Nội - Cần Thơ), tuyến đường sắt qua Tây Nguyên, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây, các trục Đông - Tây quan trọng, các hành lang kinh tế trọng điểm các vùng, các cảng cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển (Lạch Huyện, Cái Mép - Thị Vải), các cảng hàng không quốc tế lớn (Long Thành, Nội Bài), hạ tầng giao thông đô thị và đường vành đai vùng đô thị Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp tục giữ tỷ lệ che phủ rừng ổn định.

Ngân Hà

(VnEconomy)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo