Nghị quyết Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030, đặt mục tiêu đến năm 2025 diện tích sàn nhà ở bình quân đạt 29,5m2/người.
Sáng 8/7, tại kỳ họp thứ 7 HĐND TP Hà Nội đã thông qua Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030.
Phiên họp HĐND TP.
Mục tiêu đến năm 2025 bảo đảm chỗ ở ổn định cho công nhân; quy định nhà ở công nhân là một hạ tầng thiết yếu của khu công nghiệp. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người toàn TP phấn đấu đạt 29,5m2/người, trong đó khu vực đô thị đạt 31m2/người và khu vực nông thôn đạt 28m2/người.
Nghị quyết cũng nêu rõ, tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê đạt tối thiểu theo quy định của Trung ương, nhà ở cho thuê mua phải đạt tối thiểu 10% diện tích nhà ở xã hội tại dự án.
Về nhà ở tái định cư, Hà Nội đặt mục tiêu phát triển mới khoảng 0,565 triệu mét vuông sàn nhà ở.
Về nhà ở thương mại, sẽ phát triển mới khoảng 19,69 triệu mét vuông sàn nhà ở; căn hộ có diện tích tối thiểu 40m2/căn hộ.
Về nhà ở riêng lẻ, sẽ phát triển mới khoảng 22,5 triệu mét vuông sàn (khoảng 4,5 triệu mét vuông sàn/năm).
Đối với chất lượng nhà ở, nghị quyết đưa mục tiêu tiếp tục thực hiện việc xóa nhà tạm, nhà đơn sơ, trong đó tập trung xóa bỏ nhà tạm, nhà đơn sơ tại các khu nhà “ổ chuột” khu vực chân cầu, dọc theo ven các sông, kênh trên địa bàn thành phố; nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn thành phố đạt 90%, trong đó khu vực đô thị đạt 95%, khu vực nông thôn đạt 85%.
HĐND TP cũng thống nhất yêu cầu các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị hình thành mới phải được quy hoạch xây dựng theo xu hướng nhà ở xanh, đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ số...
Mục tiêu đến năm 2030, diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người toàn thành phố đạt 32m2 sàn/người, trong đó khu vực đô thị đạt 33m2/người và khu vực nông thôn đạt 28m2/người.
Về nhà ở xã hội, sẽ phát triển mới khoảng 5,55 triệu mét vuông sàn nhà ở; triển khai đầu tư xây dựng 1-2 khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) và chuẩn bị đầu tư đối với các khu còn lại. Phấn đấu 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố đều có khu nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người lao động. Tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê đạt tối thiểu theo quy định của Trung ương, nhà ở cho thuê mua phải đạt tối thiểu 10% diện tích nhà ở xã hội tại dự án.
Về nhà ở tái định cư, sẽ phát triển mới khoảng 1,3 triệu mét vuông sàn nhà ở.
Về nhà ở thương mại, sẽ phát triển mới khoảng 15,19 triệu mét vuông sàn nhà ở.
Về nhà ở riêng lẻ sẽ phát triển mới khoảng 22,5 triệu mét vuông sàn (khoảng 4,5 triệu mét vuông sàn/năm).
TP sẽ ưu tiên phát triển nhà ở theo dự án tại khu vực mở rộng, đẩy mạnh phát triển các khu đô thị vệ tinh, phấn đấu 100% dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị hình thành mới có quy mô sử dụng đất từ 10ha trở lên phải được quy hoạch xây dựng theo xu hướng nhà ở xanh, đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ số...
Về quỹ đất để phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, thành phố dự kiến tổng diện tích đất để xây dựng nhà ở trên địa bàn toàn thành phố khoảng 1.868 ha, trong đó diện tích đất xây dựng nhà ở khu vực đô thị khoảng 1.384 ha, khu vực nông thôn khoảng 484 ha.
Về nguồn vốn phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn thành phố khoảng 880.000 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn ngân sách khoảng 11.700 tỷ đồng.
Trần Thường
(VietNamNet)
- Đà Nẵng thực hiện mô hình chợ giảm thiểu rác thải nhựa
- Công nhận điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương
- Đà Nẵng: Triển khai Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung vẫn còn chậm
- Ba lưu ý phát triển vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030
- Mối lo TP.HCM thành đô thị tắc nghẽn nhất Đông Nam Á
- Cắm mốc ranh giới, bảo tồn hệ sinh thái Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn
- Hơn 500 ý kiến đóng góp cho dự thảo Quy hoạch mới thành phố Đà Nẵng
- Khởi công đường vành đai 3 TPHCM vào tháng 6/2023, hoàn thành năm 2026
- Hội thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu giai đoạn 1 - Vietnam Home Report 2022
- Việt Nam sẽ có khu công nghiệp, đô thị không phát thải