Phương án 1 ga ngầm 4 tầng, không nằm trong vùng bảo vệ di tích đặc biệt Hồ Gươm và đền Ngọc Sơn, cách xa Tháp Bút được UBND TP Hà Nội lựa chọn.
Theo thông báo của Văn phòng UBND TP Hà Nội chiều 23/3, phương án 1 được lựa chọn sau khi thành phố tiếp thu ý kiến các bộ, ngành về ba phương án ga ngầm C9 dự án đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Với phương án mới này, thành phố sẽ điều chỉnh chủ trương đầu tư, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định và đẩy nhanh tiến độ dự án.
Vị trí xây dựng ga ngầm C9 theo phương được duyệt. (Đồ họa: Tiến Thành)
Lý giải việc chọn phương án 1, Phó chủ tịch Hà Nội Dương Đức Tuấn cho rằng phương án này đã được nghiên cứu điều chỉnh đảm bảo kỹ thuật, tính khả thi, tuân thủ pháp luật về di sản và giải quyết được các kiến nghị của Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội và Bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch.
Cụ thể, kết cấu ga ngầm C9 cùng đoạn tuyến được đưa ra khỏi vùng bảo vệ II của di tích quốc gia đặc biệt Hồ Gươm và đền Ngọc Sơn. Ga ngầm nằm dưới đường Đinh Tiên Hoàng, phía trước trụ sở Tổng công ty Điện lực Hà Nội và trụ sở HĐND-UBND TP Hà Nội.
Ga C9 dài 202,4 m, rộng 15 m, sâu 31 m, có 2 cửa lên xuống. Kết cấu ga cách tòa nhà gần nhất khoảng 3 m. Nhà ga được thiết kế 4 tầng, trong đó sảnh chờ, hệ thống bán vé ở tầng 1; tầng 2 và 4 phục vụ đón trả khách; tầng 3 chứa thiết bị. Vị trí ga nằm cách xa Tháp Bút 97 m và hình chiếu tuyến cách tháp bút 30 m. Lối lên xuống được bố trí không nằm trong vùng bảo vệ II của di tích.
Chọn phương án 1 cũng hạn chế tối đa việc di dời cây xanh khi thi công nhà ga (đào hở), đảm bảo cảnh quan môi trường văn hóa và sinh thái khu di tích. Thành phố cam kết sử dụng biện pháp thi công nhà ga đảm bảo không tạo ra rung chấn, không ảnh hưởng đến di tích.
Phối cảnh ga tàu điện ngầm C9 tại khu vực Hồ Gươm. (Ảnh: MRB)
Phương án 3 (bỏ ga ngầm C9 hoặc xây sau) được loại bỏ với lý do không phù hợp với quy hoạch, ảnh hưởng đến kỹ thuật chạy tàu và chi phí tăng cao nếu xây dựng sau.
Phương án 2 (phương án ban đầu) đã được Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) và các sở, ngành thống nhất, được xác định trong quy hoạch Thủ đô, tuy nhiên thân ga và cửa lên xuống số 3 nằm trong vùng bảo vệ II của di tích Hồ Gươm và không nhận được sự đồng thuận của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
Tuyến đường sắt đô thị số 2 được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2008, ký kết hợp đồng dịch vụ tư vấn năm 2013. Điểm đầu tuyến tại khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra), theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài và kết thúc trên phố Huế (ngã tư giao với đường Nguyễn Du).
Theo phương án đã được phê duyệt, tuyến đường sắt dài 11,5 km, trong đó đoạn trên cao 2,6 km, đoạn ngầm gần 9 km. Tổng đầu tư của dự án sau điều chỉnh hơn 34.670 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước. Hơn 10 năm sau khi được phê duyệt, vị trí ga C9 vẫn chưa được thống nhất.
Võ Hải
(VnExpress)
- Hội An: Hình thành ngôi làng hạnh phúc theo hướng di sản gắn với du lịch
- Hà Nội: Đề xuất tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Thiền Quang
- Xây dựng thành phố thông minh không rào cản cho người khuyết tật
- Hà Nội: Phê duyệt quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị
- TP.HCM mong các nhà đầu tư tìm đến thành phố như những cơ hội lớn
- Cần Thơ quy hoạch khu kinh tế "thành phố sân bay" quy mô 10.000 héc ta
- Hà Nội: đẩy mạnh phát triển không gian xây dựng ngầm
- Lạng Sơn: Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thị trấn Na Sầm đến năm 2035
- Chính phủ đồng ý lập quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa
- Hải Phòng: Phê duyệt kết quả thi tuyển thiết kế kiến trúc hai công trình Trung tâm lớn