Quốc hội xem xét cơ chế đặc thù gỡ điểm nghẽn hạ tầng, thí điểm đến năm 2025

Thứ tư, 27 Tháng 10 2021 04:10 VnEconomy
In

Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến dự thảo đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đường bộ cao tốc, áp dụng thí điểm trong giai đoạn 2021 – 2025...

Nhìn lại giai đoạn 2001 - 2010, cả nước chỉ đưa vào khai thác được 89 km đường bộ cao tốc, gồm các tuyến: Đà Lạt - Liên Khương dài 19 km, Láng - Hòa Lạc dài 30 km, TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương dài 40 km.


(Ảnh minh họa)

Trong giai đoạn 2011 - 2020, khi Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 khẳng định hệ thống kết cấu hạ tầng ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, là điểm nghẽn của quá trình phát triển, vì vậy, đầu tư hệ thống đường bộ cao tốc đã được quan tâm, được coi là động lực quan trọng để phát triển đất nước.

Mở lối cho địa phương, tư nhân xây đường cao tốc

Với nhiều nỗ lực, trong giai đoạn 10 năm gần đây, cả nước đưa vào khai thác thêm 1.074 km, gấp hơn 10 lần giai đoạn 2001 – 2010, nâng tổng số chiều dài đường bộ cao tốc của nước ta đến hết năm 2020 lên 1.163 km, trong đó, có 951 km đủ tiêu chuẩn kỹ thuật đường bộ cao tốc và 212 km phân kỳ đầu tư.


(Nguồn: Bộ Giao thông vận tải)

Theo Bộ Giao thông vận tải, tổng vốn rót vào đường bộ cao tốc giai đoạn 2001 - 2020 khoảng 413.395 tỷ đồng, tạo nên mạng lưới 1.163 km cao tốc đã hoàn thành và 916 km đang xây dựng.

Trong đó, giai đoạn 2001 - 2010, tổng vốn đầu tư khoảng 18.345 tỷ đồng, ngân sách nhà nước 100%.

Giai đoạn 2011 - 2015, tổng vốn đầu tư khoảng 141.659 tỷ đồng, ngân sách trung ương khoảng 120.859 tỷ đồng, chiếm 85,32%; huy động ngoài ngân sách khoảng 20.800 tỷ đồng, chiếm 14,68%.

Giai đoạn 2016 - 2020, tổng vốn đầu tư khoảng 253.391 tỷ đồng, ngân sách trung ương khoảng 171.607 tỷ đồng, chiếm 67,73%; ngân sách địa phương khoảng 14.144 tỷ đồng, chiếm 5,58%, huy động ngoài ngân sách khoảng 67.640 tỷ đồng, chiếm 26,69%.


(Nguồn: Bộ Giao thông vận tải)

Kết quả nêu trên cho thấy, tỷ trọng vốn nhà nước đầu tư đường bộ cao tốc tuy vẫn chiếm tỷ lệ cao nhưng đã giảm dần qua từng giai đoạn.

Bên cạnh đó, dù có sự tham gia của vốn ngân sách địa phương nhưng ở mức thấp, đặc biệt là sự tham gia của vốn ngoài ngân sách với xu hướng ngày càng tăng.

Hiện thực hóa mục tiêu 5.000 km cao tốc, cần cơ chế đột phá

Tuy nhiên, theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCR) của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2019, chỉ số về kết cấu hạ tầng đường bộ còn thấp. Cụ thể, chỉ số về kết nối đường bộ đứng thứ 104/141 quốc gia, chỉ số về chất lượng đường bộ đứng thứ 103/141 quốc gia. Điều này cho thấy hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là lĩnh vực giao thông đường bộ chưa đáp ứng yêu cầu, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội.

"Cần xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá để thực hiện thí điểm trong 05 năm 2021 - 2025 khác với quy định của pháp luật hiện hành, trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết, làm cơ sở để triển khai thực hiện. Sau đó, tổng kết, rút kinh nghiệm để đề xuất triển khai cho giai đoạn 2026 - 2030 là hết sức cần thiết".

(Bộ Giao thông vận tải)

Mặt khác, so với những Quy hoạch giao thông đường bộ gần đây, thực tế đạt được cách “vạch đích” khá xa. Cụ thể, hệ thống đường cao tốc mới chỉ đạt 59% mục tiêu theo Quyết định 356; đạt 43% mục tiêu theo Quyết định 326.

Trong 5 năm tới sẽ phải hoàn thành trên 2.000 km, gấp gần 2 lần so với giai đoạn trước với tổng vốn cần huy động khoảng 393 nghìn tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước bố trí khoảng 239,5 nghìn tỷ, còn lại 153,5 nghìn tỷ đồng cần huy động vốn ngoài ngân sách. Đây là thách thức rất lớn cả về thời gian và nguồn lực.

Trong khi nhu cầu vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội rất lớn thì nguồn vốn nhà nước, vốn ưu đãi và viện trợ có xu hướng giảm. Tín dụng ngân hàng cũng chạm ngưỡng, các ngân hàng thương mại đều thận trọng cho vay mới các dự án BOT vì lo ngại những khoản nợ xấu BOT ngày càng “phình to”.

Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải khẳng định, để đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra, đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc… đòi hỏi cần có các giải pháp đột phá về cơ chế, chính sách cho đầu tư phát triển đường bộ cao tốc.

Các chính sách này chỉ áp dụng thí điểm cho đối tượng duy nhất là các dự án đường bộ cao tốc đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2021 – 2025.

Do đó, Bộ Giao thông vận tải cho rằng: “Không gây xáo trộn trong việc ban hành và áp dụng các văn bản quy phạm trong hệ thống pháp luật. Quá trình nghiên cứu, đề xuất và xây dựng các cơ chế dựa trên kết quả đánh giá thực trạng áp dụng pháp luật, đánh giá phân tích kỹ lưỡng tác động của chính sách và sự tham gia ý kiến của các chủ thể có liên quan".

Anh Tú

(VnEconomy)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: