Thúc đẩy khơi thông các cửa ngõ TP.HCM: Phía tây bắc - kết nối giao thông xuyên quốc gia

Thứ bảy, 25 Tháng 7 2020 15:58 Người Đô Thị
In

Trong tương lai, phía tây bắc thành phố sẽ là vùng phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ nhờ lợi thế từ nhiều dự án giao thông lớn đã, đang và sắp triển khai.

Cửa ngõ tây bắc đang được TP ưu tiên đầu tư nhiều dự án giao thông lớn. Trong tương lai, các dự án này sẽ hình thành mạng lưới giao thông kết nối liên vùng, góp phần giảm tải về tai nạn, ùn tắc giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.


Nút giao thông An Sương (quận 12, TP.HCM) nhìn từ trên cao.
(Ảnh: Hoàng Giang)

Mong xóa điểm đen kẹt xe

Đường Trường Chinh, nối quốc lộ (QL) 22 và đường Cộng Hòa, được xem là tuyến đường độc đạo nối Khu tây bắc vào trung tâm TP. Tuy nhiên, khu vực này là điểm đen về tai nạn và ùn tắc giao thông từ nhiều năm qua, nhất là vào giờ cao điểm.

Một tài xế điều khiển xe tải trên đường Trường Chinh cho biết: “Tôi đi một đoạn ngắn gần 1 km có khi đứng hình đến cả 50 phút. Xe máy còn luồn lách trong hẻm được chứ xe tải thì chịu thua. Rất mong TP mau chóng xóa được điểm đen kẹt xe này”.

Trong khi đó, tại các con đường huyết mạch như Tô Ký, tỉnh lộ 9 (Đặng Thúc Vịnh) nối thông từ quận 12, huyện Hóc Môn ra QL22 để đi các tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Dương đang xuống cấp trầm trọng, xuất hiện nhiều ổ voi lớn. Lúc trời nắng thì bụi bay mù mịt, trời mưa thì nước lấp đầy những ổ voi, gây khó khăn cho người đi đường.

Giải quyết ùn tắc trong năm 2020

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (gọi tắt là Ban quản lý dự án giao thông), cho biết: Khu vực phía tây bắc TP hiện đang triển khai các dự án lớn như xây dựng cầu tạm (kết cấu thép) An Phú Đông, xây dựng hầm chui tại nút giao thông An Sương… Các dự án này dự kiến hoàn thành trong năm 2020, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông khu vực.

Cụ thể, dự án xây dựng hầm chui An Sương với quy mô hai nhánh hầm song song theo hướng từ đường Trường Chinh đi QL22 và ngược lại, mỗi nhánh hai làn xe. Nhánh hầm N1 hướng từ đường Trường Chinh về QL22 đã thông xe vào tháng 3/2018.

Nhánh hầm N2 hướng từ QL22 về đường Trường Chinh cũng đã thông xe vào ngày 15/7 vừa qua. Toàn bộ công trình dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 9/2020.

Tương tự, dự án mở rộng đường Tô Ký cũng đang triển khai thi công, dự kiến hoàn thành công trình vào quý III-2020.

Đường tỉnh lộ 9 là trục đường quan trọng kết nối các huyện Củ Chi, Hóc Môn với các tỉnh Long An, Bình Dương cũng đang được Ban quản lý dự án giao thông tiến hành nâng cấp, sửa chữa.

Hiện nay, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án do UBND huyện Hóc Môn thực hiện và đã tiến hành chi trả gần 60%.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Ban quản lý dự án giao thông đang triển khai thi công tại các vị trí đất công được bàn giao và các điểm đã được giải phóng mặt bằng. Nếu được bàn giao toàn bộ mặt bằng trống trong năm 2020 thì dự kiến đơn vị sẽ thi công hoàn thành vào khoảng tháng 10/2021.

Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết thêm: Đối với khu vực phía tây bắc TP, các đơn vị thi công đang tích cực triển khai dự án nút giao An Sương và sẽ cố gắng tái lập mặt bằng khu vực dự án trước ngày 2/9.

Tương tự, đường Tô Ký, tỉnh lộ 9 đang triển khai, huyện Hóc Môn đang quyết liệt giải phóng mặt bằng để nhanh chóng hoàn thành, góp phần thay đổi diện mạo giao thông trong khu vực này.

Khai thác tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài vào 2025

Ông Lương Minh Phúc cho hay: Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh) đã được Sở GTVT gửi Sở KH&ĐT xem xét và trình HĐND TP thông qua.

Ông Phúc đánh giá: Sau khi dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài được đầu tư và hoàn thành sẽ kết nối với hạ tầng giao thông khu vực và quy hoạch khu tây bắc TP thông qua ba nút giao là vành đai 3, vành đai 4 và tỉnh lộ 8.

Tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ mang lại lợi ích to lớn cho khu vực, có vai trò tăng cường kết nối vùng với hành lang kinh tế đông - tây. Đặc biệt, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài còn mang tính kết nối xuyên quốc gia khi dễ dàng lưu thông với các nước láng giềng như Campuchia, Thái Lan.

“Cao tốc này cũng là tuyến giao thông đường bộ ngắn nhất kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của Việt Nam với Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài - Ba Vẹt” - ông Phúc nói.

Vì vậy, theo ông Phúc, cao tốc này có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của nước ta, khu vực Đông Nam bộ nói chung, của tỉnh Tây Ninh và TP.HCM nói riêng.

Không chỉ vậy, khi hoàn thành, tuyến cao tốc sẽ tạo điều kiện phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất dọc tuyến, đặc biệt là Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Từ đó giảm thời gian đi lại và chi phí vận chuyển từ TP.HCM đi cửa khẩu Mộc Bài, giảm tình trạng ùn ứ giao thông trên tuyến Xuyên Á (QL22) hiện nay.

“Vì vậy, việc sớm đầu tư tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài trong giai đoạn 2021-2025 là hết sức cần thiết và cấp bách” - ông Phúc nhấn mạnh.

Nói thêm về dự án này, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, thông tin: TP.HCM và Tây Ninh sẽ tự thực hiện giải phóng mặt bằng, còn xây lắp sẽ thực hiện theo dự án BT. Hiện các đơn vị đang trình chủ trương đầu tư, năm 2022 khởi công dự án. Dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2025.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị:

Cần tính toán đến các tuyến song hành

Việc sớm hoàn thiện giao thông cửa ngõ tây bắc TP là điều cần thiết nhằm cải thiện tình hình kẹt xe, phát triển kinh tế - xã hội các quận, huyện vùng ven TP như huyện Củ Chi, Hóc Môn, quận 12.

Trong đó, tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài là kết nối chiến lược của TP.HCM với các nước láng giềng như Campuchia và Thái Lan nên việc sớm thực hiện cao tốc này là rất quan trọng.

Bên cạnh đó, khi thực hiện dự án khu vực này không chỉ tập trung vào đường cao tốc hay các dự án nút giao mà cần nghiên cứu các tuyến đường song hành để giảm áp lực giao thông.

Hiện nay, tại khu tây bắc, tình trạng xe container, xe tải vẫn đi chung với xe máy thì nguy cơ tai nạn giao thông rất cao. Vì vậy, TP nên hướng đến quy hoạch dài hạn những đường kết nối vào các khu công nghiệp, kho bãi.

Để làm được chuyện đó, việc khép kín tuyến vành đai 3, 4 rất quan trọng. Theo đó, xe container, xe tải không phải đi xuyên TP mà có thể cập theo tuyến vành đai để vào khu công nghiệp, bến bãi.

Vì vậy, để sớm “đan” mạng lưới giao thông cửa ngõ tây bắc, TP cần có quy hoạch giao thông tổng thể.

Về nguồn vốn, nếu chưa có vốn ngân sách công để làm các dự án quan trọng, TP cũng có thể huy động nguồn vốn xã hội hóa từ tư nhân thông qua việc Nhà nước cho đấu giá.

Triển khai nhiều dự án kết nối vùng

Sở GTVT TP.HCM cho biết: Hiện nay, một số công trình giao thông trọng điểm ở phía bắc đang được TP triển khai xây dựng, góp phần dần hoàn thành mạng lưới giao thông “khủng” khu vực này.

Cụ thể, đó là các dự án metro số 2, nâng cấp mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý, Trường Chinh; xây dựng đường nối từ đường Trần Quốc Hoàn đến đường Cộng Hòa để kết nối nhà ga T3 (sân bay Tân Sơn Nhất); nâng cấp, mở rộng đường Trịnh Thị Miến…

Các công trình này khi hoàn thành sẽ giải quyết việc ùn tắc tại khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cũng như phát triển kết nối giao thông khu vực phía bắc TP với các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nước ta.

Hiện nay, TP cũng đang nghiên cứu dự án xây dựng mới cầu Lớn và mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa đoạn ngã ba Giồng đến cầu Tỉnh lộ 9. Ngoài ra, TP cũng nghiên cứu dự án xây dựng đường song hành Phan Văn Hớn (dài 8,5 km, lộ giới 30 m) từ QL1 đến nút giao vành đai 3 - Nguyễn Văn Bứa.

Các dự án nói trên dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

(Người Đô Thị)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: