Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tin tức Việt Nam Thêm công cụ quản lý tài nguyên nước lưu vực sông Cửu Long

Thêm công cụ quản lý tài nguyên nước lưu vực sông Cửu Long

Viết email In

Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long sẽ là công cụ hiệu quả hỗ trợ quản lý tổng hợp tài nguyên nước, đồng thời làm cơ sở cho việc điều chỉnh và định hướng khai thác, sử dụng nước, bảo vệ tài nguyên nước của các ngành cũng như định hướng về hợp tác với các quốc gia thượng lưu.


Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long sẽ là công cụ hiệu quả hỗ trợ quản lý tổng hợp tài nguyên nước

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long (LVSCL). Hiện tại, trên LVSCL hầu hết đã có quy hoạch của các ngành khai thác, sử dụng và liên quan đến nước như giao thông, xây dựng, thủy lợi, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cấp nước sinh hoạt đô thị và nông thôn... Do vậy, để có cơ sở quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước trên LVSCL nhằm tích hợp và thống nhất nhu cầu nước của các ngành, hạn chế tác hại do nước gây ra, phối hợp với các tiểu lưu vực khác trong toàn lưu vực Mekong cần thiết phải lập quy hoạch tổng hợp LVSCL.

Đối tượng lập quy hoạch là nguồn nước mặt, nước dưới đất trên lưu vực sông Cửu Long. Vùng trực tiếp nằm trong quy hoạch, bao gồm 13 tỉnh/thành phố: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang, với diện tích 39.945 km2.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long sẽ là công cụ hiệu quả hỗ trợ quản lý tổng hợp tài nguyên nước, đồng thời làm cơ sở cho việc điều chỉnh và định hướng khai thác, sử dụng nước, bảo vệ tài nguyên nước của các ngành cũng như định hướng về hợp tác với các quốc gia thượng lưu.

Theo báo cáo của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia - đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ quy hoạch, nguồn nước Đồng bằng sông Cửu Long rất phong phú, chiếm 57% tổng lượng của cả nước với tổng lượng dòng chảy năm trung bình nhiều năm khoảng 500 tỷ m3, trong đó có đến 475 tỷ m3 từ nước ngoài, nội sinh chỉ khoảng 25 tỷ m3 chiếm 5% tổng lượng dòng chảy.

LVSCL hiện đã và đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, nhất là các tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng (NBD), hạn hán, gia tăng xâm nhập mặn, xói lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đất... Những vấn đề lớn mà tài nguyên nước LVSCL đang phải đối mặt gồm: Phát triển và BĐKH ở thượng lưu Mekong; cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước; tác động của khai thác cát trên sông; giảm đất ngập nước và đa dạng sinh học; giảm lượng phù sa; những tác động từ nuôi trồng thủy sản; xâm nhập mặn và sử dụng nước mặn; nhu cầu nước ngày càng tăng; xói lở bờ sông và vùng cửa sông; tác động từ hạ lưu lưu vực sông Đồng Nai; triều cường và nước biển dâng.

Do đó, mục tiêu của nhiệm vụ quy hoạch tổng hợp LVSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ bảo đảm phân bổ công bằng và hợp lý nguồn nước giữa các vùng, nhóm đối tượng sử dụng nước, các tỉnh. Cùng với đó sẽ cơ bản giải quyết được tình trạng mâu thuẫn trong phân bổ, chia sẻ, khai thác, sử dụng nước giữa các đối tượng sử dụng nước.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho rằng, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cần thuyết minh rõ hơn chuỗi số liệu để có thể phân tích tổng quát về dòng chảy năm, dòng chảy lũ, dòng chảy kiệt. Đối với nguồn nước dưới đất, báo cáo thuyết minh cũng mới chỉ đề cập đến trữ lượng khai thác tiềm năng, tầng chứa nước, chưa đánh giá được tình hình xâm nhập mặn, suy giảm mực nước dưới đất…

Theo Quy hoạch, đến năm 2030 sẽ bảo đảm phân bố công bằng, hợp lý lượng nước có thể khai thác với các nhu cầu sử dụng nước có xét đến sự biến động nguồn nước do tác động của BĐKH, nước biển dâng và do khai thác, sử dụng nước ở thượng lưu sông Cửu Long; cơ bản giải quyết được tình trạng mâu thuẫn trong phân bổ, chia sẻ và khai thác, sử dụng nước giữa các đối tượng sử dụng nước trên lưu vực; kiểm soát được các nguồn xả thải tập trung và phục hồi các nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng, duy trì được hệ sinh thái phụ thuộc vào nguồn nước; kiểm soát được tình trạng sạt lở bờ sông, tình trạng xâm nhập mặn vùng cửa sông và các tầng chứa nước.

Tiếp đến năm 2050 sẽ chủ động được nguồn nước phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội, có xét đến tác động của BĐKH, nước biển dâng và khai thác, sử dụng nước ở thượng lưu; nâng cao hiệu quả sử dụng nước, ưu tiên phân bổ nguồn nước cho các đối tượng sử dụng nước có hiệu quả kinh tế cao và sử dụng nước tái tạo.

Thu Cúc

(Chinhphu.VN)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo