Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Tin tức Việt Nam Thêm cầu dây văng hiện đại bậc nhất ở ĐBSCL chính thức vận hành

Thêm cầu dây văng hiện đại bậc nhất ở ĐBSCL chính thức vận hành

Viết email In

Sau cầu Mỹ Thuận, Cần Thơ và Rạch Miễu, cây cầu dây văng hiện đại bậc nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là Vàm Cống bắc qua sông Hậu nối Thành phố Cần Thơ với tỉnh Đồng Tháp chính thức đưa vào hoạt động từ ngày 19/5.

Trước đó, tại buổi làm việc của Tổng công ty xây dựng Cửu Long với UBND Thành phố Cần Thơ diễn ra hôm 18/9/2017, ông Nguyễn Đình Viễn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Cửu Long cho biết, dự án cầu Vàm Cống và đường dẫn hai bên cầu sẽ được thông xe vào cuối tháng 12/2017.


Cầu Vàm Cống- cây cầu dây văng hiện đại thứ 4 ở ĐBSCL chính thức được khánh thành vào ngày 19/5.
(Ảnh: Trung Chánh)

Tuy nhiên, khi dự án chưa được khánh thành như dự kiến, thì chiều ngày 17/11/2017, ông Nhật của Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu tạm dừng thi công công trình để đánh giá lại toàn bộ các khâu nhằm tìm ra nguyên nhân dầm ngang trên đỉnh trụ P29 bị nứt.

Trong khoảng 1,5 năm sau đó, Bộ Giao thông Vận tải cùng các đơn vị liên quan đã xác định nguyên nhân xảy ra sự cố nứt như nêu trên và thực hiện các phần việc để khắc phục.

Đến giữa tháng 5/2019, Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng cho biết, cầu Vàm Cống đã hoàn thành và đảm chất lượng để khánh thành đưa vào khai thác.

Theo đó, ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long cho biết, các kết quả kiểm tra, thí nghiệm chất lượng vật liệu, thiết bị được thực hiện trong quá trình xây dựng và báo cáo của tư vấn giám sát đều đạt yêu cầu so với thiết kế.

Kết quả kiểm định, thử tải của Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng và của tư vấn quốc tế (tư vấn độc lập) ARUP cũng cho thấy công trình cầu Vàm Cống đủ khả năng chịu lực, đảm bảo chất lượng.

Còn liên quan sự cố nứt dầm thép, báo cáo của Viện khoa học công nghệ Giao thông Vận tải và Tư quốc quốc tế ARUP cho thấy, sau sửa chữa, chất lượng được đảm bảo, an toàn kết cấu và đủ điều kiện để đưa vào khai thác.

Chính vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan chính thức quyết định khánh thành và đưa vào khai thác cầu Vàm Cống vào ngày 19/5 như đã nêu ở trên. Đây là cây cầu dây văng hiện đại thứ 5 ở ĐBSCL và là cây cầu thứ 2 bắc qua sông Hậu, sau cầu Cần Thơ.

Dự án cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu, nối quận Thốt Nốt (thành phố Cần Thơ) với huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp). Dự án có tổng chiều dài (bao gồm cả đường dẫn) là 5,75 km, trong đó, riêng phần cầu dài gần 3 km.

Dự án cầu Vàm Cống được khởi công ngày 10/9/2013, có quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ (chiều rộng mặt cắt ngang cầu chính và cầu dẫn là 24,5 mét), được thiết kế với vận tốc 80 km/giờ. Tổng mức đầu tư của dự án được công bố vào thời điểm khởi công là trên 271 triệu đô la Mỹ bằng nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, dự án cầu Vàm Cống là dự án thành phần nằm trong tổng thể của trục dọc xuyên qua vùng Đồng Tháp Mười, kết nối từ TPHCM qua Đồng Tháp đi An Giang, Kiên Giang và kết thúc ở Cà Mau.

Theo đó, hiện đoạn từ TPHCM tới huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp) đã có đường, nhưng mới đạt chuẩn 2 làn xe cơ giới; từ Tháp Mười đến Cao Lãnh (Đồng Tháp) chưa hình thành tuyến, cho nên, phải đi chung vào đường tỉnh 887 của địa phương này; từ cầu Cao Lãnh qua cầu Vàm Công đến Rạch Giá, thì xây dựng đường 4 làn xe, trong đó, đoạn từ cầu Cao Lãnh đến Vàm Cống đã hoàn thành. Riêng đoạn từ cầu Vàm Công đến Rạch Giá (dự án Lộ Tẻ- Rạch Sỏi) đang thi công và dự kiến quí 1-2020 mới hoàn thành.

Chính những yêu tố nêu trên, cho nên, để việc khai thác cầu Vàm Cống và cả cầu Cao Lãnh (đã khánh thành trước đó) được hiệu quả, tránh "cầu đã thông, nhưng kẹt đường", nhất thiết phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ dự án Lộ Tẻ- Rạch Sỏi kết nối về Kiên Giang. Đồng thời, phải nhanh chóng hình thành đoạn tuyến từ huyện Tháp Mười đến Cao Lãnh cũng như mở rộng đoạn từ TPHCM về huyện Tháp mười đạt chuẩn 4 làn xe cơ giới để khai thác đồng bộ cả tuyến từ Kiên Giang về TPHCM.

Trung Chánh

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo